Tác giả Phạm Côn Sơn |
Chỉ là một nhà cố vấn về du lịch, nhưng những kiến thức ông truyền lại rất đáng quý cho nhiều thế hệ sinh viên ngành du lịch. Vì thế, dù chưa bao giờ đứng trên bục giảng nhưng ông vẫn được sinh viên gọi bằng “thầy” một cách kính trọng và thân thiện. Ông là tác giả Phạm Côn Sơn – người đã viết hơn 200 đầu sách về kiến thức du lịch, đạo lý, thuật ứng xử, kinh doanh…
Từ một người viết sách
Người giới thiệu ông cho tôi là Trần Lê Trung Hiếu – một cựu sinh viên trường du lịch vốn rất quý trọng thầy giáo cũ của mình dù cô đã ra trường từ lâu. Là một “đệ tử” của không biết bao nhiêu “sư phụ” nhưng Hiếu vẫn coi thầy Phạm Côn Sơn như một thần tượng trong quãng đời “đi học” của mình. Tìm đến nơi trú ngụ của ông là ngôi nhà nằm nép mình trong con hẻm (đường Lê Hồng Phong, Q.10) cũng không khó lắm. Một tủ sách lớn được kê gọn trong phòng đã gây một “ấn tượng văn hóa” cho khách khi đến thăm nhà. Tôi tranh thủ đọc hết tên sách và tên tác giả mới biết chủ của kho tàng tri thức đó không ai khác mà chính là người đang ngồi đối diện trước mặt mình. Câu chuyện đầu tiên của ông là chuyện duyên nợ với văn chương. Ông Sơn nhớ lại: “Hồi nhỏ tôi có may mắn được cha mẹ cho học hành tử tế. Nhờ có chữ trong đầu nên tôi rất mê đọc sách nhất là tủ sách học làm người của Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Hoàng Xuân Việt… Những kiến thức từ trong sách dần dần thấm vào máu thịt trong một người thanh niên ham đọc, ham tìm hiểu như tôi. Càng đọc tôi lại thấy có nhiều điều sách chưa nói đến và có nhiều điều mình có thể viết thành sách được”. Từ suy nghĩ đó anh thanh niên Hoàng Thanh Minh (tên thật của ông) bắt đầu chấp bút. Không đi theo con đường cũ của các tác giả cùng thời, ông viết theo một giọng văn riêng và khai thác đề tài theo một hướng mới. Chính nhờ có một phong cách không lẫn với ai được nên sau khi trình bản thảo ông được nhà in chấp thuận ngay. Lúc bấy giờ ở Sài Gòn Nhà sách Khai Trí của chủ bút Nguyễn Văn Trương rất có uy tín trong độc giả. Chỉ một thời gian ngắn ông đã được Khai Trí mời hợp tác và đóng góp tên tuổi mình vào làng sách dạy làm người, nghệ thuật kinh doanh. “Những đầu sách này in ra với mục đích hậu học đường nhằm bổ sung những kiến thức ở ngoài đời mà người học sinh không tìm thấy trong lớp học nên luôn được độc giả đón nhận nồng nhiệt” – ông tâm sự. Tuy nhiên, để cạnh tranh với thị trường sách, người viết phải nắm bắt được thị hiếu người đọc, phải có những đề tài lạ, biết đem vào sách những câu chuyện thực tế lý thú. Tưởng như là một nghịch lý khi đề cập tới chuyện bán chạy hàng ế, hàng tồn kho. Thế nhưng Phạm Côn Sơn đã thu thập kinh nghiệm từ các nhà kinh doanh để cho ra mắt cuốn sách Nghệ thuật bán chạy hàng ế. Đọc xong sách, độc giả mới vỡ ra một điều không có mặt hàng nào mà không kinh doanh được, quan trọng là cách nắm bắt thị trường. Hàng bán đi không chỉ thu được lợi nhuận mà còn khỏi bị chôn vốn, ngâm tiền một chỗ. Từ một đất nước đi lên sau chiến tranh, chỉ một thời gian ngắn Nhật Bản đã trở thành một cường quốc. Vậy nguyên tắc nào đem đến thành công đó? Nếu người viết mổ xẻ thấu đáo thì đem đến cho bạn đọc được rất nhiều bài học kinh nghiệm mà trong nhà trường không dạy tới. Theo ông sản xuất phải có cạnh tranh, cạnh tranh để tồn tại nhưng phải lành mạnh không làm phương hại đến người khác. Dù viết đề tài nào tác giả cũng không quên bàn tới tâm đức nhà doanh nghiệp. Đánh giá thành công của một doanh nghiệp chúng ta không chỉ nhìn vào biểu đồ lợi nhuận của doanh nghiệp đó mà còn xem doanh nghiệp đã quan tâm tới người công nhân như thế nào. Biết chia lợi nhuận công bằng, mở trường dạy nghề dạy chữ cho người lao động, làm ăn chân chính và đóng thuế đầy đủ thì thành công của doanh nghiệp mới viên mãn.
Đến một “thầy giáo” ngành du lịch
Không dừng lại ở đề tài đạo đức, kinh doanh, ngòi bút của ông còn đào xới thêm ở lĩnh vực văn hóa du lịch. Tuy nhiên, muốn tìm hiểu văn hóa các vùng miền thì phải đi chứ không thể “ngồi trên gác lạnh nói chuyện đời” được. Vì thế có bao nhiêu nhuận bút từ công việc viết sách, ông đã “nướng” vào các chuyến lữ hành từ Nam ra Bắc với chủ trương “lấy củi đậu nấu đậu để cho ra dầu”. Vừa đi vừa viết, vừa viết vừa chiêm nghiệm nhờ thế kho tri thức văn hóa của ông ngày một thêm đầy. Có người ví ông như nhà văn Nguyễn Tuân gần cả cuộc đời theo chủ nghĩa xê dịch. Trong nhà sách lại có thêm những đầu sách về hành trình những chuyến đi của tác giả Phạm Côn Sơn. Từ chỗ là một khách hàng quen thuộc, thấy ông là người uyên thâm chuyện Đông Tây kim cổ, Công ty Du lịch Lửa Việt và các trường du lịch đã mời ông hợp tác với vai trò là “người đi trước” của sinh viên. Từ đó theo những chuyến đi xa, ông đã trở thành một “cuốn từ điển sống” cho nhiều sinh viên và nhân viên ngành du lịch tra cứu. Tự nhận mình là học trò của “người dẫn đường” nên sinh viên đều gọi ông bằng Thầy một cách kính trọng và nể phục. Nhờ cùng rong ruổi với các đoàn thực tập mà ông đã phát hiện ra những “lỗ đen” về kiến thức của sinh viên du lịch và kịp thời lấy kiến thức của mình “lấp kín” lại: “Có những chi tiết các em giải thích sai do nhớ không chính xác hoặc học chưa tới. Hơn nữa du khách mỗi người có một trình độ khác nhau nên tôi khuyên SV nếu không biết các em đừng có phịa ra mà gây sự hiểu lầm và làm mất uy tín. Tốt nhất cứ xin lỗi khách và hẹn trả lời sau. Nhớ lời dặn dò của tôi nên có em ngay sau đó đã gọi điện để nhờ thầy giải đáp. Cách làm đó đã cứu nguy cho được những “bàn thua trông thấy” của người hướng dẫn viên”. Nhờ có thầy rèn cặp mà các em biết được những điển tích, điển cố trong kho từ vựng tiếng Việt, biết chính xác gốc gác địa danh lịch sử như Phượng Hoàng Trung Đô (Nghệ An), thị trấn Voi ( Hà Tĩnh)…
Theo ông, kiến thức là biển hồ lai láng. Có khi mình là thầy của sinh viên nhưng cũng có lúc mình lại là học trò của mấy em. Trong những chuyến đi lưu động, các em là người học hỏi nhưng đồng thời cũng là những đồng nghiệp tương tác làm đầy thêm “bộ nhớ tri thức” cho người thầy. Điều trăn trở của ông là do quỹ thời gian của cuộc đời luôn hạn hẹp nên phải làm thế nào để truyền hết những tri thức cần thiết cho lớp trẻ càng nhiều càng tốt. Hơn nữa ông cũng tự nhận mình là một người thầy không đứng trên bục giảng. Thế nhưng, qua câu chuyện “làm thầy” của ông tôi càng hiểu được một lẽ: bục giảng ngoài cuộc đời tuy không có lớp lang bài bản như trong giáo án nhưng cũng là một khoảng trời kiến thức bao la để các thế hệ nâng bước cho nhau.
Sau những cuộc hành trình của người thầy không bục giảng, “màu xám” của lý thuyết có thể phai nhạt nhưng với những đứa học trò của thầy Phạm Côn Sơn thì “cây đời vẫn mãi xanh tươi”. |
Hương Thủy
Bình luận (0)