"Hãy đến đây quay phim! Chúng tôi có cảnh đẹp, lao động lành nghề và trên hết, các vị sẽ được giảm thuế".
Cảnh trong phim Midnight in Paris của đạo diễn Woody Allen được quay tại Paris tháng 7-2010 – Ảnh: imdb.com |
Ðó là thông điệp về cạnh tranh giữa ngành công nghiệp điện ảnh các nước châu Âu phát ra thế giới với sự tham gia của một gương mặt triển vọng mới nhất: nước Pháp.
Tháng 8 vừa qua, đạo diễn Martin Scorsese đã khởi quay The invention of Hugo Cabret tại Paris. Trước đó, tháng 7 nổi lên tin tức về đạo diễn gạo cội Woody Allen quay phim Midnight in Paris với sự tham gia diễn xuất của Carla Bruni – Sarkozy, phu nhân tổng thống Pháp. Chưa dừng lại ở đó, nữ hoàng nhạc pop Madonna làm náo loạn khu vực nhà ga De Lyon khi quay phim W.E. tại đây.
Người Mỹ nói: "Paris tôi yêu"
Lý do nào đã khiến họ mang dự án phim đến Paris? Trong khi cả năm 2009 chỉ có một dự án lớn là Inception (đạo diễn Christopher Nolan) làm điều đó và mấy năm gần đây các bộ phim kinh phí lớn có bối cảnh Paris như Inglourious basterds (Quentin Tarantino) chọn quay ở phim trường Babelsberg (Ðức) hay La vie en rose (Olivier Dahan) về cuộc đời của danh ca Edith Piaf lại đóng đô ở Prague (Cộng hòa Czech).
Câu trả lời không phải vì cảnh sắc Paris không thể thay thế trong cảnh quay của họ, mà vì quyết định từ năm 2009 của Chính phủ Pháp về miễn giảm thuế 20% đến mức 4 triệu euro cho mỗi dự án phim nước ngoài có dự toán kinh phí chi ra trên lãnh thổ Pháp ít nhất 1 triệu euro.
Bằng cách này, nước Pháp muốn chấm dứt việc hằng năm khoảng 10-20 dự án phim lớn của Mỹ không chọn Pháp làm nơi đến, mà là các nước châu Âu khác như Áo, Ðức, Anh, Ireland. Bởi ở các nước đó, việc miễn giảm thuế ở mức tương tự đã được thực hiện nhiều năm nay.
Tổng cộng trong năm 2010, theo thông tin từ Tổ chức Film France chuyên phụ trách về vấn đề miễn giảm thuế này, sẽ có 22 dự án hưởng lợi với tổng số 330 ngày quay và chi ra 100 triệu euro trên lãnh thổ Pháp.
Nhiều lợi ích như vậy nhưng tại sao nước Pháp đến bây giờ mới thực hiện động thái này? Có lẽ bởi Pháp là một trong những nước châu Âu bảo hộ điện ảnh nội địa một cách mạnh mẽ nhất. Hầu hết các dự án điện ảnh trong nước đều được nhà nước hỗ trợ thông qua các tổ chức như CNC (Centre National de la Cinématographie).
Theo một quy định có hiệu lực từ năm 1990, các rạp chiếu phim phải chiếu ít nhất 50% phim châu Âu và ít nhất 35% phim nói tiếng Pháp. Các đài truyền hình nhà nước thậm chí còn phải chiếu ít nhất 60% phim châu Âu và 40% phim nói tiếng Pháp.
Người Ấn Độ ở Thụy Sĩ
Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh giữa các nước châu Âu về vấn đề này sẽ chưa dừng tại đây. Bởi mỗi dự án phim lớn của nước ngoài – đặc biệt từ Hollywood – đảm bảo công việc cho một đội ngũ người làm các dịch vụ liên quan đến phim ảnh trong vài tháng.
Hiện ở Pháp chưa có một trường quay thật sự lớn đủ chứa một đoàn phim vài trăm người như Babelsberg gần Berlin (Ðức) hay Pinewood gần London (Anh). Ðiều này sẽ không còn xa nữa khi trường quay mang tên Cité du Cinéma do đạo diễn Luc Besson khởi xướng sẽ được mở ở Saint-Denis phía bắc Paris vào năm 2012.
Ðó là chưa kể đến ưu ái ngày càng tăng của các đoàn phim quốc tế dành cho vùng Ðông Âu, nơi ngoài cảnh vật thiên nhiên quyến rũ còn hấp dẫn bởi nhân công lao động rẻ hơn nhiều.
Một ví dụ đặc sắc liên quan đến dự án phim nước ngoài tại châu Âu là mối liên hệ giữa số đoàn phim Ấn Ðộ quay tại Thụy Sĩ và số khách du lịch theo đó đổ đến đất nước trung lập nhỏ bé này.
Từ vài chục năm trở lại đây, khung cảnh Thụy Sĩ với núi non và hồ nước xanh tươi vào mùa hè, tuyết trắng vào mùa đông luôn thu hút sự chú ý và là bối cảnh lý tưởng cho các bộ phim Ấn Ðộ vốn thiên về đại cảnh.
Cùng với sự xuất hiện của hình ảnh Thụy Sĩ trên các bộ phim, số khách du lịch từ Ấn Ðộ tăng thường xuyên và Thụy Sĩ, sau Anh, hiện là điểm đến được yêu thích nhất của người Ấn tại châu Âu.
Người châu Á không trầm lặng
Ở châu Á, cuộc cạnh tranh đang dần trở nên khốc liệt khi Hàn Quốc, Thái Lan và Ðài Loan đều có chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài mang dự án phim đến sản xuất ở nước họ. Ðơn cử như bộ phim Thượng Hải với dàn sao Củng Lợi, Châu Nhuận Phát và John Cusack được quay hoàn toàn ở Thái Lan chứ không phải ở Trung Quốc, dù phim trường Thượng Hải hay Hong Kong có thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu.
Ðài Loan, trong nỗ lực vực dậy nền công nghiệp điện ảnh, thành lập Ban phim Ðài Bắc từ năm 2008 chuyên hỗ trợ nhà làm phim nước ngoài với các chính sách ưu đãi để kéo dự án tới đây.
Bài học nào từ cuộc cạnh tranh này cho VN? Trong vòng mười năm trở lại đây, một số dự án phim lớn có bối cảnh VN từng được quay chủ yếu ở Thái Lan và Malaysia hay các nước Ðông Nam Á khác.
Lý do có thể rất phong phú và cơ hội đã qua thì không lấy lại được, nhưng có lẽ đã đến lúc các nhà quản lý điện ảnh cần có một chính sách chủ động khuyến khích để các dự án quốc tế trong tương lai quan tâm đến VN và an tâm khi chọn VN.
Bởi trên hết, đây là một cuộc hợp tác đôi bên cùng có lợi và nếu không nhanh chân, VN sẽ ngày càng tụt lại phía sau trong cuộc chơi cùng các đối thủ trong khu vực.
MẠNH CƯỜNG VŨ (Theo TTO)
Bình luận (0)