Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lênh đênh xóm chài Tân Lý

Tạp Chí Giáo Dục

Người dân vẫn hằng ngày ra khơiTừ nhiều năm nay, khi gà gáy canh tư thì bất luận là biển động hay biển lặng,trời tạnh hay mưa, người dân xóm chài Tân Lý (Bình Thuận) vẫn chèo xuồng ra khơi với niềm hy vọng mình sẽ gặp may. Những người phụ nữ ở nhà ngóng mắt ra biển chờ chồng với niềm hy vọng…

Lênh đênh cùng con nước

“Từ khi đến mảnh đất này lập nghiệp, đến lúc thằng cháu tôi bước vào cấp II, chưa bao giờ tôi được nghe về sự tích của con sông này, chỉ biết thời ấy, dòng sông như một dải lụa rất đẹp uốn mình qua xóm đạo Tân Lý trước khi đổ ra cửa biển Hàm Tân. Và chính từ dòng sông này đã nuôi không ít người lớn khôn, đi học thành đạt trở về” – ông Lê Khiêm, một trong những người già nhất làng nói với tôi. Và mấy chục năm qua, cuộc sống của người dân Tân Lý vẫn mãi gắn bó với đôi bờ sông, lênh đênh lên xuống cùng con nước.

Như thường lệ, cả nhà đang say giấc nồng, anh Hợp nhẹ nhàng đến đánh thức thằng con trai thứ 3 (mới lớp 11), rồi mở cửa. Những cơn gió thốc mạnh, đề phòng trời có dông, anh vội lấy chiếc áo mưa rồi hai bố con cùng xuống bờ sông, nới chiếc xuồng đã được anh đổ đầy dầu từ chiều hôm qua. Lúc này, đồng hồ treo tay của anh hiện số 4 giờ 20 phút. Ở bến sông, ánh sáng của những bóng đèn điện phát ra từ gần 100 chiếc xuồng, ghe tạo thành một quầng sáng. Tiếng khởi động máy, tiếng cười nói của ngư dân, tiếng lưới… tạo thành một “bản hợp xướng” rất nhộn nhịp. Mọi người đã sẵn sàng cho một chuyến ra khơi với những hy vọng thuyền mình sẽ đầy cá trở về. Hai cha con anh Hợp cũng nổ máy, đi thẳng về phía biển. Chẳng mấy chốc, bờ sông không còn một chiếc ghe.

8 giờ sáng, những người vợ, người mẹ, người chị đã ngồi kín trên bờ sông, đôi mắt hướng ra phía biển chờ những chiếc ghe của người thân trở về. Nhìn thấy mũi xuồng từ đằng xa, chị Chung (vợ anh Hợp) đập vai thằng con út mới học lớp 4: “Bố và anh về rồi kìa, nhanh lên”. Thằng Khánh con chị, vội cầm lấy xô leo xuống bờ sông, xăm xăm lội nước tiến về chiếc xuồng của bố nó. Hôm nay, xuồng của bố con anh Hợp được khá cá. Trước khi về, anh đã gỡ được gần 10kg cá ngừ, đồng thời tấm lưới nhỏ của anh cũng đóng (tiếng lóng của người địa phương, chỉ cá mắc lưới) được gần 20kg cá nục. Anh Hợp sung sướng nói: “Cả gần tháng nay, xuồng của bố con tôi mới được như thế. Nếu cá được giá, thì mẻ lưới sáng nay cũng kiếm được gần 300 ngàn đồng”. Đậu sát bên phải anh là xuồng của vợ chồng anh Tài lại không được, lưới anh chỉ mắc toàn là tôm tích nhỏ. Anh Tài nói vọng sang: “Hôm nay anh Hợp trúng nha, chuyến này tôi lại thất bại rồi”. Không chỉ riêng anh Tài mà hầu như tất cả các ghe, xuồng đều không được. Phía bên tay anh Hợp là người đàn ông đã đứng tuổi, chuyên thả lưới thưa để bắt cá lớn, nhưng hôm nay lưới của anh cũng chỉ đóng được 3 con cá ngừ khoảng 1,5 kg/con. Anh than với mọi người bằng một chất giọng mặn mòi của dân xứ biển: “Sao mấy hôm nay chán thiệt, biển có động đâu mà không có cá nhỉ”. Trên bờ sông, nhiều phụ nữ tỏ vẻ thất vọng ra về khi chỉ lấy được mấy kg cá, không đủ cho một bữa chợ, đành phải bán cho mối với giá rẻ rồi quầy quả ra về: “Nghề biển là vậy, bữa có bữa không, phụ thuộc vào lẽ tự nhiên mà thôi”.

Và giấc mơ từ những tấm lưới

Gần 12 giờ trưa, nhưng cậu bé Hoàng (lớp 7) vẫn cùng bố dang đầu trần giữa nắng để kiểm tra lại tấm lưới sau một ngày hai bố con đi về thất bại. Chuyến đi của em chỉ được mấy con cá nhỏ dính lưới. Tại bến sông Tân Lý này, cảnh những đứa trẻ còn đang độ tuổi ăn tuổi học như Hoàng đã sớm phải theo ba mẹ xuống ghe gỡ cá, đan lưới là chuyện bình thường. Em Thành Phú (lớp 5 Trường TH Tân Bình 1), hè đến là vội vàng theo mẹ ra bến gỡ cá, gỡ tôm tích mỗi khi ba về. Còn đứa con trai thứ 3 của anh Hợp dù mới học lớp 6 nhưng đã có thâm niên gỡ cá hơn 3 năm, nhìn dáng em gầy gò hốc hác, những đôi tay gỡ cá từ lưới như một diễn viên xiếc, khiến mọi người trên bờ đều thán phục.

Không có ruộng vườn, những ngư dân ở đây đều sống phụ thuộc vào những mẻ lưới, con cái họ có được đến trường hay không cũng chính từ những chyến ra khơi đầy sóng gió. Thế nhưng, do không có vốn, phương tiện chỉ là những loại xuồng máy, ghe nhỏ nên không thể đi xa, kéo theo tiền kiếm được cũng chỉ đủ sống qua ngày sau khi đã chi phí lưới, xăng, dầu… Đó là chưa kể do đông ghe quá nên lưới chồng lên nhau, phải cắt bỏ, cá thì bị ép giá… Anh Hợp cho biết: “Lúc trước ít người đánh, nên cá nhiều, có tiền cho hai đứa con đầu đi học. Còn bây giờ cá hiếm, không biết mùa hè này có đủ tiền cho con vào năm học mới không? Nếu không đủ tiền thì cũng đành chịu chứ biết sao bây giờ. Chúng tôi chỉ mong kiếm được tiền cho con ăn học, thoát khỏi cảnh nghèo này”.

Còn anh Lợi, đã gắn bó với chiếc xuồng và tấm lưới do ba anh để lại gần 10 năm nay, nhưng cuộc sống cũng chẳng khá hơn, tấm lưới và chiếc xuồng đã đến “tuổi thọ” mà anh chưa biết vay tiền ở đâu để sửa. Hiện tại, anh chỉ mong có tiền sửa lưới rồi mới tính chuyện trường lớp cho đứa con trai đầu. Và cứ thế, những người đàn ông bên bờ sông Tân Lý hằng ngày vẫn lại ra khơi, người vợ, người mẹ của họ ở nhà chờ đợi với một hy vọng tương lai con cái họ sẽ đổi thay. Thế nhưng hy vọng tốt đẹp ấy của họ cứ mãi trôi nổi “lên xuống” như con nước dưới bến sông mà họ từng gắn bó từ bao đời nay. Bao giờ mới đổi thay?

Nguyên Hải

Bà Láng (50 tuổi) cho biết: “Khoảng 20 năm về trước, người dân ở đây còn thưa, chủ yếu là người di cư ở các tỉnh miền Trung vào lập nghiệp bằng nghề nông, “nước rộng, xuồng thưa” nên chỉ cần thả tấm lưới ra bờ sông là có cá để ăn. Nhà nào có vốn thì sắm chiếc thuyền thúng, chèo ra xa một tý là có cá để bán mà không cần phải đi đâu xa”. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, người tứ xứ về sông này kiếm sống bằng nghề chài lưới nhiều, nên bây giờ cá không còn, đi ra cách bờ biển gần 10km cũng không có”.

 

Bình luận (0)