Thiếu nước sinh hoạt đã làm cho những người thợ vất vả hơn |
Những ngày qua, ở một số quận, huyện ngoại thành đã xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Không chỉ người dân bị “khát” mà các chủ thầu xây dựng cũng dở khóc dở mếu. Để công trình kịp tiến độ, nhiều chủ thầu phải tìm mua nước sạch với giá 180.000đồng/m3…
Giá nước tăng từ 60 đến 180 ngàn đồng/m3
Ngày 29-3, ông Nguyễn Tài Tài nhà ở khu phố 1, P.Tân Thuận Tây, Q.7 đã phải sang huyện Nhà Bè tìm mua nước. Ông Tài cho biết: “Do chủ quan nên không trữ nước trước, đến ngày đổ bê tông thì mới tá hỏa vì cúp nước. Bởi vậy phải qua đây để mua…”.
Không chỉ riêng ông Tài mà hai con trai của ông cũng được “huy động” đi tìm nước. Ông Tài nói như than: “Bên Q.7, các đại lý bán nước sạch (do xe bồn chở nước phục vụ nông thôn cung cấp) bán với giá quá cao, tôi không kham nổi. Cứ tưởng đến đây sẽ rẻ hơn nhưng cũng vậy – một mét khối nước giá 180.000 đồng, mà đâu phải có tiền là có nước. Tiền mua vật tư không ngán bằng tiền mua nước”…
Lâu nay người dân trên địa bàn xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè thường sử dụng nguồn nước giếng đã qua xử lý của địa phương với giá 5.500 đồng/m3. Cái giá này là vừa với túi tiền của người dân. Tuy nhiên, nguồn nước này cũng chỉ dùng để tắm giặt, tưới cây chứ không dùng để nấu ăn.
Mới đây, theo phản ánh của người dân ngụ ấp 3, ấp 5 xã Phước Kiển thì những ngày qua Công ty Vạn Phát Tài – đơn vị thi công lắp đặt hệ thống thoát nước trên địa bàn đã làm bể đường ống nước giếng. Khi sự cố xảy ra, phía công ty cũng như trạm nước ở địa phương đã không có động thái gì khiến tình trạng thiếu nước sinh hoạt trở nên nghiêm trọng. Bình thường, giá một mét khối nước sạch đại lý bán cho người dân khoảng từ 60-80 ngàn đồng. Những ngày cao điểm, thiếu nước các đại lý mặc sức tăng giá lên đến 160-180 ngàn đồng. Thậm chí không ít đại lý cố tình “ém hàng” để chờ thời cơ.
Nhà ông Nguyễn Văn Nghĩa, ngụ ở ấp 3, xã Phước Kiển đang trong thời gian thi công nước rút cũng đành bấm bụng bỏ tiền mua nước sạch để trộn hồ. Ông Nghĩa bức xúc: “Mỗi ngày, chỉ tính riêng việc trộn hồ đã ngốn gần hai mét khối nước, mất toi từ 350-400 ngàn đồng, tùy ngày. Sắp tới cần nước để rong nền, chưa biết phải lấy ở đâu ra”. Bà Thu, vợ ông Nghĩa phân trần: “Nhà không có khả năng mua gạch mới lát nền phải đi mua gạch cũ, trong khi đó tiền mua nước rong nền lại gấp đôi tiền mua gạch cũ, đúng là mình tính không bằng trời tính”.
Thiếu nước, thiếu thợ
Chị Phạm Thị Thái, ở thị trấn Phú Xuân, huyện Nhà Bè cũng cho biết: “Hơn một tuần nay công trình xây dựng nhà phải tạm ngưng vì thiếu nước dẫn đến chuyện thợ bỏ đi tìm chỗ làm mới”.
Đứng trước căn nhà đang xây dựng dở dang, chị nói nghe mà não ruột: “Cả khu đều có chung tình trạng này, đi vệ sinh cũng phải đi ké ở các cầu ao trong xóm hoặc ra mấy đám đất trống chứ đi ở nhà không có nước dội huống hồ chi chuyện có nước để làm nhà”.
Ông Tài cho biết thêm: “Thiếu nước đã kéo theo chuyện thiếu thợ. Những ngày qua, đám thợ đã bỏ sang công trình khác vì chịu không nổi cảnh sau giờ làm phải đi tìm kênh rạch để tắm, giặt. Vì căn nhà này tôi xây để bán, lấy tiền cọc của người ta rồi chứ không tui ngưng khi nào nước non đầy đủ mới tiến hành, khỏi mất công lo lắng thêm nhức đầu”. Chuyện thiếu nước đối với ông Tài đã quá mệt mỏi, nay lại thêm chuyện anh em thợ thầy bàn tính nhau đi chỗ khác làm trong khi đó ông còn hai căn nhà khác chuẩn bị khởi công vào tuần tới. “Thiếu nước thì công trình phải nghỉ, mình đâu có khả năng trả công những ngày nghỉ cho anh em, thôi thì cứ để anh em đi nếu họ muốn”, ông Tài rầu rĩ nói.
Anh Nguyễn Văn Sang làm thợ hồ ở nhà ông Nghĩa nên thuê nhà trọ ở xã Hiệp Phước – huyện Nhà Bè. Mấy ngày nay nước giếng ở khu vực anh ở không có nên: “Chiều đi làm về, tôi và anh em phải ra sông Ông Lớn (Q.7) để tắm, giặt xong rồi mới về nhà. Có hôm nước ròng, nước sông đục ngầu, có mùi hôi nhưng cũng phải ráng. Chứ làm thợ hồ, nay làm mai nghỉ thì lấy tiền đâu mà mua nước sạch”, anh Sang cho biết.
Bài & ảnh: Trần An
Bình luận (0)