Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Góp nhặt những mảnh đời vỡ

Tạp Chí Giáo Dục

Các trẻ khuyết tật được nuôi dưỡng ở mái ấm Thiên Phước

Trung tâm Nuôi dưỡng và Bảo trợ trẻ khuyết tật Thiên Phước (mái ấm Thiên Phước) được thành lập vào năm 2001, đến nay đã đi vào hoạt động được 9 năm. Nơi đây đang cưu mang hơn 70 em nhỏ khuyết tật, bại não, xương thủy tinh…
Nằm tách biệt với quốc lộ 1A, mái ấm Thiên Phước tọa lạc trong khuôn viên rộng, do linh mục Phan Khắc Từ thành lập. Nguồn kinh phí để mái ấm có thể hoạt động hoàn toàn nhờ vào lòng hảo tâm của mọi người. Sơ An chia sẻ: “Chúng tôi không vận động hay kêu gọi ai, nhiều người đến đây thấy thương các em rồi họ cho, hay họ về kể với bạn bè”.
Nơi góp những “mảnh đời vỡ”
70 em nhỏ đang sống tại mái ấm là 70 cuộc đời khác nhau, có em mồ côi cha mẹ, có em bị bỏ rơi và cũng không ít em tuy còn gia đình nhưng vì quá nghèo nên phải vào đây tá túc. Các em được sống trong sự yêu thương đùm bọc của các sơ, các cô.
 “Nhiều lúc hơi bực vì các cháu cứ quấy khóc, nghịch ngợm, nhưng nghĩ lại càng thương”, sơ An tâm sự.
Thời gian biểu một ngày của các em chỉ là ngủ, thức dậy và nghịch ngợm, ăn rồi lại ngủ, không thể nói cũng chẳng biết điều gì đang xảy ra xung quanh. Cái ồn ào ở đây khác với bọn trẻ con bình thường, nó là cái ồn ào vô cảm, không ý thức. Lầu một của mái ấm có tất cả 42 em, hầu hết đều bị bệnh nặng, không thể tự chăm sóc mình. Các em thường la khóc, đập đầu vào tường hay bất cứ thứ gì có thể. Ở đây, chỉ có 11 sơ và một vài cô phụ việc nên không thể chăm sóc đặc biệt riêng em nào, chỉ còn cách cột các em vào thành giường. Bé Trần Thị Lộc với đôi lông mày cao vút, đã 11 tuổi nhưng chỉ nặng 9,2 kg. Lộc bị bệnh xương thủy tinh và cha mẹ đã bỏ rơi em.
Bé Hoàng lại là một trường hợp khác, em bị thủy não, do không thể mổ được nên đầu ngày một to, người em quá nhỏ nên không thể đỡ nổi phần đầu. Hoàng như đứa bé một tuổi, em nằm nghiêng đầu sang một bên và đôi lúc khóc rấm rứt.
Sơ An tiếp tục chỉ cho chúng tôi một cậu bé bị bệnh down. Sơ kể lúc trước em bị cha mẹ bỏ rơi, lại không có hậu môn, rồi được mái ấm đưa đi phẫu thuật. Bây giờ, mọi việc tiểu tiện của em đều nhờ các sơ chăm sóc. Vào thăm phòng ngủ của các em, chúng tôi gặp cô Năm, đang phụ các sơ chăm sóc các bé. Cô Năm tâm sự: “Buổi tối các bé dễ quấy lắm, mọi người phải thay nhau trông coi, như cậu nhóc này nè, lúc vui cười miết vậy đó chứ lúc lên cơn nó khóc không dỗ nổi”.
Chăm sóc bằng tình thương
Bước xuống căn bếp của mái ấm, chúng tôi nhận thấy một sự ấm áp đến lạ, dường như các sơ và các cô ở đây đã dành tất cả tình yêu thương của mình cho các bé. Từ việc ăn, mặc, ngủ đều được chăm chút từng li từng tí.
Tranh thủ quan sát lúc sơ Bình và một cô khác cho các bé ăn, lúc đó gần 10 giờ, chúng tôi hỏi “sao cho các bé ăn sớm thế?”, sơ trả lời “Tranh thủ cho các bé ngoan ăn trước, rồi đến lượt các bé còn lại”.
Mái ấm có hiện có 11 sơ thường xuyên chăm sóc các bé và hơn 10 cô từ bên ngoài vào phụ giúp. Nguồn kinh phí để mua lương thực, thuốc men đều phải nhờ vào các nhà hảo tâm nên thiếu thốn nhiều thứ. Mối lo lớn của các sơ ở đây là không có một nguồn tài trợ chính thức nào để đảm bảo cho mái ấm đủ điều kiện chăm sóc các em một cách tốt nhất. Cái gì cũng thiếu, từ sữa, giấy, thuốc men… Tủ thuốc của mái ấm chỉ có vài lọ thuốc nhỏ mắt, vài cái toa thuốc của bệnh viện tâm thần nằm chỏng chơ…
Rời mái ấm, chúng tôi bước trên con đường dẫn ra quốc lộ, lòng chợt buồn khi nhớ về một bé Lộc mỏng manh, một bé Hoàng thủy não, bụ bẫm, một cậu bé cười rồi khóc đó… Nắng chiều vẫn rải trên con đường vắng vẻ của ngày buồn.
Bài, ảnh: Lê Thị Bích Chi

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)