Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Thị trường hoa, cây kiểng tại TP.HCM: Bức tranh ảm đạm

Tạp Chí Giáo Dục

Khách đến các gian hàng hoa và cây kiểng chỉ để ngắm chứ không mua

Hoa và cây kiểng giảm giá đến phân nửa vẫn khó bán. Mấy ngày nay thị trường hoa kiểng rất im ắng dù chỉ hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Điều này đã khiến nhà vườn lao đao và dọa… bỏ nghề.
Khóc vì hoa và kiểng
Ngay từ đầu năm 2010, hàng loạt sự kiện như Festival Hoa Đà Lạt, Hà Nội, triển lãm sinh vật cảnh tại TP.HCM nhưng thị trường hoa, cây kiểng vẫn ảm đạm. Ông Văn Sang – nghệ nhân vườn cây kiểng ở Q.Phú Nhuận, cho biết: “Mấy năm trước, tháng 9, tháng 10 đã có người mua. Năm nay, chỉ còn hơn một tháng nữa đến Tết nhưng lượng bán chỉ bằng 1/5 những năm trước. Năm nay nhà vườn chỉ có huề hoặc lỗ vốn”. Chỉ tay về những gian hàng còn trống trong khu triển lãm sinh vật cảnh tại Công viên văn hóa Lê Thị Riêng từ ngày 1-1 đến 5-1-2010 vừa qua, ông Sang nói: “Những năm trước, khi công viên tổ chức triển lãm, ai chậm chân là không còn chỗ đăng ký. Lúc đó bán hàng rất chạy. Năm nay vì nể chỗ quen biết với công viên nên tôi tham gia ủng hộ thôi”. Một nhân viên Làng nghề sinh vật cảnh tham gia hội chợ tại Công viên 23-9 dịp đầu năm 2010, nói: “Khách chỉ đến tham quan, ngắm hoa thôi chứ không mua. Chở lên rồi lại chở về vừa tốn tiền lại thêm tốn công. Suốt mấy ngày hội chợ có bán được chậu hoa nào đâu. Đã vậy, khách cứ chụp hình, sờ mó làm hoa hư hết”. Thị trường hoa, kiểng ảm đạm khiến thương lái lo lắng. Ông Thanh Vũ – một thương lái hoa, cây kiểng cho biết: “Năm nay hoa kiểng bán rất chậm nên các vựa im ắng, “nghe ngóng” biến động của thị trường. Những năm trước, từ tháng 9 các vựa đã đến đặt cọc. Năm nay đến giờ vẫn chưa thấy ai đến hỏi thăm”. Hoa kiểng bán không được nhưng nợ ngân hàng đến kỳ phải… đáo hạn, vay vốn bên ngoài phải trả lãi suất cao và trăm thứ tiền khác khiến người trồng hoa lẫn thương lái phải bán đổ bán tháo. Chỉ tay vào vườn kiểng, ông Sang nói: “Cặp vú sữa này mọi năm giá 30 triệu đồng, năm nay giá chỉ còn ½. Tương tự, cặp nguyệt quế trước đây giá 30 triệu đồng, nay cũng chỉ còn 15 triệu đồng. Huề vốn hoặc lỗ ít nhiều cũng bán để lấy tiền xoay việc khác. Giá chỉ còn phân nửa nhưng vẫn bán không được. Nói thật, tôi chán nghề này lắm rồi”. Ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Vườn mẫu Âu Cơ đầu tư rất nhiều tiền, công sức để có vườn lan ưng ý. Ông rất tin tưởng vào vườn lan của mình. Tuy vậy, ông cũng rất lo lắng bởi để có vốn sản xuất, ông đã phải vay vốn bên ngoài với lãi suất 5%. Trong khi, thị trường hoa, kiểng Tết năm nay rất… khó lường.
Vì sao hoa, kiểng… “chết”?
Lí giải về thị trường hoa và cây kiểng, các chủ vườn cho rằng khó khăn về kinh tế nên người dân đành “thắt lưng buộc bụng”. Ông Sang nói: “Từ nay đến cuối năm, nhiều người dân lo chạy tiền trả nợ lấy đâu ra tiền mà chơi hoa, chơi kiểng”. Một nghịch lý của thị trường hoa, kiểng hiện nay là nếu mất mùa thì nhiều người còn “sống sót”, được mùa thì hầu hết người trồng hoa đều “chết”. Ông Vũ giải thích: “Hiện nay thị trường đang bội thực hoa, cây kiểng, cung vượt cầu. Chỉ cần 1/10 lượng hoa kiểng hiện nay là đáp ứng đủ thị trường. Riêng ở Bến Tre, mỗi năm sản xuất thêm cả triệu cây mai, trong khi nhu cầu thị trường không tăng lên bao nhiêu, thậm chí giảm xuống”. Một lí do khác khiến thị trường hoa kiểng năm nay kém sôi động bởi rộ lên dịch vụ cho thuê cây kiểng. Vào dịp Tết, các cơ quan, cá nhân có nhu cầu chơi hoa, chơi kiểng chỉ cần bỏ ra số tiền tương đương ¼ giá trị của cây là đã có cây mai, cây kiểng ưng ý lại khỏi tốn công chăm sóc.
Trái với quan điểm của nhà vườn và thương lái, ông Phạm Thiết Hòa – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) khá lạc quan về thị trường hoa, cây kiểng cuối năm. Ông Hòa nói: “Theo tôi, khó khăn về kinh tế lại là cơ hội cho thị trường hoa kiểng mùa Tết. Bởi người dân sẽ không đi du lịch xa nên mua hoa, cây kiểng trang hoàng nhà cửa. Nhu cầu thị trường vẫn còn rất lớn. Về chuyện bội thực hoa kiểng, chúng tôi đã trang bị kỹ năng phân tích thị trường cho nông dân và làm cầu nối cho 350 nhà vườn lớn với 170 shop hoa để nông dân biết thị trường cần mặt hàng nào mà sản xuất. Để hướng tới xuất khẩu, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa bốn nhà: nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – Nhà nước. Trong đó, nhà nông cần chuyên môn hóa sâu, tạo ra sản phẩm chất lượng, đặc sản của địa phương. Nhà khoa học hỗ trợ giống, kỹ thuật cho nông dân. Doanh nghiệp tìm kiếm thị trường để xuất khẩu. Nhà nước cần quy hoạch nghề trồng hoa, cây kiểng cũng như hỗ trợ vốn cho nông dân”.
Bài, ảnh: Vũ Việt Giang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)