Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cấm đốt đồ mã nơi công cộng có hiệu lực: Khó nhất là nhận thức của dân

Tạp Chí Giáo Dục

Một ngày sau Nghị định 75/2010/NĐ-CP có hiệu lực, khảo sát của PV Tiền Phong trên địa bàn Hà Nội cho thấy sự hiểu biết, ý thức người dân chưa đều.

Đốt mã nơi công cộng có thể bị phát tới 1 triệu đồng. Ảnh: Xuân Phú.

Đến Phủ Tây Hồ trong ngày 2-9, người dân thấy tấm áp phích lớn đặt gần cổng chính. Nội dung thông báo về việc Phủ Tây Hồ hưởng ứng việc cấm đốt đồ mã nơi công cộng. Theo đó, người dân không được mang, đốt đồ mã: Hình nhân thế mạng, ông lốt (tam đầu cửu vĩ), ngựa, voi, rừng cây, mũ, hia, khăn áo, ô, nón, thoi, thuyền, hài sảo. Thông báo treo từ ngày 30-8. Khẳng định văn bản, thông tư hướng dẫn chưa về đến di tích, nhưng nhờ tìm hiểu qua báo chí, Ban quản lý soạn thảo ngay thông báo, phổ biến cho người dân sở tại, khách đến cúng lễ.

Ông Trương Công Đức, Trưởng ban quản lý Phủ Tây Hồ, cho biết: “Phủ Tây Hồ cho đến nay cấm hoàn toàn việc đốt đồ mã”.

Kể từ ngày treo thông báo đến 2-9, không có trường hợp nào đốt mã, do được nhắc nhở ngay từ cổng và tại phòng sắp đồ lễ. Lò đốt mã trong sân phủ bớt nghi ngút khói, khách đi lễ hài lòng với việc chỉ dâng vàng hương. Hàng quán quanh phủ cũng chỉ bày vàng mã thường. Tuy thế, khó khăn của cấp quản lý các di tích ở chỗ không có thẩm quyền xử phạt. Tất cả đều trông chờ ở người dân”. 

Thông tư hướng dẫn có ghi rõ, đồ mã ở đây là: Hình người, hình động vật, nhà cửa, tư liệu sản xuất, đồ dùng sinh hoạt cho con người, hình khối vàng, bạc, đá quý. 

Người dân quanh chùa Phúc Khánh ở Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) lại khẳng định, hiện tượng đốt đồ mã ở chùa khá phổ biến. Khi được hỏi về nghị định cấm đốt đồ mã nơi công cộng, đa phần nói không biết. Một hộ bán vàng hương ở cổng phản ứng: “Làm sao thay đổi được thói quen từ bao đời”. Chùa Phúc Khánh cứ đến ngày rằm, mùng một đông nghẹt, thậm chí người đi lễ còn đứng hết dọc đường lên cầu bái vọng.

Ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL cho biết, ngày đầu tiên 1-9 chưa có trường hợp nào vi phạm. Một phần do thời điểm này không phải mùa lễ hội. Hơn nữa, cơ quan chức năng các tỉnh thành, sở VHTTDL, quận, huyện chịu trách nhiệm giám sát, tiến hành xử phạt trong trường hợp phát hiện vi phạm. Tại Hà Nội, các quận như Cầu Giấy, Ba Đình đều triển khai lệnh cấm trước 1-9. Một số địa phương khác đang có kế hoạch tập huấn về cách thức, thẩm quyền. Còn mức phạt được quy định rõ trong nghị định, từ 500.000 đồng đến một triệu đồng.

Nghị định 75 chỉ cấm đốt vàng mã nơi công cộng, chưa cấm sản xuất do vẫn đáp ứng nhu cầu của người dân sử dụng tại nhà. Thông tin từ một số hộ kinh doanh đồ vàng mã, lượng khách đặt đồ mã chưa có dấu hiệu giảm. Nhưng ông Lê Anh Tuyến, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng, thời gian tới có thể tăng thuế sản xuất để tiến đến cấm hoàn toàn. Và hiệu quả thực hiện nghị định này phải là quá trình lâu dài, vừa vận động tuyên truyền vừa xử phạt theo luật. Điều quan trọng nhất vẫn là vận động người dân tự giác bỏ, vì chuyện xử phạt ở chốn chùa chiền, di tích lịch sử-văn hóa khá tế nhị.

Hương Liên (Theo TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)