Hoan đang chơi với trẻ em ở Làng Hòa Bình |
Sinh ra đã phải chịu thiệt thòi vì cơ thể bị dị tật nhưng họ không chịu khuất phục. Hằng ngày họ vẫn vượt “chướng ngại vật” với một quyết tâm thực hiện cho được ước mơ của riêng mình là “tự mình nuôi chính mình”.
Nghị lực từ đôi chân tật nguyền
Ở Trường Đại học KHXH-NV, cậu sinh viên năm cuối ngành ngữ văn Anh – Nguyễn Thanh Tùng được nhiều người biết đến không chỉ bởi thân hình dị tật bẩm sinh của mình, mà hơn hết là một nghị lực vượt khó, học giỏi và sức chịu đựng khi lê từng bước chân khó nhọc lên cầu thang của giảng đường.
Vài tháng sau khi sinh, Tùng đã mắc phải cơn sốt bại liệt, đôi chân bị teo lại hoàn toàn không cử động được. Nhà Tùng thuộc diện khó khăn của huyện Châu Thành (Bến Tre), ba Tùng là thương binh 4/4, thường xuyên bị nỗi đau hành hạ do ảnh hưởng của chất độc da cam, mẹ cũng bị bệnh thường xuyên nên kinh tế gia đình rất khó khăn, cuộc sống chủ yếu dựa vào đồng lương trợ cấp thương binh của ba. Ngày đầu tiên đến lớp, Tùng đã ý thức được “nỗi đau” từ đôi chân “không giống ai” của mình. Trong khi các bạn đã đứng xếp hàng ngay ngắn thì Tùng lúi húi bò từ phía sau lên, cô giáo vô tình không biết nên bắt Tùng phải đứng dậy. Bị phát hiện do dị tật không đứng lên được, các bạn chọc ghẹo khiến cậu học trò tên Tùng khóc cả ngày. Thế nhưng, hôm sau Tùng lại lén mẹ đi mua chiếc cặp rồi quyết “bò” đến lớp chứ không chịu bỏ học. Lên 10 tuổi, trong một lần bị té, cằm đập vào thành nạng tầm vông gây ra vết thương phải điều trị 1 tháng mới khỏi. Đến nay, dấu thẹo về “tai nạn” vẫn còn hằn trên cằm của Tùng và đó là “kỷ niệm” buồn mà Tùng luôn nhớ mỗi khi nghĩ đến ba mẹ ở quê nhà. Khi biết tin mình đậu vào Trường Đại học KHXH-NV TP.HCM, Tùng vui mừng báo tin cho ba mẹ, cả nhà ai cũng vui mừng cho “cậu học trò què”, hàng xóm đến chúc mừng. Riêng với Tùng, dù rất vui vì giấc mơ “tự mình nuôi chính bản thân mình” cũng dần trở thành hiện thực. Những ngày đầu đến trường, Tùng chống nạng lết từng bước một lên cầu thang đến phòng học. Vừa mệt, lại vừa bị bao nhiêu cặp mắt dồn về phía mình, chăm chú nhìn đôi chân “không giống ai” cùng chiếc nạng khiến Tùng cứ “ngây” người ra. Môn học kết thúc, về đến phòng, Tùng “chìm” luôn đến ngày hôm sau do không có sức. Cho đến cả tháng trời, Tùng mới vượt qua được “rào cản” tâm lý, chủ động giao tiếp rồi làm quen với mọi người. Có những phòng học cầu thang không có tay vịn bên phải, Tùng phải đi thụt lùi lại phía sau, mất 3 – 4 phút mới lên được cầu thang, còn chuyện té là bình thường. Mỗi khi lớp tổ chức sinh hoạt ngoài trời với những trò chơi vận động, Tùng lại cảm thấy buồn khi mình không thể hòa nhập cùng các bạn, đành “tham gia” bằng cách trông đồ cho các bạn và được bạn bè đặt cho biệt danh là “chuyên gia giữ đồ”. Vượt qua sự mặc cảm, hằng ngày Tùng vẫn chăm chỉ vượt khó đến giảng đường với giấc mơ có việc làm trong tương lai để có thể “tự mình nuôi chính mình”. “Theo học ngành ngữ văn Anh, Tùng hy vọng sau này dễ kiếm việc làm và có thể phụ giúp ba mẹ” – Tùng tâm sự.
Cô Tấm giữa đời thường
Nhiều sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ và Tin học Huflit đã quá quen thuộc với hình ảnh cô sinh viên Trần Thị Hoan đến giảng đường bằng chiếc xe lắc ba bánh. Và để đến được lớp Hoan cũng mất gần 30 phút, mồ hôi ướt đẫm áo. Thường xuyên bị mọi người ở trường “chú ý” đến hình dáng bên ngoài, thậm chí thỉnh thoảng còn “nhận” được những cái nhìn “rất lạ” do “bị phát hiện” sử dụng đôi chân giả. Thế nhưng ai cũng khâm phục cho tinh thần vượt khó của Hoan khi vượt qua những mặc cảm bản thân, nỗi đau bệnh tật, cô vẫn chăm chỉ đến lớp hằng ngày, hòa đồng với mọi người và học rất khá. Kết thúc buổi học, Hoan lại trở về với “gia đình” thứ hai của mình – Làng trẻ em Hòa Bình, nơi đó có những đứa trẻ đang đợi bàn tay chăm sóc của cô.
Từ lúc sinh ra tại Bệnh viện Đức Linh (Bình Thuận), Hoan đã mắc phải căn bệnh bẩm sinh bởi ảnh hưởng của chất độc da cam: Cụt hai chân và tay trái. Gần 10 tuổi, Hoan được đưa vào Làng trẻ em Hòa Bình 1, rồi được sang Đức để làm chân giả. Lên lớp 5, dù rất tự tin vì mình có thể đi được bằng đôi chân giả, nhưng nhiều lúc cũng thấy buồn vì xung quanh mọi người có thể chạy nhảy một cách thoải mái, còn mình phải đứng một mình trong lớp. Nhiều lúc khóc vì nhớ nhà, rồi bị các bạn chọc ghẹo, nhưng riết rồi cũng quen từ khi nào không hay. Rồi những mặc cảm, tự ti cũng nhanh chóng qua đi khi Hoan ý thức được hình dáng của mình là không thể thay đổi. Hoan vùi đầu vào học và 12 năm luôn đạt học sinh giỏi. Một buổi đến lớp, một buổi Hoan về vui chơi, chăm sóc các em ở Làng Hòa Bình. Đặc biệt, phòng ở của Hoan hiện tại có 7 bé, chỉ có 2 bé là đi lại được. Rảnh giờ nào là Hoan lại tâm sự trò chuyện cùng các em. “Em hy vọng mình có thể học ngành công nghệ thông tin thật tốt, sau này mình tự nuôi mình mà không trở thành gánh nặng cho người khác. Và dạy lại cho các em trong Làng Hòa Bình để các em có thể hòa nhập với cuộc sống tốt hơn” – Hoan giãi bày.
Nguyên Hải
Bình luận (0)