Chở bông sậy về nhà sau khi phơi |
Lau sậy mọc nhiều ở vùng sông nước miền Tây, bông sậy dùng bó chổi quét nhà. Gần đây, bông lau sậy hút hàng, nhiều người dân chuyên làm chổi ở An Giang, Cà Mau… lại tìm đến các quận, huyện ngoại thành TP.HCM để “săn” hàng.
Đi theo hướng bông bay
Tôi tìm đến khu Nam Sài Gòn, nơi được mệnh danh là “thiên đường” lau sậy. Mới 6 giờ sáng, chỉ một khu đất nhỏ phía sau Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng có đến 5 người đang say sưa cắt bông lau sậy. Luồn qua đám sậy, một phụ nữ với nước da rám nắng đang loay hoay lựa chọn những bông to, khỏe để cắt. Người phụ nữ tên Nguyễn Thị Bé, thuê nhà ở phường Tân Thuận Tây, quận 7. Chị Bé hỏi tôi: “Anh cũng đi cắt lau sậy à?”. Sao chị biết? Tôi hỏi lại chị. “Trông bộ dạng là biết ngay”. Chị Bé tự tin trả lời. Nói xong, chị Bé tiếp: “Phải đi thật sớm nếu không sẽ không còn bông sậy tốt mà cắt”.
Được biết, gia đình chị Bé là những người đầu tiên ở Cà Mau lên TP.HCM sống bằng nghề làm chổi bông sậy từ hơn hai năm nay. Chị Bé kể lại: “Trong một lần đi phát quang cho người ta, ông xã tôi thấy những bông cỏ chắc khỏe nên cắt về một bó để quét bụi nhang trên bàn thờ ông địa. Qua nhiều tháng trời, bó bông cỏ vẫn nguyên vẹn, không hề rụng. Nhớ lại ở quê, có nhiều người cũng sống bằng nghề làm chổi như thế. Ý nghĩ cắt bông cỏ về bó chổi bán bắt đầu từ đó”. Hiện nay, cả ba cô con của chị Bé cũng đã nghỉ việc ở xưởng may về nhà phụ anh chị bó chổi và mang ra chợ bán.
Thấy anh chị làm ăn được từ nghề này, nhiều người trong khu nhà trọ cũng bắt chước theo. Cách làm chổi cũng rất đơn giản, bông sậy cắt xong, phơi khô dưới nắng gắt và bó lại, thế là đã có một cây chổi.
Thế làm sao biết được chỗ nào có bông sậy tốt giữa đám sậy bạt ngàn kia? Anh Bảo chỉ tay về hướng những bông sậy trắng li ti cuộn tròn, chốc chốc lại xoay tít bởi gió, trả lời: “Chỗ tôi đứng đây là hướng gió, nếu thấy bông sậy bay về hướng của mình thì cứ lần ngược theo hướng gió chắc chắn sẽ có bông sậy tốt. Tháng 10 hàng năm, bông lau sậy chín nhiều vô kể. Tuy nhiên người làm nghề này gặp không ít khó khăn vì là mùa mưa, việc cắt và bảo quản không dễ”.
Nghề thất truyền
Bó chổi cũng là một nghệ thuật. Để có được một cây chổi thu hút người tiêu dùng, ngoài cái bề ngoài (bó tròn, sắc nét…) còn phải đảm bảo không vương bụi khi quét.
Mỗi cây chổi thành phẩm bán với giá từ 8.000 đến 18.000 ngàn đồng, tùy loại và tùy kích cỡ. Hiện nay, gia đình chị Bé có hơn 20 mối lấy hàng sỉ mỗi tuần lên đến hàng trăm cây. Ngoài ra, vào những ngày rảnh, gia đình chị còn chia nhau chở chổi ra các chợ để bán lẻ.
Dọc theo con đường độc đạo dẫn về Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè sậy mọc um tùm, cao quá đầu người. Tại đây, mỗi ngày có hàng chục người đủ mọi thành phần đến cắt bông sậy. Chúng tôi gặp anh Xuân Việt (ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) đang tranh thủ gom mớ bông sậy cẩn thận cho vào túi ni lông. Thấy tôi đến, anh Việt như sợ chúng tôi tranh giành “địa bàn”, anh Việt bàn ra: “Anh đi xuống dưới chút nữa, ở đây hết bông sậy rồi, anh vào mất thời gian thôi chứ chẳng được gì”. Nói thì nói vậy, chứ dân gốc rạ như tôi thì không khó để phát hiện xung quanh mình bông sậy nhiều vô kể, có thể cắt cả ngày không hết. Khi tôi nói lời chào tạm biệt, anh Việt mới nói với giọng nhẹ nhàng như đã “loại” được một đối thủ: “Mất đến hai ngày cho việc cắt và phơi khô, bây giờ một giọt nước rớt vào coi như hỏng cả”.
Người sống bằng nghề làm chổi từ bông lau sậy ngày một đông. Chính vì thế, tạo ra một sản phẩm đủ sức cạnh tranh với thị trường là không hề đơn giản. Ông Trương Thanh Lân, chủ một cơ sở làm chổi thủ công từ cây đót ở Đức Hòa, Long An cho biết: “Từ khi ngoài thị trường xuất hiện sản phẩm chổi làm từ bông sậy, hàng chổi của cơ sở chúng tôi làm ra bán rất chậm. Nếu mình hạ giá thành thì không có lời, còn bán với giá cũ thì không ai mua. Hơn nữa, người tiêu dùng thường tính toán chi li lắm, họ không quan tâm đến chất lượng, chỉ thấy rẻ hơn 1.000-2.000 đồng là chọn mua”.
Không ít người ở tận U Minh, Cà Mau, An Giang lên TP.HCM tìm mua bông lau sậy. Vì thế, ngoài việc đảm bảo đủ lượng hàng bán sỉ và bán lẻ ở chợ, gia đình anh Bảo còn phải trữ hàng thô cho các “đơn đặt hàng” không thường xuyên của mình.
Anh Bảo tâm tư: “Bây giờ còn lau sậy để hái bông làm chổi, mai kia, khu đất này mọc lên những tòa nhà cao ốc, lau sậy vùi lấp hết cái nghề làm chổi của chúng tôi cũng mất luôn, lúc đó không biết làm gì mà sống nữa”.
Hiện nay, bông sậy tươi được thu mua với giá từ 1.500 đồng đến 2.000/kg và từ 5.000 đến 6.500 đồng/kg bông sậy đã phơi khô. Trung bình, mỗi người hái khoảng 60-70 kg bông sậy tươi/ ngày, sau khi trừ mọi phí tổn, thu nhập cũng đủ sống. |
Tuy An
Bình luận (0)