Anh Bình đang chăm chỉ với những đế guốc của mình |
Làng nghề điêu khắc nằm ở phường Phú Thọ, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương tồn tại đã hàng chục năm nay và là một trong những nghề truyền thống. Người dân làng nghề không chỉ sống với nghề mà còn có những trăn trở rất lớn khi 4-5 năm về trước làng nghề có nguy cơ tàn lụi. Tuy nhiên, hiện nay làng nghề đang từng bước phát triển trở lại.
Làng nghề được khôi phục
Chạy xe dọc con đường mới tráng nhựa, khung cảnh làng nghề hiện ra trước mắt thật yên bình. Nhà nào cũng tất bật với từng tốp thợ 3 – 5 người đang miệt mài đục đẽo, chạm khắc. Họ đang ra sức làm cho kịp tiến độ để giao hàng cho khách theo đúng hợp đồng. Anh Lâm Thành Huy – chủ cơ sở Phụng Hưng cho biết: “ Cơ sở tôi có 26 công nhân và chưa phải là một cơ sở lớn nhất ở đây, dù xưởng mộc của tôi là xưởng đầu tiên “hồi sinh” lại sau những khó khăn của mấy năm về trước. Thật ra làng nghề mới chỉ “đứng lên” được cách nay khoảng 2 năm. Hiện tại, thu nhập cũng khá hơn trước rất nhiều bình quân từ 3 – 4 triệu đồng/tháng cho thợ chính và 1,8 – 2,5 triệu đồng cho thợ phụ”. Anh còn khoe với chúng tôi rằng thợ của anh toàn là người có tay nghề và đa số họ đều còn rất trẻ. Anh Trịnh Văn Long một thợ giỏi của xưởng hồ hởi: “Dạo này hàng được đặt nhiều lắm, anh em tha hồ mà làm. Tôi làm khâu chạm trổ có độ tinh xảo cao với thời gian là 10 tiếng/ ngày, thu nhập hơn 4 triệu đồng/ tháng. Nếu anh em nào tranh thủ làm cả buổi tối, thu nhập một tháng trên 5 triệu đồng là điều bình thường. Tôi rất mừng vì giờ đây mình có thể toàn tâm toàn ý để theo đuổi nghề”.
Ghé những cơ sở khác như: Thành Được, Phụng An, Triều Thanh ở đâu chúng tôi cũng nghe được những câu nói đầy vẻ hài lòng của những người thợ trước việc làng nghề ngày một ăn nên làm ra. Bác Trần Thanh Hoàng, 65 tuổi – một thợ thuộc dạng tiền bối của làng nghề tâm sự: “Gần 40 năm sống với nghề, tôi có thể khẳng định đây chính là nghề đã nuôi sống tôi, cũng như giúp tôi nuôi dạy các con ăn học nên người. Dù có những lúc, những thời điểm khó khăn tưởng như làng nghề đã bị xóa sổ, nhưng thật may là nó vẫn sống đến tận bây giờ và ngày một thêm phát triển”.
Toàn phường Phú Thọ hiện có khoảng gần 80 gia đình đăng ký kinh doanh làm nghề mộc. Số hộ nhận hàng làm gia công cho các cơ sở lớn còn nhiều. Chính vì thế nếu các cơ sở nhận được những hợp đồng lớn, có giá trị kinh tế cao thì người thợ thu nhập cũng sẽ cao.
Cần tạo dựng thương hiệu cho làng nghề
Đã có được công việc, thu nhập ổn định và khá hơn trước, cũng như làng nghề truyền thống đã được khôi phục nhưng người dân làng nghề chưa phải là đã hết lo lắng. Mà cụ thể cho cái lo ấy chính là việc 3 – 4 năm trước làng nghề đã rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi không có được đầu ra dù trước đó phát triển cũng rất tốt. Nhiều chủ cơ sở của làng nghề đã phải đóng cửa tìm hướng làm ăn mới khi không thể duy trì hoạt động.
Anh Bình – chủ cơ sở sản xuất khá lớn cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ từ tháng 7, 8, 9 trở đi là nguồn hàng để chúng tôi gia công rất ít. Nguyên nhân chính là do chúng tôi chưa chủ động được nguồn hàng, cũng như duy trì được những hợp đồng từ những đối tác. Đây chính là hạn chế hiện nay của làng nghề. Vì vậy, theo tôi việc sống lại của làng nghề mấy năm gần đây phụ thuộc chủ yếu vào doanh nghiệp chứ chưa thật sự tạo thành một “thương hiệu”. Và muốn có một làng nghề đích thực theo trọn nghĩa làng nghề là phải xây dựng cho được một thương hiệu ổn định. Vì như hiện nay chỉ cần doanh nghiệp không tìm được đơn đặt hàng từ đối tác là đời sống người dân làng nghề bị ảnh hưởng rất lớn. Việc các bạn trẻ giờ đây đổ xô vào làm ở xí nghiệp cũng ảnh hưởng không ít đến sự phát triển và tồn tại của làng nghề”.
Hiện nay, theo ghi nhận của chúng tôi thì nguyện vọng của chủ các cơ sở là làm sao được sự hỗ trợ tối đa của địa phương, Sở thương mại để phát triển và giữ vững làng nghề truyền thống của địa phương. Việc tập hợp nhau lại để cùng vào một tổ chức thống nhất, chịu sự quản lý của một đầu mối là điều mà hầu hết chủ cơ sở sản xuất ở làng nghề đang mong mỏi.
Thế nhưng, theo những gì chúng tôi tìm hiểu được thì hiện nay chính quyền địa phương cũng chỉ dừng lại ở mức độ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất để các cơ sở có thể vay vốn tín dụng của xã, phường làm vốn kinh doanh mà chưa có một chiến lược phát triển cụ thể nào được vạch ra từ Sở thương mại và các ban ngành.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Thành Danh, Chủ tịch phường Phú Thọ cho biết: “Nghề điêu khắc là một nghề truyền thống của địa phương. Vì vậy, việc tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân được chúng tôi đặc biệt chú trọng. Tuy nhiên, chúng tôi biết khó khăn hiện nay của chủ các cơ sở ở làng nghề là rất lớn nên đang tích cực cùng nhau tìm hướng ra trong tương lai. Vốn và nguồn nguyên liệu hiện nay cũng là rào cản rất lớn của các chủ cơ sở sản xuất để họ phát triển. Chúng tôi hiểu khó khăn của họ nên cũng đã có một số biện pháp hỗ trợ, cũng như cố gắng đơn giản hóa cách thức vay tiền để họ dễ dàng tiếp cận đồng vốn vay hơn. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để xúc tiến, đẩy nhanh các kế họach, từng bước làm tốt hơn công tác hỗ trợ để người dân làng nghề có được cuộc sống ổn định. Điều làm tôi mừng nhất là làng nghề đã hồi sinh sau bao nhiêu năm thăng trầm. Chính vì thế việc duy trì và phát triển làng nghề là trách nhiệm tất yếu của lãnh đạo địa phương chúng tôi”.
Bài, ảnh: Nguyên Hải
Bình luận (0)