Bài 2: Góp sức trẻ giúp dân
Ngày và đêm những đôi chân tình nguyện vẫn rảo bước trên những vùng cao nguyên sỏi đá. Niềm hạnh phúc lớn nhất của họ là được thấy trẻ con ở đây bi bô đọc chữ; thấy bà con người dân tộc biết thay đổi cách trồng trọt, chăn nuôi… Hạnh phúc đó mãi mang theo họ về tận miền xuôi…
> Lặng thầm bước chân tình nguyện – Bài 1: Tình nguyện U50
Cô giáo tình nguyện vùng cao
Chị Lê Thị Thanh Mai, 27 tuổi, quê ở Cam Ranh vào đội thanh niên tình nguyện từ năm 2005. Trước đây đội tình nguyện đóng tại xã Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa), năm 2006 đội chuyển đến xã Khánh Hiệp (huyện Khánh Vĩnh), Mai vẫn bám sát theo đội. Công việc của Mai là dạy chữ cho các em nhỏ. Lũ trẻ con ở xã Khánh Hiệp đứa nào cũng theo cha mẹ đi làm rẫy, việc học như là thứ xa xỉ đối với chúng khi mỗi ngày phải phụ gia đình lao động kiếm ăn. Mai thường xuyên lặn lội vào các thôn làng “gom” trẻ về dạy. Học sinh vùng cao vốn đã “nhát” đi học, trường lớp sách vở lại thiếu thốn nên việc dạy chữ gặp rất nhiều trở ngại. Nhiều em đọc tiếng Việt còn chưa chuẩn nay lại được cô Mai dạy thêm tiếng Anh. Có em học chữ “hello” cả tuần vẫn chưa ghi nhớ được mặt chữ, bị cô mắng liền tinh nghịch vặn lại: “Chứ em nói tiếng dân tộc cô có biết không”. Thế là cả lớp cười, cô giáo cũng cười theo ngặt nghẽo.
Đêm ngủ nghe tiếng côn trùng kêu rả rích, Mai co người ôm gối khóc nức nở. Những chiều mưa xối xả nơi miền núi, nhìn về phía dưới xa xăm, đôi mắt Mai lại chực trào nước mắt. Độ trước nản quá bỏ về quê ở Ninh Hòa định tìm một công việc ổn định để làm, kiếm một tấm chồng cho yên phận. Nhưng nhận được điện thoại của đồng đội bảo lũ trẻ trên này nhớ cô Mai lắm, mấy bữa nay sao không thấy cô về làng gọi đi học. Thế là Mai khóc òa, lại đón xe lên dạy chữ cho mấy em… “Chắc nặng lòng với bà con, với mấy em nhỏ quá nên không rời đi được. Góp chút sức bé nhỏ để mấy em biết cái chữ cũng thấy vui rồi, vẫn biết mình có ích cho xã hội”, Mai tâm sự.
Hạnh phúc thấu hiểu
Anh Nguyễn Trung Hiếu, 25 tuổi, quê ở xã Ninh Hưng (huyện Ninh Hòa – Khánh Hòa) vào đội tình nguyện làm công tác tuyên truyền gần hai năm nay. Công việc đòi hỏi Hiếu phải sống gần người dân mới thấu hiểu những suy nghĩ và mong muốn của họ. Những ngày đầu mới lên xã Khánh Hiệp, thấy nhiều bà con dân tộc vẫn chưa biết dùng cân để mua bán, Hiếu chạy về xuôi mua cân lên phổ biến cho dân. Thấy cái cân với chi chít những con số chạy vòng tròn, ai cũng lắc đầu: “Cái này sao rắc rối quá. Cán bộ cứ để chúng tôi bán từng miếng như thế này đi”. Không uổng phí những tháng ngày anh Hiếu đi phổ biến lợi ích của việc dùng cân, đến nay, người dân ai cũng cân đo cẩn thận trước khi mua bán. Cái biệt danh “cán bộ cân” bắt đầu theo anh từ những ngày đó. Anh Hiếu lý giải: “Việc cái cân tưởng chừng đơn giản vậy thôi chứ khi người dân đã biết sử dụng rồi thì họ sẽ có thói quen chính xác trong các công việc khác. Ý thức khoa học, chặt chẽ sẽ từ đó mà phát triển theo”. Chỉ mới hai năm làm tình nguyện nhưng anh Hiếu đã đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm bổ ích trong công tác tuyên truyền: “Đồng bào dân tộc vốn rất thật thà. Nói chuyện với bà con theo kiểu như “đọc diễn văn” thì không bao giờ hiệu quả. Anh nói gì làm đấy thì họ mới tin. Muốn giúp họ thật sự thì cái gì biết mình làm, rồi hướng dẫn cho bà con tự làm. Chứ làm thay cho họ thì họ sẽ không hiểu”. Nhìn vẻ ngoài rắn rỏi thế nhưng anh Hiếu vẫn thú thật là sống tại vùng cao này, nhiều khi nhớ nhà da diết. Hỏi về những dự định sau này, anh Hiếu thẳng thắn: “Công việc đã chọn mình rồi thì mình gắn bó với nó thôi. Làm công việc này có được cái cảm giác hạnh phúc mà chỉ những ai trải qua rồi mới thấu hiểu được”.
Anh Nguyễn Hữu Cường, 29 tuổi, quê ở huyện Ninh Hòa, tốt nghiệp Trường ĐH Thủy sản Nha Trang, hiện làm tư vấn cách thức nuôi trồng cho bà con dân tộc thổ lộ: “Thanh niên địa phương làm việc tình nguyện ngay trên đất quê hương mình đã khó khăn, huống chi là những người từ nơi khác đến góp sức xây dựng, giúp đỡ cho bà con phương xa. Chỉ cần có người suy nghĩ mình phải làm một việc gì đó giúp đỡ cộng đồng, thì điều đó cũng đáng quý rồi”.
Mục Đồng
Bình luận (0)