Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hãi hùng thịt thú rừng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

"10 lần bắt thịt rừng lậu là chục lần phát hiện thịt tái nhợt, chảy nước thối. Tôi tin rằng, nếu khách nhìn thấy thịt trước khi được mông má, sẽ không bao giờ dám ăn", ông Nguyễn Đình Cương, Trưởng Chi cục kiểm lâm TP HCM nói về thịt thú rừng đang bày bán công khai.
Theo khảo sát , cứ khoảng 8h sáng mỗi ngày, “chợ thịt rừng” đầu đường Phạm Viết Chánh, quận 1, đoạn gần ngã 6 lại bắt đầu lên bày hàng.
Gọi là “chợ” nhưng trên thực tế, cả khu vực này chỉ có 5 cửa hàng. Mỗi hàng trang bị một tủ kính, treo những tảng thịt có cả da vàng ươm trông đẹp mắt. Hàng trưng bày hầu hết là thịt bê, thịt thỏ, có đóng dấu kiểm nghiệm của Chi cục Thú y TP HCM. Tuy nhiên, khi khách hàng dừng xe vào hàng, các cửa hiệu đều đồng loạt rao: “Mua thịt rừng đặc sản không, nai, mễn, nhím rừng, chồn hương, dúi… đều có cả”.
Chợ thịt rừng trên đường Phạm Viết Chánh. Ảnh: Viết Toàn.
Trong trang phục cáu bẩn dính đầy máu tươi, lăm lăm cây dao xẻ thịt trong tay, nhân viên quần thịt số 75 đường Phạm Viết Chánh, cho biết: “Muốn mua bao nhiêu tôi cũng có tất. Thịt rừng loại nào cũng có, trừ mấy loại quá sang trọng như cọp, tê giác”.
Tại đây, giá của các loại thịt rừng dao động từ 110.000 đồng một kg đến 250.000 đồng, tùy theo chủng loại. Cụ thể như thịt cheo có giá 160.000 đồng, nai 110.000 đồng, heo rừng 120.000 đồng, chồn và nhím rừng có giá 250.000 đồng một ký lô. Các loại thịt đều đã được xẻ thành tảng lớn, thui vàng da.
Nổi tiếng hơn cả là hai quán có cùng địa chỉ số 73 đường Phạm Viết Chánh, được xem là hai nơi cung cấp thịt rừng không giới hạn số lượng. Thịt được chất đống trong nhà, chứa trong bao nilông. Người bán luôn liên miệng quảng cáo “Thịt nai rừng chính cống, mang từ Bình Phước về đấy, hàng tươi trong”. Giá tại đây cũng được chào hữu nghị hơn hàng bên cạnh 10.000 đồng.
Để cơ quan chức năng không phát hiện, các bảng hiệu tại nơi bán chỉ ghi tên cửa hàng, bên dưới là số điện thoại. Tuy nhiên khi khách đến ngỏ ý mua, nhân viên lập tức trao danh thiếp. Hầu hết các danh thiếp đều ghi rõ “chuyên thịt rừng…” kèm theo số điện thoại liên lạc và một địa chỉ vệ tinh chuyên giao hàng buổi tối. Không chỉ bán thịt đã xẻ, khi khách yêu cầu nhím, cheo, dúi, kỳ nhông… các cửa hàng này còn có thể giao hàng sống nguyên con.
Ngoài các hàng thịt, thịt rừng còn có mặt ở một số quán nhậu, quán ăn chuyên kinh doanh hàng đặc sản. Tại một số quán, khách hàng còn có thể tự vào chuồng bí mật để chọn thức ăn rừng còn sống nguyên con.
Kinh doanh nổi đình nổi đám vốn được khách nhậu cao cấp biết đến với những món thịt rừng chế biến tươi sống là quán trên đường Tôn Đức Thắng quận 1, nơi thường thủ sẵn vài con chồn, dông, dúi, rắn trong chuồng. Chỉ những khách quen mới được “thân chinh” vào trong để chọn. Giá chồn sống ở đây đắt hơn nhiều lần so với tại chợ thịt.
Tại quận 3, quận 5, nhiều quán nhậu đặc sản nằm trên đường An Dương Vương, đường Bến Trần Văn Kiểu, Võ Văn Tần… thực đơn của quán ghi luôn danh sách thịt rừng gồm nai, mễn, chồn… giá của các món này được tính theo thời vụ.
"Có cầu thì mới có cung, chúng tôi chỉ phục vụ khi khách hàng có nhu cầu và trên thực tế, nhu cầu này khả lớn", một chủ nhà hàng cho biết. Còn theo nhiều người tiêu dùng, thịt rừng được xem là món ăn lạ miệng, không gây ngán như các loại thịt lợn, gà thông thường nên vẫn thích chọn mua.
Một người tự xưng là có kinh nghiệm lâu năm trong việc kinh doanh thịt rừng trên đường Phạm Viết Chánh ước lượng, trung bình mỗi ngày thành phố tiêu thụ vài trăm ký thịt rừng các loại, trong đó nhiều nhất là heo rừng, nhím, dúi, chồn.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Đình Cương, Trưởng Chi cục kiểm lâm TP HCM – cơ quan giám sát mặt hàng trên, cho biết, tất cả cửa hàng, quán ăn, quán nhậu, kinh doanh thịt rừng trên địa bàn đều là trái phép.
“Hiện tại, TP HCM chưa cấp bất kỳ giấy phép nào để các doanh nghiệp kinh doanh thịt rừng, thú rừng và động vật hoang dã ngoài môi trường tự nhiên. Nếu có, giấy phép chỉ được cấp cho các hộ chăn nuôi heo rừng, thỏ, rắn, trăn theo quy mô chuồng trại”, ông Cương khẳng định.
Theo ông Cương, từ nhiều năm nay, chi cục cũng đã truy quét quyết liệt, bắt giữ và xử phạt hàng nghìn ký thịt hàng trăm vụ giao dịch, nhưng tình trạng kinh doanh vẫn còn và hành vi kinh doanh ngày càng tinh vi hơn.
“Điển hình như các điểm bán trên đường Phạm Viết Chánh, biết chắc nơi đây bán thịt rừng, chúng tôi cũng nhiều lần xử phạt, nhưng mới đây, khi đoàn kiểm tra ập đến thì thịt rừng thường biến mất chỉ còn lại thịt bê đúng như trong giấy phép kinh doanh. Riêng các nhà hàng thì luôn thủ sẵn hai thực đơn, khi có đoàn đến, thực đơn có thịt rừng lập tức được mang giấu”, ông Cương cho biết.
Cũng theo ông Cương, để “dẹp loạn” nạn kinh doanh thịt rừng trái phép thì ý thức của người tiêu dùng giữ vai trò quan trọng. “Nếu người dân luôn có ý thức bảo vệ tài nguyên rừng và không ăn thịt thú rừng thì người bán sớm muộn cũng giải nghệ”, ông Cương nói.
Về góc độ an toàn vệ sinh thực phẩm, các chuyên gia thực phẩm cho rằng, thịt lợn rừng, thịt nhím, thịt thỏ, được nuôi ở chuồng trại cũng có thành phần dinh dưỡng tương đương với thịt hoang dã. Các loại thịt không qua kiểm định của cơ quan chức năng luôn chứa đựng nguy cơ gây bệnh, nhất là khi chẳng may loại thịt đó bị tẩm ướp hóa chất chống thối rửa.
“Các loại hóa chất này có thể gây tiểu chảy cấp, nôn ói, nếu hóa chất ở hàm lượng cao, người ăn có thể bị ảnh hưởng đến thần kinh, thậm chí còn là nguyên nhân gây ung thư ”, bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Viện phó Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM, nói.
Trong khi đó, theo những người dân sinh sống gần các vùng chuyên có thợ săn trái tại Lâm Đồng, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, một chuyến đi săn thường kéo dài từ 10 ngày đến nửa tháng. Nếu không được ướp hóa chất, những con thú bị bắn đầu chuyến săn chắc chắn sẽ hỏng.
Còn trên thực tế, theo ông Cương, 10 lần bắt thịt rừng lậu là chục lần cơ quan này phát hiện thịt tái nhợt, chảy nước thối, da thú trơn nhớt. "Tôi tin chắc rằng, nếu người tiêu dùng nhìn thấy thịt trước khi được mông má, sẽ không bao giờ dám ăn", ông Cương nói.
Viết Toàn (VnExpress.net)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)