Bất ngờ kiểm tra các quán nhậu tại một số quận, huyện, Sở Y tế TP HCM phát hiện rượu rẻ không rõ nguồn gốc vẫn ung dung đến với người nhậu. Trước đó, Sở đã có văn bản yêu cầu địa phương khẩn trương thanh tra việc kinh doanh rượu.
> TP.HCM: 9 ca tử vong vì ngộ độc rượu
> Báo động tử vong do rượu dỏm
Trong buổi làm việc kéo dài từ chiều đến 22h đêm qua, đoàn thanh tra Sở Y tế ghi nhận, hầu hết quán nhậu tại các quận 1, 8, Bình Chánh… cảnh chủ quán rót rượu, người uống vô tư nâng ly vẫn nhộn nhịp. Phần lớn rượu bày bán không có nhãn mác, xuất xứ trên bao bì.
Tại một quán thịt cầy trên đường Cống Quỳnh, quận 1, rượu nếp đục có giá 20.000 đồng/lít, vốn được nhiều khách yêu cầu nhất, bị phát hiện không có nhãn mác. Chủ quán chỉ biết người bỏ mối rượu qua điện thoại và hình như cơ sở sản xuất ở huyện Nhà Bè. Một loại rượu trắng chứa trong thùng nhựa đang được quán bán cho khách cũng không có xuất xứ rõ ràng.
71 lít rượu thuốc các loại chứa trong thùng nước suối không nhãn hiệu, không hóa đơn chứng từ, có giá từ 5.000-15.000 đồng/lít cũng được thanh tra phát hiện tại Quán Lẩu dê 87, đường Chánh Hưng, quận 8. Điều đặc biệt là quán chỉ sử dụng độc nhất loại rượu trên để bán cho khách. Tại thời điểm kiểm tra, hầu như bàn nhậu nào cũng có một chai rượu loại nêu trên. Theo chủ quán, khách hàng vẫn uống và chấp nhận hương vị của chúng.
Tình hình cũng diễn ra tương tự tại một số quán cóc trên đường Trần Quang Nghị, xã Phong Phú, Bình Chánh. Tại đây, các quán nhậu cho biết chủ yếu phục vụ công nhân nên rượu có giá khá rẻ (15.000 đồng/lít). Rượu do những người bán rượu dạo mang đến, quán bán thử, nếu khách thấy ưng ý thì mua.
50 lít rượu chuối hột, ngọc dương, rượu đế chứa trong chai nước suối cũ kỹ, không ghi địa chỉ sản xuất đã bị niêm phong tại đây.
Một ghi nhận khác trong thời điểm đoàn đến thanh tra, nhiều khách nhậu vẫn vô tư đánh chén. Không ít người tỏ thái độ khó chịu khi rượu trong quán bị đoàn thanh tra niêm phong với lập luận “uống hoài, có thấy chết ai đâu”.
Ngoài các quận được kiểm tra tối 24/10, ghi nhận của VnExpress.net, nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố như quận 6, quận 7, quận 12, Hóc Môn, Củ Chi… tình hình kinh doanh và sử dụng rượu vẫn tồn tại.
Hầu hết các loại rượu được bày bán đều được chủ quán thừa nhận không biết rõ nguồn gốc. Không chỉ có mặt trong quán nhậu, rượu còn có nhiều quán tập hóa. Hầu hết rượu đóng trong chai nhựa không ghi tên cơ sở sản xuất và hạn sử dụng.
Trao đổi với Báo chí về thực trạng trên, đại diện trung tâm y tế các quận huyện mà Sở Y tế đến thanh tra, thừa nhận, việc kiểm tra rượu vẫn chưa được thực hiện triệt để và nêu khó khăn là do lượng quán xá quá đông.
Theo trưởng Phòng Y tế quận 8, quận đã có kiểm tra nhưng chủ yếu trong giờ hành chính, trong khi đó các quán nhậu lại chủ yếu hoạt động từ chiều đến đêm. Còn Trưởng phòng y tế quận 1, thì cho rằng, quận đã chỉ đạo phường đi kiểm tra. Đặc biệt, cán bộ huyện Bình Chánh vẫn chưa nhận được chỉ đạo từ cấp trên.
Nhận định sau buổi kiểm tra, kỹ sư Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng Phòng An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế TP HCM cho rằng, các quận huyện chưa làm tốt công tác kiểm tra rượu.
Ông Hòa nhắc nhở, đã đến lúc các quận huyện phải nhìn ra được sự nguy hại của rượu độc và nhanh chống chấn chỉnh công tác thanh kiểm tra rượu. Việc kiểm tra theo ông Hòa, không đơn thuần thực hiện trong giờ hành chính và cũng không phải chỉ tập trung ở các điểm kinh doanh lớn.
Tại TP HCM, một tháng qua, đã có 31 ca nhập viện liên quan đến rượu, trong đó 11 ca đã tử vong; một ca vẫn đang trong tình trạng nguy kịch. Tất cả các ca nặng đều dương tính với methanol – một chất độc có trong cồn mà người kinh doanh hám lợi đã dùng để chế biến rượu. Nhiều loại rượu sau xét nghiệm đã cho kết quả methanol với hàm lượng cao hơn mức cho phép đến vài trăm lần.
Tình hình cấp bách khiến UBND TP HCM, Sở Y tế thành phố liên tiếp có văn bản chỉ đạo, nhắc nhở quận huyện tiến hành giám sát việc kinh doanh và sử dụng rượu.
Thiên Chương (VnExpress.net)
Bình luận (0)