Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những phận đời trong lô cốt: Bài 2: Hai người cha và những đứa trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Công trình (lô cốt) – nơi anh Nguyễn Văn Đành làm việc

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn buộc những cậu bé tuổi 15 phải chấp nhận bỏ học theo cha đi “đào đường”. Rồi có những người cha ngày đêm lấy lô cốt làm nhà để kiếm chút tiền nuôi con ăn học thành tài…
Những đứa trẻ thất học…
Xúc đá, đóng cọc và vác từng bao xi măng (nặng trên 50 ký so với cơ thể của em chưa tới 45 ký), bước đi ào ào. Nhìn Hải (15 tuổi quê Bửu Hóa – Long An) chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Đang tuổi ăn tuổi lớn, chúng bạn cùng trang lứa ngày qua ngày cắp sách tới trường, còn với em: đào đất, đổ bê tông, ăn cơm bụi là chuyện hàng ngày và đã trở thành quen thuộc. Ba của Hải giờ không thể làm được những công việc nặng sau khi bị tai nạn lao động, mẹ ngày đêm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên một công ruộng của gia đình. Làm quần quật cả ngày mà cơm ăn chỉ rau muống luộc với mấy con cá khô kho mặn. Hải tâm sự: “Nhìn ba khó nhọc nuốt từng miếng cơm, em quyết định bỏ học (dù ba mẹ không đồng ý) và theo các chú đi làm. Lương tháng được gần ba triệu đồng, em chỉ dám chi tiêu vào những việc cần thiết của bản thân, còn lại gửi hết về quê cho mẹ thuốc thang và đóng tiền học cho cô em gái đang học lớp 5”. Còn Phan Thành Vũ (14 tuổi) cùng quê với Hải, có may mắn hơn khi được làm cùng cha. Thấy có người chụp hình mình, em vội trốn sau lưng cha, nói cách gì em cũng không chịu, tôi đành quay qua bắt chuyện với cha em. Anh Quang cho biết: “Thằng Vũ nó nhút nhát như con gái chú à! Gia đình khó khăn tôi phải chấp nhận cho cháu đi làm cùng, tuy biết cháu sẽ bị thiệt so với bạn bè nhưng không làm thì lấy gì bỏ miệng, rồi tiền đâu gửi về cho các em nó đi học”. Nghe anh Quang nói vậy, tôi thấy trên khuôn mặt em những giọt nước mắt lăn dài, Vũ chia sẻ: “Em mới làm được gần năm tháng, lúc đầu phải thức từ 9 giờ đêm đến sáng bạch, người dơ bẩn do phải dầm mình trong nước cống. Được suất ăn bồi dưỡng làm khuya, em “trốn” vô ống cống ngủ lúc nào không biết, ba và mọi người cuống lên đi tìm, đó là kỷ niệm mà em nhớ nhất. Bây giờ cũng tạm ổn do đã quen công việc… nên em không còn “trốn” đi ngủ nữa”. Khi tôi đặt câu hỏi: Em có ước mơ gì cho mình? cười thật tươi… Vũ nói: “Em không biết ước mơ gì!”. Anh Quang trăn trở: “Tôi sẽ cố làm hết sức và sẽ cho cháu Vũ đi học trường công nhân kỹ thuật nào đó, để hi vọng đời nó không khổ như tôi nhưng nói thật với anh đó là ước muốn…”.
… Và hai người cha
Bảo vệ kiêm giám sát công trình tại lô cốt số 303 Lê Văn Sỹ, Q.3, anh Nguyễn Văn Đành đã có 27 năm trong nghề. Trước đây ở ngoài Quảng Nam anh là thợ kĩ thuật, hôm biết kết quả cậu con trai đầu thi đậu vào Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Bình Dương, mừng chưa hết thì bỗng chột dạ vì tiền đâu cho con đi học nếu chỉ trông vào đồng lương “ba cọc, ba đồng” của mình. Thế rồi anh xin với cơ quan chủ quản (Công ty 589) điều chuyển mình vào TP.HCM để được gần con. Ngồi nghỉ mệt sau giờ làm, anh Đành nói: “Lúc đầu tôi tính khi cơ quan cho vô trong này, cha con thuê phòng trọ ở cùng nhau nhưng kế hoạch này không thực hiện được. Do giá phòng trọ quá cao, tôi lại đi về giờ giấc thất thường vì phải đeo bám công trường. Vậy là cho con ở ghép cùng bạn học còn tôi ăn ở ngay tại lô cốt. Tôi nhớ nhất, trung tuần tháng 9 vừa qua, góp nhặt được gần ba triệu đồng bắt xe buýt xuống thăm con. Vào gặp con sau một hồi hỏi han việc học, khi chuẩn bị về tôi lấy tiền cho cháu, tìm hết túi này túi kia cũng không thấy lúc đó mới biết là mình đã bị kẻ gian móc lấy hết từ bao giờ. Tôi như người phát cuồng, vì ngày mai con phải đóng học phí. Không còn cách nào tôi đành đem chiếc nhẫn kỷ vật của vợ chồng tôi đi bán cho con đóng tiền học. Vất vả đến mấy vợ chồng tôi cũng cố, điều tôi dạy con là thằng lớn phải học thật tốt còn đứa nhỏ đang học lớp 11, phải học giỏi năm nào cũng mang về cho ba má giấy khen của trường là ba má vui lắm rồi”. Cách đó không xa, anh Phạm Công Việt (quê Ý Yên, Nam Định) công việc chính là bảo vệ công trường, đang cặm cụi sửa chiếc máy mài cho đồng nghiệp. Anh tâm sự: “Từ ngoài Bắc vào đây đi làm phải sống xa gia đình vợ con nhưng tôi rất hạnh phúc về hai đứa con. Các cháu là nguồn động viên tinh thần và tương lai của gia đình. Cháu Phạm Hồng Cường là đứa lớn đang học năm thứ hai Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, hôm rồi cháu gọi điện vào khoe với tôi mới được học bổng gì đó? Tôi mừng không kể xiết còn đứa kế Phạm Công Dũng năm rồi thi đậu vào Trường CĐ Nghề Linama 2, học tại Nam Định”. Đang nói chuyện cùng tôi bỗng đâu đó là những ngôn ngữ “sặc mùi” chợ búa vang lên bên tai và tiếng đập rầm rập vô hàng rào tôn. Chạy vội cùng anh ra ngoài, một người đi đường mặt mũi đỏ au, miệng sặc mùi bia rượu đang vừa chửi những người thi công lô cốt vừa đấm, vừa đạp vào hàng rào… vì tội “làm ông ngã xe”. Sau khi dựng xe cho họ và đứng chịu trận với đủ thứ ngôn ngữ từ miệng người đàn ông phát ra, anh Việt cũng được “giải thoát” khi công an phường đến và mời người đàn ông về phường. Không giận và cũng chẳng buồn, anh Việt cho biết: “Những chuyện này tôi quen rồi, lúc mới làm chưa có kinh nghiệm, có chuyện như thế này mình tới dựng xe lên cho họ là bị túm áo và ăn đánh nhưng như vậy vẫn không sợ bằng chuyện con nghiện chui vô ăn cắp đồ và chích ma túy bên trong lô cốt. Lúc đó chúng tôi chỉ còn cách im re và gọi điện cầu cứu công an”.
Có lẽ với những người thợ đang làm cùng anh, họ không hoặc chưa có được niềm vui như hai anh nhưng trong sâu thẳm tâm hồn họ cũng là ước mong cho con cái trưởng thành, học hành tấn tới. Dù có vất vả trăm bề, với họ quan trọng nhất vẫn là lo cho tương lai và cuộc sống gia đình.
Lê Quang Huy
Anh Việt tâm sự: “Hàng tháng thu nhập của tôi gần ba triệu đồng, hai đứa đi học cũng mất một tháng thu nhập của tôi, đó là chưa nói tới chuyện ăn uống sinh hoạt của cá nhân mình. Tuy nhiên, vợ chồng tôi đã xác định: cùng lắm thì bán đất đai cho con đi học chứ không để nó học lỡ dở”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)