Giăng bẫy bắt chim sẻ |
Bẫy chim từ xưa đã là nghề của không ít người dân ở các miền quê. Nghề được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nghề bẫy chim cũng lắm công phu, phải dày công nghiên cứu, chế tác nhiều loại bẫy. Hiện nay, ở những vùng ven TP.HCM người làm nghề này không còn nhiều, họ đến với nghề phần lớn chỉ để tìm vui với thiên nhiên.
1.001 kiểu bẫy chim
Sau hơn 1 giờ rảo quanh khu dân cư Thái Sơn (Nhà Bè), hai anh em Thế Quang và Thế Hải dừng lại trước một đám đất trống quan sát tình hình. Quang chui qua hàng rào kẽm gai để vào trong quan sát. 5 phút sau, Quang trở ra đưa hai ngón tay búng nghe “tóc tóc” rất điệu nghệ kèm cái gật đầu đắc thắng. Đó là ám hiệu trong nghề cho Hải biết đã có được một nơi đặt bẫy chim lý tưởng.
Thế Hải khệ nệ vác đồ nghề là hai tấm lưới rời được đóng khung gỗ, chục con chim sẻ dùng để mồi, lồng chim… Quang lấy từ giỏ xách ra nhiều cây móc sắt hình chữ U và dùng búa đóng xuống đất. Quang cho biết, những cái móc này dùng để buộc những con chim mồi. Chim mồi đã chuẩn bị trước ở nhà, dùng dây nhợ buộc vào chân chim, đầu dây còn lại cột chặt vào móc sắt chừa khoảng dây 0,5 mét để chim mồi có thể bay, vùng vẫy nhằm gây sự chú ý của đồng loại. Không phải con nào cũng làm mồi được mà phải qua một đợt “tuyển chọn” gắt gao. “Những con mồi phải lanh lợi, khỏe mới đủ sức chịu đựng suốt vài giờ đồng hồ”, Quang cho biết.
Hai khung lưới cũng đã được Hải chuẩn bị xong, khi chim sẻ sà xuống nhiều, người bẫy chim ngồi từ xa giật dây, hai khung lưới lật ngược vào khoảng đất trống (nơi có chim mồi) nhưng không chồng lên nhau. Giải thích vì sao không thiết kế khi giật khung lưới chồng lên nhau, Hải nói: “Mình tận dụng tối đa diện tích của chim sẻ đậu vào, diện tích càng lớn thì càng có nhiều cơ hội để bắt được chim”. Người ngồi giật dây phải có nghề, giật phải đều tay, dứt khoát nếu không lưới sẽ không lật đúng vị trí hoặc chim bị động sẽ bay hết trước khi lưới chưa lật.
Bẫy đã đặt xong, Quang ra hiệu cho tôi ra khỏi “vòng cấm”, ngồi nấp vào bụi cỏ lớn nơi Hải ngồi giật dây. Từ góc khuất xa, Quang nhặt cục đất nhỏ chọi vào chỗ đất có chim mồi, dường như có một chú sẻ vừa mới bị “lãnh đạn” hoảng quá bay lên làm căng sợi dây rồi đáp xuống một cách khổ sở. Những chú sẻ mồi còn lại cũng cùng lúc vùng vẫy thoát ra khỏi sợi dây kia nhưng vô vọng. Ngay lúc đó, một đàn sẻ khoảng hơn 20 con sà xuống lố nhố quanh những chú chim mồi như để chia sẻ đau thương với đồng loại. Lanh lợi, thoăn thoắt như sẻ cũng không qua nổi mưu kế của người bẫy chim.
Quang giật dây, 2 khung lưới đã lật vào trong, nhanh đến nỗi có chú sẻ phát hiện thoát thân nhưng không kịp rồi. Quang, Hải chạy lại để bắt chim cho vào lồng, lần giật đầu tiên đã bẫy được 25 con sẻ. Hải nói: “Cứ như vậy thì từ giờ đến tối bẫy 200 con là khỏe re”. Được biết, chục sẻ (12 con) bán được 5.000 đồng, trung bình mỗi ngày Quang và Hải kiếm được khoảng 100 ngàn đồng.
Chị Sánh (huyện Cần Đước, Long An) mỗi ngày từ tờ mờ sáng đạp xe lên khu vực xã Long Hậu (huyện Cần Giuộc) để bẫy chim. Kiểu bẫy chim của chị Sáng có phần lạ hơn, đơn giản hơn nhiều nhưng chim sa lưới thì cũng không ít. Trên đường đi, chị phát hiện ở đâu có nhiều tiếng sẻ râm ran là dừng lại, tìm một đám đất có nhiều cỏ để hành nghề. Chị nhổ những bụi cỏ lên dựng thành bụi lớn theo hình tam giác, tứ giác (tùy vào diện tích đám đất). Sau khi dựng xong, chị cắm cọc (một cây cọc tre và ba góc còn lại dựng tạm bợ bằng những bụi cỏ vừa nhổ) và giăng lưới với chiều cao vừa bằng chiều cao của cỏ. Chị Sáng giải thích: “Phần đất dính theo gốc cỏ có nhiều côn trùng sẻ rất thích ăn với lại mùi đất mới cũng thu hút sẻ đến khám phá. Khi thấy sẻ sà xuống nhiều thì giật dây buộc ở đầu cọc gỗ thì lưới sẽ ngã xuống, lúc ấy tha hồ mà bắt”.
Thú tiêu khiển
Bẫy chim với ông Nguyễn Văn Ba (Ba Ròm), ngụ quận 8 không phải để kiếm cái ăn hàng ngày mà chỉ để khuây khỏa tuổi già và giữ cái nghề đã lưu truyền từ 3 đời nay của gia đình ông. Ông Ba phân trần: “Lúc tôi 17, 18 tuổi, chiều nào cha tôi cũng dắt tôi đi bẫy chim. Hồi đó chim chóc nhiều lắm nhưng có ai mà mua, bẫy về nhốt đó để dành làm thịt kho mặn, chiên ăn cơm hoặc dùng làm mồi nhậu. Tôi mà chết rồi thì coi như cái nghề truyền thống của gia đình tiêu luôn chứ nhà chỉ toàn là con gái, mà có con trai đi nữa thì chim ở đâu nữa mà bẫy, tận diệt hết rồi”.
Mỗi người có một thú tiêu khiển riêng, với ông Nguyễn Văn Hoành (cựu chiến binh) ở quận 7 thì chọn thú bẫy chim vì lẽ: “Không tốn tiền, vận động nhiều, gần gũi với thiên nhiên, được hít thở không khí trong lành”.
Sau một thời gian dài làm bạn với những cánh diều, anh Năm Rứa (quận 4) lại chuyển hẳn sang bẫy chim. Anh Rứa cho hay: “Đánh cờ tướng riết rồi cũng chán, thôi thì theo mấy ông bạn đi bẫy chim cho vui, từ ngày bắt đầu đi bẫy chim đến nay thấy người khỏe ra, bà nhà tôi cười nắc nẻ vì gần 2 năm nay không tốn tiền đi bác sĩ”.
Trần Tuy An
Bình luận (0)