Sau khi cầm tiền, thầy Tú dặn các sinh viên không được nói với ai chuyện này vì “đây là vấn đề nhạy cảm”. Thầy Tú không quên hứa một câu chắc nịch: “Việc cho các em đậu lần này trong tầm tay của thầy”.
Thầy giáo “làm tiền” sinh viên
Những ngày qua, sinh viên năm 4 của 2 lớp 09XH01 và 09XH02 (khóa 2006- 2010) trường Đại học Bình Dương (ĐH) bức xúc, tố cáo hành vi vòi tiền trắng trợn của thầy Hồ Ngọc Anh Tú, giảng viên môn anh văn của trường.
Theo phản ánh của các sinh viên, thầy Tú là người trực tiếp dạy, ra đề và chấm thi môn anh văn chuyên ngành 2. Thế nhưng, trong kỳ thi hết môn tháng 12/2009, có đến 105/160 sinh viên của 2 lớp trên bị đánh rớt. Đây là năm cuối, nếu thi rớt một lần nữa môn anh văn chuyên ngành 2 thì các sinh viên này không được tốt nghiệp vào cuối khóa.
Tâm lý của sinh viên càng lo lắng hơn khi thầy Tú “đe”, nếu không chịu chung chi thì thầy sẽ cho rớt trong lần thi lại dự kiến tổ chức vào ngày 29/1. Lần thi này, nếu muốn vượt qua “ải” của thầy Tú thì phải chung chi từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Một nhóm sinh viên năm 4 của khoa này đã lên danh sách và gom tiền gửi thầy.
Theo bàn bạc, tối ngày 17/1, 2 sinh viên H. và A. đã hẹn thầy Tú đến quán café 39 Đại lộ Bình Dương, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương để nộp tiền cho thầy. Sau khi cầm tiền, thầy Tú dặn các sinh viên không được nói với ai chuyện này vì “đây là vấn đề nhạy cảm”. Thầy Tú không quên hứa một câu chắc nịch: “Việc cho các em đậu lần này trong tầm tay của thầy”.
Về nhà, thầy Tú đếm trong phong bì chỉ có 4 triệu đồng mà danh sách kèm theo có đến 12 sinh viên. Theo “luật” của thầy thì mỗi sinh viên chung 500 ngàn, vị chi 12 sinh viên phải là 6 triệu.
Do vậy, đêm sau, lúc 19h41 ngày 18/1, thầy Tú nhắn tin vào số máy di động của sinh viên H. với nội dung: “H ơi, chuyện khá tế nhị và nhạy cảm nhưng T (tên thầy Tú- PV) muốn nói để em hiểu vì T không muốn các bạn khác cảm thấy không vui vì T không công bằng. Vì thế, với số money (tiền) em gửi tối qua T chỉ giúp được cho 8 bạn. Mong em thông cảm vì các bạn khác cũng vậy. Do đó, em trừ lại 4 bạn và phiền em nhắn tin (nhắn tin -PV) danh sách chính thức cho T nghe. Thanks”.
Lãnh đạo nhà trường nói chuyện với sinh viên 2 lớp XH01 VÀ XH02 về sự việc thầy Tú. (Ảnh: Công Quang)
Và từng ngồi tù vì làm bằng cấp giả
Theo đó, vào thời điểm bấy giờ, thầy Hồ Ngọc Anh Tú (40 tuổi, ngụ phường An Thới, quận Bình Thủy, Cần Thơ) là giảng viên Anh văn thuộc Trung tâm Ngoại ngữ, Đại học Cần Thơ. Trong một lần nhặt được chùm chìa khóa của là chị Nguyễn Thanh Thúy (thời điểm đó là chánh văn phòng trung tâm ngoại ngữ). Trước khi trả lại chìa khóa cho đồng nghiệp, thầy Tú đánh thêm một bộ chìa khóa mới.
Thực hiện kế hoạch, thầy Tú dùng chìa khóa đã lấy trước đó mở cửa, đột nhập vào trung tâm lấy cắp phôi bằng, con dấu. Sau đó, làm chứng chỉ ngoại ngữ giả bằng cách dùng con dấu thật của trung tâm nhưng chữ ký của Giám đốc thì Tú… ký thay. Làm xong bằng, Tú nhờ 2 đối tượng khác là Nguyễn Tiến Lực, Trần Hồng Sơn đi “môi giới” và tìm khách hàng để bán bằng giả. Nhóm của thầy Tú tung bán số chứng chỉ giả với giá từ 1 triệu đồng/chứng chỉ cho chủ yếu là sinh viên và cán bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tổng cộng, thầy Tú cùng “cộng sự” đã làm và tiêu thụ trót lọt 28 chứng chỉ cùng 1 giấy chứng nhận tạm thời, 2 giấy xác nhận điểm thi và thu lợi bất chính 43 triệu đồng. Hành vi của thầy Tú bị công an bắt giữ vào tháng 4/2004.
Thầy Tú ra tù sớm hơn 2 tháng nhưng phải thử thách tại địa phương 3 năm. Đến tháng 1/2009, thầy Tú mới được xóa án tích. Năm 2008, thầy Tú đã ký hợp đồng giảng dạy với trường Đại học Bình Dương.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo trường Đại học Bình Dương xác nhận hành vi nhắn tin yêu cầu sinh viên chung chi tiền để đỗ kỳ thi hết môn của thầy Tú. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Hội đồng kỷ luật nhà trường đã làm việc với thầy Tú.
Tại buổi làm việc, thầy Tú đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình với ban Thanh tra nhà trường. “Chúng tôi đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang Lực lượng Bảo vệ an ninh nội bộ và văn hóa tư tưởng (PẠ25) – Công an Bình Dương để điều tra. Quan điểm của nhà trường là giải quyết dứt khoát, không bao che”, thầy Cao Việt Hưng – Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng phụ trách Công tác chính trị – tư tưởng, công tác sinh viên cho biết. Theo đó, số tiền mà thầy Tú đã nhận thì phải trả lại cho sinh viên. Còn hình thức kỷ luật cao nhất mà nhà trường đưa ra là buộc thôi việc.
Về việc thầy Tú ký hợp đồng với nhà trường khi chưa hết thời gian xóa án tích rõ ràng là trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông Cao Việt Hưng cho biết: “Giấy xác nhận của công an phường An Thới, quận Bình Thủy, Cần Thơ lúc thầy Tú nộp hồ sơ xét tuyển gửi cho trường không ghi về thời gian quản thúc của thầy Tú tại địa phương. Nếu mà công an ghi anh này đang bị quản thúc tại địa phương thì việc ký hợp đồng giảng dạy đã khác rồi. Chuyện xác nhận lý lịch là của công an, không phải của nhà trường”.
Công Quang (dantri)
Bình luận (0)