Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Ông Đỗ Duy Anh – Trưởng ban quốc tế Cục Điện ảnh VN: Dịch vụ quay phim tại VN đang cởi mở hơn

Tạp Chí Giáo Dục

Tiếp nối câu chuyện Quảng bá cho “phim trường” VN (Tuổi Trẻ ngày 8-9), Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi ngắn với ông Đỗ Duy Anh – trưởng ban quốc tế Cục Điện ảnh VN. 

Ông Đỗ Duy Anh – Ảnh: Hồng Minh

* Thưa ông, tình hình cung cấp dịch vụ phim trường cho các đối tác nước ngoài những năm gần đây như thế nào?

– Trên thế giới, loại hình cung cấp dịch vụ phim trường cho nước ngoài đã phát triển từ rất lâu do đòi hỏi của việc mở rộng thị trường điện ảnh, giảm chi phí sản xuất, đổi mới bối cảnh quay, đổi mới chủ đề phản ánh của phim… Loại hình hợp tác này chỉ xuất hiện tại VN từ đầu những năm 1990 của thời kỳ đổi mới. Năm năm gần đây, trung bình có 15-20 đoàn phim quốc tế sử dụng bối cảnh tại VN.

Việc cung cấp dịch vụ nước ngoài quay phim tại VN thậm chí phổ biến hơn hợp tác làm phim với nước ngoài và sản xuất phim bằng nguồn tài trợ của nước ngoài. Bộ VH-TT&DL đã ban hành quy định hợp tác và cung cấp dịch vụ làm phim cho nước ngoài theo quyết định 1340/QĐ-ĐA ngày 29-9-1992, nhằm thống nhất quản lý nhà nước và tạo cơ sở pháp lý, đẩy nhanh tiến độ cho các hoạt động hợp tác và cung cấp dịch vụ làm phim cho nước ngoài.

Sau khi VN trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, cùng với những cam kết quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ nghe nhìn, với việc lần đầu tiên VN ban hành Luật điện ảnh, lĩnh vực cung cấp dịch vụ cho nước ngoài quay phim tại VN đã thay đổi theo chiều hướng cởi mở hơn.

* Nhưng theo ông, quy trình xin cấp giấy phép thực hiện những dự án làm phim của nước ngoài tại VN hiện có quá nhiêu khê?

– Việc cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài do Bộ VH-TT&DL cấp giấy phép. Tuy nhiên, VN hiện nay chưa cấp phép trực tiếp cho các cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Bước một, đối tác nước ngoài cần phải tìm một đối tác VN (là những công ty sản xuất phim hoặc công ty có chức năng sản xuất phim) để hợp tác hoặc cung cấp dịch vụ làm phim tại VN. Bước hai, đối tác VN sẽ phải gửi Cục Điện ảnh các văn bản quy định tại điều 23 của Luật điện ảnh.

Đối tác cần gửi bộ hồ sơ đề nghị cấp giấp phép bao gồm: đơn đề nghị cấp giấy phép, kịch bản văn học bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Nhưng như tôi đã nói, tình hình đã khá hơn trước. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, bộ có trách nhiệm cấp giấy phép, trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản nêu rõ lý do.

NGA LINH (Theo TTO)

Bình luận (0)