Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vì sao xuất khẩu lao động ở Lâm Đồng chậm?

Tạp Chí Giáo Dục

Theo tinh thần Quyết định số 1570  ngày 8/7/2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc giao chỉ tiêu xuất khẩu lao động (XKLĐ) năm 2009 tại 12 huyện, thị xã và TP trong tỉnh là 500 lao động. Song, tính đến 9/2009 toàn tỉnh chỉ mới có 72 người được đi XKLĐ (đạt 14,4%) trong khi các Chủ trương, Chính sách đặt ra khá thuận lợi, như vậy đâu là nguyên nhân?

Chủ trương, chính sách đều thuận lợi

XKLĐ được xem là biện pháp giảm nghèo bền vững của tỉnh đặt ra trong giai đoạn 2009 – 2015 nên ngoài việc cụ thể hóa các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều Văn bản quan trọng hoàn chỉnh hệ thống Chủ trương, cơ chế chính sách lãnh đạo các Ngành, đoàn thể liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho công tác triển khai thực hiện. Như QĐ số 1570 giao chỉ tiêu XKLĐ các địa phương trong năm 2009, Quy định số 4873 ngày 8/7/2009 “về một số chính sách đối với các hộ gia đình, NLĐ có hộ khẩu thường trú tại 16 xã nghèo do tỉnh đầu tư theo chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh & bền vững” gồm 6 nội dung cụ thể về chính sách của tỉnh hỗ trợ giảm nghèo, trong đó có nội dung hỗ trợ dạy nghề và XKLĐ; Kế hoạch số 6365 ngày 1/9/2009 “về đẩy mạnh XKLĐ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009 – 2015”…

Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn và Sở Lao động TB&XH Lâm Đồng cũng đã ký kết Chương trình Liên tịch số 1312 về “Giải quyết nghề nghiệp & việc làm cho thanh niên giai đoạn 2009 – 1015”. Ngành Lao động TB&XH, Đoàn TN và các tổ chức đoàn thể liên quan ở các địa phương trong năm qua đã có nhiều cố gắng phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ tổ chức tuyên truyền, tư vấn và các phiên giao dịch việc làm tại một số địa phương trong tỉnh. Có thể nói chủ trương, chính sách và sự nổ lực của các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện khá thuận lợi cho công tác XKLĐ. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng NLĐ tham gia XKLĐ ở Lâm Đồng còn rất hạn chế…

Hội nghị Liên tịch về XKLĐ do Sở Lao động TB&XH – Tỉnh đoàn và Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng

Nhu cầu XKLĐ của người dân cao
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 04 doanh nghiệp tham gia XKLĐ là Cty CP dịch vụ Dầu khí Sài Gòn, Cty Sovilaco, Haindeco và Cty Emico. Thời gian qua các công ty này cũng đã triển khai công tác tư vấn XKLĐ tại từng xã, cụm xã của hầu hết các huyện, thị xã, TP. Đà Lạt và chủ động phối hợp với một số cơ sở đào tạo trực tiếp tư vấn XKLĐ cho SV năm cuối các trường ĐH, CĐ, Trung tâm dạy nghề chưa có việc làm…. Qua đó, số người đăng ký XKLĐ tại Công ty CP dịch vụ Dầu khí SG là 67 người; Công ty Solavico: 22 người; Công ty Emico: 50 người và Công ty Haindeco: 6 người nhưng điều đáng quan tâm là trong số 145 người đăng ký tại 04 công ty trên thì chỉ có 6 người đang hoàn tất hồ sơ và chuẩn bị đi XKLĐ! Ngoài ra, theo báo cáo của 06 huyện trong tỉnh thì tổng số lao động đăng ký KXLĐ hiện nay được 194 người, nhưng mới chỉ có 36 người được khám sức khỏe; 08 người đã xuất cảnh XKLĐ và 5 NLĐ theo hợp đồng lao động cá nhân. Nếu tính tất cả số lao động xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2009, tổng số lao động của tỉnh được tuyển chọn đi XKLĐ là 72 người (đạt 14,4%) kế hoạch năm 2009, một con số quá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế!.
Nguyên nhân do đâu?
Tại Hội nghị Liên tịch do Sở Lao động TB&XH – Tỉnh đoàn và Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng tổ chức, lãnh đạo Phòng Lao động TB&XH, Đoàn TN 12 huyện, Thị xã Bảo Lộc, TP. Đà Lạt, 8 đoàn xã của huyện nghèo Đam Rông và đại diện 04 Doanh nghiệp XKLĐ đã nêu lên khó khăn của các địa phương, những vướng mắc cũng như kiến nghị trong công tác XKLĐ như: chế độ thu nhập, điều kiện làm việc đối với NLĐ còn hạn chế; thời hạn lao động ở nước ngoài ít (chỉ 2 năm) là quá ngắn; ngành Lao động TB&XH cần làm việc với Ngân hàng CS&XH khoanh nợ cho một số đối tượng XKLĐ về nước trước thời hạn; Có chính sách giải quyết những rủi ro, bất trắc xảy ra với NLĐ…
Về vấn đề này, Sở Lao động TB&XH Lâm Đồng cũng đã thẳng thắn nhận định: “Dù các cấp các ngành có nhiều cố gắng nhưng kết quả công tác XKLĐ chưa đáp ứng được yêu cầu và bộc lộ nhiều hạn chế. Về mặt chủ quan: ảnh hưởng sự suy giảm kinh tế thế giới làm cho việc tiếp nhận lao động ở các nước hạn chế, thị trường XKLĐ chưa nhiều; số lao động làm việc tại Malaysia trong những năm 2007 -2008 về nước trước thời hạn đã làm ảnh hưởng tâm lý cho NLĐ và hậu quả của tình trạng này vẫn chưa được giải quyết; Chính sách hỗ trợ của tỉnh về XKLĐ chưa rộng khắp, đến hết tháng 8/2009 chính sách hỗ trợ cho XKLĐ mới chỉ đầu tư cho huyện nghèo Đam Rông (một trong 61 huyện nghèo nhất nước) và 16 xã nghèo do tỉnh đầu tư…”
Mặt khác, nguyên nhân chủ quan là vấn đề mà ngành Lao động TB&XH, các cấp các ngành và ngay đối với NLĐ cần nhìn nhận trung thực, đó là một số ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của công tác XKLĐ gắn với giải quyết việc làm, góp phần xóa nghèo hiệu quả, do đó thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, thiếu các giải pháp đồng bộ; Sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa Lao động TB&XH với các ngành, đoàn thể liên quan các địa phương và các doanh nghiệp XKLĐ trong công tác tư vấn, vận động và NLĐ thiếu thông tin chính thống về ý nghĩa XKLĐ. Thêm một nguyên nhân nữa mà theo chúng tôi hết sức quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng XKLĐ đối với NLĐ trong những năm qua, đó là “mặt bằng” về trình độ học vấn, trình độ tay nghề của NLĐ nói chung còn thấp so với yêu cầu của chủ doanh nghiệp nước ngoài. Phần lớn lao động chưa qua đào tạo nên khó đáp ứng nhu cầu thị trường lao động các nước có thu nhập cao như Nhật, Hàn quốc, Úc… Hơm nữa, lao động nước ta có thói quen tùy tiện trong sinh hoạt và trong lao động, tự ý bỏ hợp đồng trong các doanh nghiệp ra ngoài làm việc tự do, về nước trước thời hạn… cũng gây nhiều hình ảnh tiền lệ không tốt.
Sẽ có Ban chỉ đạo XKLĐ tỉnh
Để khắc phục phần nào những nguyên nhân trên từ nay đến cuối năm 2009, ông Trương Ngọc Lý – GĐ Sở Lao động TB&XH tỉnh Lâm Đồng cho biết: sẽ tiến hành thành lập Ban chỉ đạo XKLĐ cấp tỉnh, tập trung triển khai quyết liệt các QĐ, chủ trương của UBND tỉnh đã phê duyệt. Đồng thời, Sở Lao động TB&XH tỉnh tiếp tục ký chương trình Liên tịch với Hội LHPN tỉnh về tăng cường trách nhiệm trong đẩy mạnh công tác XKLĐ; Chỉ đạo mỗi huyện sẽ chọn 01 xã làm điểm để nhân rộng; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng địa phương và bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn về ý nghĩa XKLĐ trong mọi đối tượng nhân dân; chú trọng công tác tuyển chọn NLĐ thật sự đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định…
Tin rằng, nếu các giải pháp được triển khai đồng bộ và hiệu quả, công tác XKLĐ của Lâm Đồng sẽ đạt kết quả cao hơn, góp phần thực hiện chủ trương giảm nghèo bền vững hiện nay cho Lâm Đồng.
T. Hồng

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)