Học sinh vùng cao nhận quà tặng của đoàn TP.HCM và Quảng Ngãi |
Thật đáng vui mừng khi huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) được công nhận đạt chuẩn quốc gia về công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (PCGDTH ĐĐT) và phổ cập giáo dục trung học cơ sở (PCGD THCS). Đoàn kiểm tra của tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực không ngừng của ngành giáo dục huyện miền núi.
Những năm qua, huyện Sơn Hà được biết đến với số học sinh nghỉ học nhiều nhất, tỷ lệ không đạt tốt nghiệp khá cao. Thế nhưng, khi theo đoàn kiểm tra PCGD) của tỉnh về Sơn Hà, tôi thật sự bất ngờ trước đời sống, nhận thức đồng bào và tỷ lệ trẻ đến trường của huyện này. Số trẻ đến lớp đều đạt trên 90%.
Cô giáo Nguyễn Thị Yên, Trường Tiểu học và THCS Sơn Trung cho biết: “Đa phần các trẻ ở đây là người dân tộc H’re, nên ý thức đi học và tiếp thu bài rất kém. Nếu làm các em bất mãn thì chúng không đi học, rồi phải đến nhà vận động từng em đến lớp, vất vả lắm anh. Mà đường đi toàn qua suối, qua đèo, leo núi, đôi lúc đi bộ hơn 4 giờ mới đến được nhà các em. Có đi mới biết đường đến trường của các em lắm gian nan”.
Tôi cùng với các anh em trong đoàn đi để hiểu nỗi vất vả nơi đây. Chúng tôi phải lội qua nhiều vũng bùn đất đỏ, leo qua các đoạn núi với độ cao khoảng 80 độ. Trên các ngọn núi gần như cao nhất khu vực này, chúng tôi hòa lẫn trong những đám mây mù mịt, giống như được sống trên “cõi tiên” vậy. Phải trải qua hơn 30 km, chúng tôi mới đến được khu làng dân tộc H’re sinh sống. Quả thật, tôi rất khâm phục ý chí vận động trẻ đi học của giáo viên và sự chịu khó của học sinh vùng cao này.
Em Định Thị Hiệp, học sinh lớp 7 Trường THCS Sơn Thủy cho tôi biết: “Em phải dậy trước khi gà gáy (khoảng 3 giờ sáng), đi qua con suối, đi qua rừng cây, lạnh lắm. Em phải cố gắng, vì cô giáo bảo học cái chữ mới hết lạnh, hết nghèo”.
Em Đinh Văn Miết cũng phải trải qua khoảng đường đến trường rất xa xôi như em Hiệp.
“Chúng tôi vận động giáo viên không nghỉ 2 mùa hè (năm 2006 và 2007), để cùng quyết tâm phổ cập. Bù lại ngoài chính sách đã quy định, chúng tôi hỗ trợ 5.000đ/tiết cho giáo viên. Tuy khoản kinh phí này không thể bù đắp hết sự vất vả cho các thầy cô, nhưng đó là sự động viên. Tất cả giáo viên đã xác định rõ mục tiêu, vì thế có 700/850 giáo viên làm công tác PCGD hè”, ông Trần Văn Hải, phó Phòng giáo dục huyện Sơn Hà cho biết.
Không chỉ khó khăn về đường sá đi lại, mà đời sống của đồng bào dân tộc luôn bấp bênh. Bên cạnh đó, họ có bao nhiêu lúa gạo, tiền thì đều tiêu xài hết mà ít khi biết dành dụm.
“Học giã gạo” là từ ngữ mà những vùng cao thường ví von với việc học ở đây. Bên cạnh nhận thức việc học rất mơ hồ, thì con đường đến trường của các học trò ở đây luôn là nỗi lo. Mỗi khi nhà có việc lễ cúng là các em lại tự nghỉ học và nếu thích thì nghỉ cho đến khi thầy cô đến nhà nhắc nhở.
Thầy Đầu Văn Vinh, dạy môn lý Trường TH và THCS Sơn Trung hơn 8 năm nên thấu hiểu sự gian truân của nền giáo dục miền núi. Thầy tâm sự: “Nhiều lúc các em nói tiếng dân tộc mà chúng tôi không hiểu, chính vì thế khó hiểu tâm lý chúng và các phong tục tập quán. Tôi muốn học tiếng đồng bào lắm, nhưng lại không có chữ viết lưu lại, không có sách vở ghi chép nào để nghiên cứu. Nhiều lần đến nhà vận động học sinh đi học thì gia đình các em không cho đi, có khi bị họ đuổi ra khỏi nhà và cầm cây định đánh nữa”.
Dạy và học nơi vùng cao còn lắm gian khổ, thế nhưng chính sách hỗ trợ như hiện nay thì vẫn chưa đủ đảm bảo đời sống dân sinh. Theo thống kê của huyện Sơn Hà, có khoảng 10 giáo viên cử tuyển/năm, trung bình hằng năm có 70% giáo viên đồng bằng lên công tác. Đa phần đều xin chuyển về lại đồng bằng từ 15 đến 20 giáo viên hằng năm. Do điều kiện sinh hoạt và đi lại rất khó khăn.
Chính sách lương của giáo viên miền núi được ưu tiên nhưng chỉ áp dụng cho “biên chế”, còn giáo viên hợp đồng thì chỉ biết im lặng với mức lương thấp. Trong khi đó, họ phải thuê phòng ở, thường xuyên đi lại xa xôi, tự mua sách vở cho học sinh…
Những tháng mùa mưa thế này mà các em đến trường được thì đó là niềm vui của thầy cô giáo. |
Khó khăn là vậy, thế nhưng huyện Sơn Hà đã làm được điều mà không mấy ai nghĩ, đó là thành công tác phổ cập giáo dục. Làm được như vậy là nhờ sự quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là các giáo viên đã trực tiếp đi vận động và dạy học sinh, góp phần phát triển nền giáo dục.
Ông Đặng Ngọc Dũng, Trưởng phòng Giáo dục kiêm Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục cho biết: “Công tác giáo dục là nhiệm vụ của toàn dân, đòi hỏi chúng tôi phải cùng nhau đồng lòng và làm kiên quyết. Từ tháng 8 đến tháng 12-2008, chúng tôi đã điều chuyển 5 hiệu trưởng về các trường khác làm giáo viên và phó hiệu trưởng do không hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Đặc biệt, sau khi đạt chuẩn, chúng tôi phải luôn cố gắng giữ cho được chuẩn một cách bền vững. Chúng tôi mong muốn cấp trên tạo điều kiện hỗ trợ nhiều hơn nữa cho những người trực tiếp vận động, giảng dạy, hỗ trợ sách vở, áo quần cho đồng bào, củng cố đường sá và phương tiện đi lại thuận lợi hơn”.
Hồng Vương
Bình luận (0)