Ông Hữu hằng ngày ngồi ngăn mọi người qua lại và kiêm luôn công việc bảo vệ |
Trước đây, vào dịp noel và những ngày cuối năm, những hộ kinh doanh, buôn bán trên các trục đường sầm uất như Lê Văn Sỹ, Hồng Bàng, Trần Hưng Đạo… đang “vào mùa” hốt bạc, còn bây giờ… hàng đã nhập về nếu để ngay tại nhà, chỉ có “ma” mới mua. Họ đành chấp nhận cho người nhà đi thuê mặt bằng chỗ khác, coi như năm nay thất thu. Tất cả chỉ tại mấy cái lô cốt!
Nhà mặt phố… đóng cửa
Từ lâu, cứ vào dịp mua sắm cuối năm, đường Lê Văn Sỹ kéo dài từ quận Tân Bình sang quận Phú Nhuận luôn diễn ra cảnh mua bán tấp nập. Thế mà năm nay dù chỉ còn hơn tháng nữa là đến Tết Canh Dần nhưng vẫn còn đó rất nhiều cửa hàng (đoạn từ vòng xoay Lê Văn Sỹ, Nguyễn Trọng Tuyển của quận Tân Bình đến nhà thờ Ba Chuông của quận Phú Nhuận) tách biệt hoàn toàn với thế giới mua sắm nhộn nhịp xung quanh. Quá bức xúc trước việc các lô cốt “nằm ì” cả mấy tháng trời trên các trục đường Lê Văn Sỹ quận Tân Bình, Trần Hưng Đạo quận 1, Nguyễn Văn Luông, Hồng Bàng, Nguyễn Thị Nhỏ quận 11, quận 5… những hộ dân có nhà mặt tiền trên các trục đường này đã có đơn thư gửi các cấp có thẩm quyền, mong sao mấy “ông” lô cốt nhanh chóng hoàn thành để có cái mặt đường mà buôn bán. Đơn thư đã có, cấp có thẩm quyền xuống thẩm tra, vi hành đủ cả nhưng họ cứ đợi và chờ, còn hàng nhập về để đầy trong góc nhà và việc buôn bán ngày một trì trệ thì chỉ có những người dân này mới hiểu!? Cô Nguyễn Thị Thanh, chủ một cửa hàng kinh doanh giày dép trên đường Lê Văn Sỹ (Tân Bình) bức xúc: “Mấy chú nhìn coi, chỉ một đoạn ngắn chưa đầy ba cây số nhưng có tới bốn lô cốt án ngữ. Mỗi lô cốt kéo dài cả trăm mét, lấy hết đường còn đâu mà mua với bán”. Bà Phương, chủ một cửa hàng chuyên bán quần áo trẻ em trên đường Lê Văn Sỹ (Phú Nhuận), than thở: “Những năm trước vào dịp mua sắm cuối năm, nhất là những ngày như noel, tết tây, trung bình mỗi ngày doanh thu của cửa hàng tôi từ 2 đến 3 triệu đồng. Nhưng năm nay, dù ngồi dài cổ cả ngày cũng chỉ bán ra được vài ba bộ quần áo. Mà khổ nỗi, đây là cửa hàng tôi đi thuê mặt bằng, hàng tháng mất cả mười mấy triệu đồng, buôn bán kiểu này chắc tôi bỏ của chạy lấy người mất thôi”. Dọc tuyến đường Nguyễn Văn Luông, Q.5 có nhiều đoạn, tuyến ống cống thoát nước đã thi công xong nhưng việc trả lại mặt đường bằng phẳng của đơn vị thi công không biết vì nguyên nhân gì mà cứ kéo dài hoài. Các hộ kinh doanh cũng không thể mở cửa kinh doanh do bụi và nước bẩn làm cho khách không thể dừng lại để giao dịch, mua bán. Anh Thanh nhân viên của văn phòng Luật sư Phương Đài cho biết: “Hơn năm tháng nay văn phòng hôm mở hôm đóng cửa vì môi trường quá ô nhiễm, chúng tôi phải hẹn gặp khách hàng tại nhà riêng của họ hoặc ngoài quán, rất là bất tiện. Không riêng gì văn phòng của chúng tôi mà dọc tuyến đường này, nhà hai bên đường cũng đóng cửa không làm ăn được gì”. Chạy xe dọc tuyến đường, điều chúng tôi nếm trải là nhiều đoạn đường sau khi tái lập mặt đường gồ ghề, lồi lõm, đất vương vãi gây bụi ô nhiễm và rất nguy hiểm cho người lưu thông. Cùng chung cảnh ngộ, ông Hữu chủ cửa hàng mắt kính Thế giới, tại ngã tư Nguyễn Thị Nhỏ – Nguyễn Trãi cho biết: “Từ khi lô cốt này mọc lên, cửa hàng của tôi phải đi thuê thêm địa điểm khác để giải quyết lô hàng nhập về từ giữa năm 2009, còn tôi ngày qua ngày ngồi ngắm mọi người qua lại và kiêm luôn công việc bảo vệ”. Không những chợ, cửa hàng, quán cà phê mà hầu như mọi nơi buôn bán đều đang trong thảm cảnh bị lô cốt “đè”.
Dân kêu, còn chúng tôi… biết kêu ai?
Theo số liệu mới đây do Sở Giao thông vận tải TP.HCM tổng hợp, năm 2009 thành phố đã đào đường với tổng chiều dài khoảng 100km gấp 2.5 lần so với năm 2008. Hậu quả là ở các tuyến đường bị đào luôn xảy ra ket xe và các hộ kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn trong việc buôn bán vì có nhà mặt tiền cũng như không do lô cốt đã lấn chiếm hết không gian của họ.
Người bên ngoài lô cốt đã vậy, người bên trong lô cốt cũng có những điều khó nói. Anh Ng.H.M giám sát công trình tại 303 Lê Văn Sỹ, Q.3 cho biết: “Công ty 589 trúng gói thầu xử lý đường ống nước toàn tuyến trên 5km, vì vậy chúng tôi phải chia nhỏ gói thầu để thi công từng đoạn một (từ hố ga này tới hố ga khác, gọi theo tên chuyên ngành là đốt, mỗi đốt dài 1,2m bao gồm 47 đốt). Với máy móc hiện đại, lực lượng kỹ sư tay nghề cao chúng tôi có thể tiến hành làm nhanh và đúng tiến độ thời gian nhưng khi đi vào thực tế chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Hết gặp đường cáp ngầm lại bể ống nước, anh em nhiều khi phải ngâm mình trong nước và bùn cả tiếng đồng hồ, rồi thức đêm làm khuya cho kịp tiến độ nhưng vẫn bị… chửi. Sợ nhất là con nghiện và những người đi nhậu về khuya, trong lúc cần “giải tỏa” họ phá rào, đập tôn ầm ầm bắt mở cửa cho họ vào, nếu không thì bị chửi, gạch đá bay rào rào… Khi gặp những khó khăn này chúng tôi phải đợi các cơ quan chủ quản đến phối hợp tháo gỡ, vậy là chậm tiến độ…”. Tiếp xúc với chúng tôi, chỉ huy công trình trên đường Nguyễn Văn Luông, Q.5 cho biết: “Trong quá trình đào đường dù đã tránh nhưng vẫn luôn bị bể ống nước làm nước ngập không thể đổ bê tông bên dưới, phải huy động công nhân, máy móc hút nước ra ngoài mà hút ra ngoài thì chỉ còn cách đổ lên đường. Chúng tôi phải thực hiện thi công ba ca/ngày để đẩy nhanh tiến độ. Hiện nay công trình chủ yếu hoạt động từ 0h – 4h sáng. Khoảng thời gian này mới thi công được bằng máy để đóng cừ thép, đào đất hoặc đặt cống xuống… vì vậy mà sức khỏe của công nhân bị ảnh hưởng rất nhiều”.
Lê Quang Huy
Ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục thuế TP.HCM cho biết: “Cục thuế đã thực hiện vấn đề hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng của lô cốt từ năm 2007. Theo đó, thuế sẽ thu trên cơ sở: Khi kinh doanh nhiều thì tính nhiều, ít thì tính ít. Luật đã có, nếu địa phương nào “làm lơ” thì sẽ bị xử lý nghiêm. Với những hộ kinh doanh tăng hoặc giảm doanh thu trên 20% thì sẽ được xem xét lại mức thu thuế. Người dân viết đơn tay và gửi lên cơ quan thuế, cơ quan thuế sẽ cử người xuống rà soát. Quy trình này chỉ mất 15 ngày”. |
Bình luận (0)