Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhà không lối thoát hiểm: Cháy, chạy đường nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Hẻm cụt, nhà hẹp, duy nhất lối thoát hiểm là cửa chính, nếu không may hỏa hoạn xảy ra thì nguy cơ tử vong rất cao (ảnh chụp tại một con hẻm trên đường Trần Quang Khải, Q.1)
Nhà không lối thoát hiểm, hoặc có nhưng phòng ngừa trộm bằng những khung sắt kiên cố… là nguyên nhân khiến người bị nạn không thoát ra ngoài, lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận để cứu người và tài sản khi xảy ra sự cố hỏa hoạn.
Nhiều vụ cháy kinh hoàng đã xảy ra đối với nhà phố sử dụng kinh doanh, mua bán ở các thành phố lớn thời gian qua một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo tai nạn hỏa hoạn. Các nạn nhân không thể thoát kịp đám cháy bởi căn nhà này không có cửa sổ, cửa hậu mà có duy nhất cửa chính. Nguy hiểm hơn, cả người cho thuê và người thuê đều lơ là trong việc trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy.
Khi cửa chính là lối thoát hiểm
Hiện nay, tại TP.HCM nhà mặt tiền ở các con đường nằm trung tâm hầu hết đều ngăn mặt bằng cho các hộ kinh doanh thuê. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại địa bàn Q.1, những căn nhà có hai mặt tiền (đường chính và hẻm) được chủ hộ xây ngăn, phía trước dành cho thuê và gia đình ở phía sau, như thế cả nhà trước và nhà sau đều chỉ có một lối thoát hiểm. Có nhà trổ thêm cửa sổ nhưng lại làm bông gió bằng sắt đính vào bê tông rất kiên cố để đề phòng kẻ trộm. Nếu không may hỏa hoạn xảy ra, lối thoát hiểm duy nhất là cửa ra vào.
Ở nhiều chung cư, đặc biệt là chung cư xây dựng khá lâu đời như chung cư Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), chung cư Ngô Gia Tự (Q.10), chung cư Đoàn Văn Bơ (Q.4)… người dân cũng cho lắp khung sắt bảo vệ. Theo ông Nguyễn Văn Khiêm, ngụ lầu 1, chung cư Đoàn Văn Bơ, lắp khung sắt mục đích là để ngăn ngừa trộm, hơn nữa là tránh tai nạn khi trẻ leo trèo.
Mặt tiền đường Trần Quang Khải, P.Tân Định, Q.1 trông rất “hoành tráng”, song vào bên trong các con hẻm mới thấy ngỡ ngàng. Hẻm nhỏ có đoạn bề ngang chưa đầy 1m, hẻm cụt, nắt thút cổ chai chằng chịt. “Có nhà diện tích chỉ vài mét vuông, nằm không thẳng được chân thì lấy đâu ra đất để chừa lối thoát hiểm”, bà Nga, người dân cố cựu ở đây nói.
Lo trộm vào nhà cuỗm hết đồ đạc, nhiều hộ gia đình cho làm những khung sắt bảo vệ kín bưng, từ ngoài lan can cho đến các cửa sổ, cửa thông gió. Theo Thiếu úy Nguyễn Văn Tâm, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Q.4, người dân chỉ lo bảo vệ tài sản mà quên rằng đó là một trong những nguyên nhân khiến lực lượng cứu hộ cứu nạn khó hoặc mất rất nhiều thời gian đập phá để tiếp cận với nạn nhân, dẫn đến tử vong vì chết cháy, ngạt khói. Hình ảnh này dễ thấy ở các con hẻm trên đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Biểu, Trần Hưng Đạo (Q.1 và Q.5), Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), Lý Thái Tổ, Hồ Thị Kỷ (Q.10). Chị Trần Thục Quyên, ngụ trên đường Nguyễn Trãi, Q.5 cho hay, những năm gần đây, nạn trộm cắp diễn ra cả ban ngày nên bà con ai cũng bảo vệ tài sản bằng cách gia cố, làm mới những khung sắt để bảo vệ. Ngay cả nhà chị, chiếc bông gió để lấy ánh sáng trời cũng phải xây bít vì bị trộm đập để “câu” những gì có thể. Cũng theo chị Quyên, hầu hết những căn nhà ở đây đều chỉ có một cửa, nhà nào cao 4-5 tầng thì còn có được cửa sổ.
Thiếu úy Tâm khuyên: “Với nhà phố, muốn kinh doanh an toàn thì cần thiết phải có cửa phụ (có thể là cửa sổ) và trang bị thang dây. Bên cạnh đó cần cân nhắc khi lắp cửa cuốn vì khi xảy ra cháy do chập điện, hệ thống điện sẽ bị ngắt, cửa không hoạt động được”.
Cháy, chạy đâu?
Trên đường Hai Bà Trưng, Q.3, chỉ một đoạn ngắn nhưng có hơn chục hộ kinh doanh vải cây, vải ký… Vì nhà được ngăn đôi để cho thuê, chủ nhà ở phía sau, người thuê bán phía trước. Đây là những căn nhà chỉ duy nhất cửa chính. Mặt tiền chật hẹp, vải chất đống chừa lối đi chừng 1m. Vải dễ bén lửa, thế nhưng mỗi sáng sớm mở cửa, những cửa hàng vải thắp nhang thờ cúng nghi ngút từ trong nhà ra ngoài vỉa hè. Bà Nguyễn Thị Thu, chủ hộ cho thuê mặt bằng bán vải tại đây nói: “Biết là nguy hiểm nhưng có nhà mặt tiền mà không cho thuê thì lấy gì sống”. Gia đình bà Thu có 5 thành viên, trong đó có bà Thu và cha mẹ thường xuyên ở nhà. Nếu phía trước có sự cố hỏa hoạn, những người ở phía sau (ngăn bởi cánh cửa kéo) khó mà thoát thân.
Cửa chính là lối thoát hiểm duy nhất không chỉ có ở nhà phố mà ở các địa phương vùng ven như Q.7, Q.8, huyện Nhà Bè… cũng có. Phần vì sợ trộm viếng nhà, phần vì thời buổi “tấc đất tấc vàng” nên chủ nhân tận dụng để xây phòng trọ cho thuê.
Kỹ sư xây dựng Ngô Văn Thái (Công ty Thiết kế và Xây dựng Thành Phát, trụ sở đặt tại Q.12, TP.HCM) cho biết, ở những khu dân cư mới quy hoạch, cơ quan chức năng có quy định chừa khoảng lùi 2m phía sau nhà để làm lối thoát hiểm nhưng trên thực tế, người dân, kể cả chủ đầu tư dự án cũng phớt lờ. Nguy hiểm hơn, có dự án chủ đầu tư làm đúng quy định nhưng người sở hữu tự ý bít kín, sử dụng khoảng không vào mục đích khác. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử phạt chưa nghiêm nên tình trạng nhà có một lối thoát hiểm duy nhất là cửa chính tồn tại khá nhiều.
Bài, ảnh: Trần Anh
 
Người cho thuê, người thuê đều lơ là
Sử dụng nhà phố để kinh doanh, mua bán mà không cải tạo, sửa chữa cho phù hợp là tình trạng phổ biến ở TP.HCM. Bà Nguyễn Thị Lý, chủ hộ kinh doanh phụ liệu may mặc trên đường Lạc Long Quân (Q.Tân Bình) cho biết, người thuê cũng muốn cải tạo, trổ cửa thoát hiểm đề phòng hỏa hoạn nhưng chủ nhà không đồng ý vì ngại làm hỏng hiện trạng nhà.
Bên cạnh đó, không ít người thuê nhà, mặt bằng kinh doanh được chủ nhà thỏa thuận trên hợp đồng cho phép sửa chữa, mở lối thoát hiểm tạm thời nhưng vì thời hạn ký hợp đồng ngắn nên người thuê ngại bỏ tiền để làm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết người thuê mặt bằng kinh doanh còn lơ là trong việc trang bị dụng cụ chữa cháy, phương án thoát hiểm. Nếu có thì chỉ trang bị cho có với một bình chữa cháy (bắt buộc đối với hộ kinh doanh mặt hàng dễ cháy). Thiếu úy Tâm nói thêm: Trang bị kìm cộng lực, búa thoát hiểm, thùng phuy cát, chăn mền… là việc không thừa. 
 

Bình luận (0)