Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trào lưu học “ké”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đi học ở lớp không phải của mình mà giới sinh viên (SV) thường quen gọi là đi học “ké”, học “chui” đang là sự lựa chọn của rất nhiều SV.
1.001 lý do đi học “ké”
Lê Huy Hoàng, SV năm I Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, học ở cơ sở Thủ Đức trò chuyện: “Tớ học lớp Cơ khí, có mấy môn thầy cô dạy chính của lớp giảng “chán phèo” nên có học mà cũng như không, chẳng hiểu gì cả nên cứ tới tiết đó là nghỉ, rồi đi học “ké” ở lớp Xây dựng”.
Tương tự Huy Hoàng, bạn Trung Dân, ngành điện – điện tử cũng cho biết: “Ít khi mình học ở lớp của mình (lớp Điện – Điện tử), toàn học chung với lớp Quản lý công nghiệp thôi”. Hay như Sơn, Long, Nhung… các SV của lớp Môi trường 2 cũng “học lớp mình thì ít, “ké” lớp người ta thì nhiều”.
Không chỉ riêng đối với SV Trường ĐH Bách khoa, hầu hết SV ở các trường đều có trào lưu học “ké”. Chính vì thế, trong các lớp học thường gặp những câu hỏi: “Cậu này sao thấy lạ thế”, “Ủa, nhỏ này có phải lớp mình đâu chứ”… Bởi những “người lạ” ấy là SV đang học “ké”.
Huy Hoàng tâm sự: “Đi học ké, ngoài việc được học thầy cô giỏi, giảng bài lôi cuốn thì còn có thể chăm chú, nghiêm túc hơn”. Lý giải điều này Huy Hoàng nói thêm: “Khi học ở lớp chính của mình, tiết học đã chán nên chẳng biết làm gì, hoặc ngủ hoặc “tám”. Còn đi học ở lớp khác, không quen biết ai nên không nói chuyện riêng, dành thời gian lắng nghe giảng, nhờ đó mà hiểu bài”.
Đối với Khánh Nhung, SV năm I, ngành xây dựng, Trường ĐH Mở TP.HCM, ngoài thời gian học chính khóa trên lớp cũng tranh thủ đi học “ké” một số môn chuyên ngành của các lớp khóa trên. “Để những năm sau mình không bỡ ngỡ”. Nhung cho biết.
Những thầy cô giỏi, những tiết học hay… được các bạn rỉ tai nhau, một chuyền hai, hai chuyền bốn, và cứ thế trào lưu học “ké” ngày càng được các bạn “chuộng” hơn. Học “ké” không chỉ ở những lớp cùng trường, mà có cả những bạn học “ké” ở các trường khác.
Hầu hết SV đều lý giải cho việc học “ké” của mình chỉ để được học tốt hơn môn đó, có thể tiếp thu hết những vấn đề một cách toàn diện nhất trong bài học. Tuy nhiên cũng không ít lý do rất bất ngờ được đưa ra khi đi học “ké”: “Lớp ấy có nhỏ kia xinh lắm nên đi học “ké” để “cưa””…
Học “ké” cũng khổ
Theo các SV, khi học “ké”, được tiếp thu bài giảng một lần, nếu học bài giảng đó một lần nữa thì hiểu bài rất chắc. Thế nhưng, cũng có không ít tình huống mà SV chưa từng nghĩ đến. Như Huy Hoàng, “Một lần đi học lớp có gần 90 người, trong khi danh sách lớp chưa đến 60, thế là giảng viên phát hiện, báo lên giám thị và bị… mời ra ngoài trước hàng trăm con mắt đang hướng về mình, dị không chịu nổi”. Hoàng kể.
Còn với Nhung, ĐH Bách khoa, tuy chưa từng gặp phải tình huống “độn thổ” như Huy Hoàng nhưng lại bị zê rô điểm 20% của môn. “Thầy thấy lớp thường vắng rất nhiều nên điểm danh để lấy điểm 20%, thế là ngoài tớ còn hơn 15 thành viên khác cùng cảnh ngộ”. Nhung nhớ lại.
SV đi học “ké” “nếm mùi khổ” nhiều nhất là điểm thi luôn luôn thấp. “Không một lần học ở lớp, toàn đi học thầy ở lớp khác, rồi khi thi mỗi ngành mỗi đề, trong khi tụi bạn cùng lớp đứa ít nhất cũng 7 điểm thì mình chỉ được 2”. Quỳnh Trang, SV ĐH Tôn Đức Thắng tâm sự.
Với Quốc Trung, ĐH Bách khoa, có “thâm niên” hơn 3 năm học “ké” đã gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười chiêm nghiệm: “Nếu đi học “ké” thì cũng phải hoàn thành hết số tiết ở lớp mình, tránh tình trạng bị điểm thấp vì thầy cô điểm danh. Khi đi học “ké” phải xin ban cán sự lớp cũng như giảng viên dạy lớp đó, nếu được đồng ý rồi mới học”.
Thanh Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)