Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khắc khoải những làng nghề: Bài cuối: Người níu giữ làng nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Một tác phẩm tranh thổ cẩm

Bị “mê hoặc” bởi chất liệu thổ cẩm nên cô giáo nhỏ luôn trăn trở với suy nghĩ làm sao để người dân quê mình sống được với nghề dệt thổ cẩm? Và cô gái nhỏ ấy chính là Nguyễn Thụy Vi Vân đã chọn cho mình một hướng đi riêng.
Hiện thực mơ ước
Qua bao đời nay, dệt thổ cẩm đã trở thành biểu tượng, nét đẹp văn hóa cổ truyền và là thứ không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân Tây Nguyên. Thế nhưng, ngành nghề này đang ngày bị mai một bởi không có được chỗ đứng trên thị trường, sản xuất nhỏ lẻ cũng như không có đầu ra, trong khi thực tế hàng triệu lượt du khách thập phương vẫn còn đang chú ý đến nét văn hóa đặc thù này.
Chính vì vậy, Vi Vân – người con gái chưa đầy 30 tuổi sinh ra và lớn lên giữa vòng tay của núi rừng, trong sự yêu thương của đồng bào miền sơn cước luôn suy nghĩ làm thế nào để duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm. Qua đó tạo việc làm, thu nhập cho chị em người dân tộc thôn Đampao, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) của mình. Năm 2007, khi đang làm lập trình viên cho một công ty nước ngoài, Vân quyết định “bỏ ngang” để biến những trăn trở, suy tư của mình thành hiện thực. Vân bắt đầu cuộc hành trình bằng những chuyến thực tế qua các buôn làng người dân tộc thiểu số trên cả nước để tìm hiểu, nghiên cứu về chất liệu hoa văn thổ cẩm. Từ đó thực hiện ý tưởng của mình về một dòng tranh – tranh thổ cẩm.
Quyết định của Vân lúc bấy giờ có thể coi là táo bạo, là mạo hiểm. Bởi lẽ thổ cẩm khi ra với thị trường, người ta chỉ có thể tìm mua những sản phẩm là khăn trải bàn, giỏ xách, chiếc khăn tay hay những món quà nhỏ bé dễ thương đầy bản sắc để làm kỷ niệm hơn là để sử dụng chúng trong cuộc sống thường ngày. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều dân tộc không sống nổi với nghề, đành nuối tiếc nhìn những khung dệt bị gác lên mái nhà, chái bếp… Bà Tống Thị Tính, mẹ của Vi Vân cho biết: “Chọn cho mình một con đường mà trước đó đã không mấy người thành công, ban đầu gia đình tôi có phản đối nhưng rồi sự đam mê của Vân dần thuyết phục chúng tôi”. Và rồi, trải qua nhiều thử thách, không ít những khó khăn, bước đầu Vân cũng thành lập được Công ty TNHH Vân Nguyễn tại thôn Đampao và mở thêm chi nhánh nhỏ tại 132/9 Hoàng Văn Thụ, P.9, Q. Phú Nhuận, TP.HCM chỉ với một mục đích là giúp cho bà con quê mình có thêm nguồn thu nhập, bên cạnh đó mang đến cho bạn bè khắp thế giới một cái nhìn trọn vẹn, phong phú hơn về nét đẹp của sản phẩm thổ cẩm – những sản phẩm kết tinh từ trí tuệ, tâm hồn và sức lao động của người Việt Nam sống nơi miền sơn cước.
Tranh ra thế giới
Mặt hàng chủ lực của Công ty Vân Nguyễn chính là các sản phẩm trang trí nội thất làm bằng thổ cẩm. Đó là những bức tranh hình chiếc đồng hồ treo tường với rất nhiều kiểu dáng trang nhã, sang trọng do các sơn nữ người K’ho thêu dệt. Hay khăn trải bàn, giỏ xách và nệm gối, nệm ghế, tranh thư pháp… cũng làm từ chất liệu thổ cẩm là kết quả của sự tỉ mẩn, khéo léo trong từng chi tiết nhỏ. Thế nhưng, ít ai biết được để hoàn thành một tác phẩm tranh thổ cẩm, chính Vi Vân phải tự mình thiết kế mẫu mã và tìm chọn chất liệu thổ cẩm phù hợp với những vật dụng trang trí nội thất, sau đó mới chuyển giao cho đồng bào mình thêu dệt. Vân tâm sự: “Khi thực hiện các sản phẩm tranh bằng chất liệu thổ cẩm, Vân không chỉ nghĩ thổ cẩm sẽ có được một hướng đi mà đằng sau đó còn là cuộc sống của bà con, của những người làm nên nó”. Vân nói thêm, để cho ngành nghề này không bị mai một, mỗi năm Vân cùng với Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng tổ chức các khóa bồi dưỡng dệt và thêu thổ cẩm cho bà con Đampao để nâng cao trình độ tay nghề, góp phần gìn giữ một làng nghề thủ công đậm bản sắc. Bây giờ, những bức tranh của Công ty Vân Nguyễn do chính bàn tay của người dân Đampao thêu dệt đã trở thành những vật dụng nội thất sang trọng, có mặt hầu hết các địa phương trong nước, bước đầu tiếp cận với thị trường quốc tế. Trong những lần “mang chuông đi đánh xứ người”, tham gia các cuộc triển lãm quốc tế, tranh thổ cẩm cũng được nhiều doanh nghiệp, khách tham quan chú ý, đánh giá cao. Điều này không chỉ mang lại niềm vui đối với riêng Vân mà còn là nguồn động viên giúp cho những phụ nữ Đampao vững bước trên hành trình bảo tồn vẻ đẹp tinh hoa văn hóa của dân tộc.
Không dừng lại ở đó, trên hành trình tìm hướng đi cho dòng tranh thổ cẩm, Vân luôn muốn gửi đến những người thực sự yêu thích thổ cẩm một thông điệp, một cảm quan nghệ thuật. Đó là nỗi khát khao vươn lên, bước đến sự hoàn thiện về nhân cách, sự tinh tế cũng như vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm của người dân Tây Nguyên đã gửi gắm thông qua từng đường kim mũi chỉ, từng họa tiết, hoa văn mềm mại, đầy gợi cảm của mỗi bức tranh. Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên nếu biết rằng trong dòng tranh của mình, Vân chỉ cho sản xuất duy nhất một lần và không có một sản phẩm tranh tương tự nào xuất hiện nhằm tránh sao chép trên thị trường, cũng như mang đến tính “độc quyền” cho người tiêu thụ…
Trong cuộc sống hối hả khiến cho người ta dễ quên đi những giá trị tinh thần đã thuộc về truyền thống, thỉnh thoảng đôi ba lần bắt gặp những bức tranh thêu từ chất liệu thổ cẩm, hẳn chúng ta cảm thấy tĩnh lặng, xúc cảm với những ấn tượng mạnh về một hướng đi! Ở đó có sự trân trọng, nâng niu của những con người đã dồn hết đam mê, tâm huyết, thậm chí mạo hiểm đánh đổi cả cuộc đời mình cho việc gìn giữ và phát huy bản sắc, nét tinh hoa văn hóa của dân tộc mình.
Bài, ảnh: Tuyết Dân
Niềm vui lớn nhất của người dân Đampao là hai trong số những bức tranh thêu tay của họ được treo trang trọng tại Văn phòng đại diện Việt Nam tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc – Hoa Kỳ trong dịp nước ta giữ chức Chủ tịch luân phiên.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)