Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhịp sống công nhân: Bài 1: Nhọc nhằn nơi xứ người

Tạp Chí Giáo Dục

Công nhân KCN Tân Tạo ăn vội để chuẩn bị tăng ca

Khi đất nước tiến vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cũng chính là lúc trên những cánh đồng thiếu vắng những bóng hình thôn nữ. Thay vào đó là những chiếc áo xanh công nhân (CN) ở các khu công nghiệp trong những buổi sáng sớm hay lúc chiều tà.
Nỗi khổ phòng trọ
Những phòng trọ ẩm thấp, chật chội và nhiều khi còn tỏa lên mùi rác khó chịu thường là nơi ở của CN vì những chỗ ở như vậy giá cả sẽ thấp hơn nhiều, phù hợp với mức thu nhập của họ.
Trong căn phòng chật chội, chưa đầy 20m2 ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương là nơi cư ngụ của 10 cô gái trẻ. Những cô gái này đến cùng xã, cùng huyện từ một tỉnh miền Bắc xa xôi. Chị Mai, chủ nhà trọ cho biết: “Từ khi hai vợ chồng tôi vào trong này lập nghiệp, đã mua đất và xây “tạm” cái nhà trọ này để anh em ngoài quê vào cư trú”. Mỗi tháng, một người chỉ đóng khoảng 70 nghìn cho nơi ở của mình”. Chị Kim Liên, 33 tuổi, ở phòng trọ này đã hơn 10 năm kể: “Từ khi mình mới vào đây giá phòng chỉ có khoảng 15 đến 20 nghìn, hiện nay giá cũng tăng hơn gấp 10-20 lần nhưng so với các phòng khác vẫn còn rẻ hơn nhiều. Chỉ tội là phòng chật quá, đi làm về mấy chị em xúm lại ăn uống xong là ngủ chứ không có một chút khoảng riêng tư nào”.
Phòng ở hết sức chật chội, trung bình cứ 5 đến 6 người ở chung 1 phòng rộng khoảng 12m2. Mấy chị em chỉ có thể chen chúc nhau ngủ trên gác xép, còn dưới nhà để xe cộ, đồ dùng kín hết cả lối đi. Vì vậy mà khách của chị em đến chơi chỉ có nước là về nhà chứ không thể nán lại thêm buổi tối.
Đối với những CN đã lập gia đình vẫn còn bám trụ lại thành phố thì chuyện nhà ở còn cực hơn rất nhiều. Thu nhập bình quân cả hai người chỉ khoảng 3 triệu đồng/ tháng, nếu có cả con nhỏ nữa thì cuộc sống rất eo hẹp. Vì vậy, để thuê nhà được giá rẻ họ buộc phải thuê ở các ấp, các xã cách chỗ làm vài chục cây. Anh Kim, CN làm việc ở Khu Công nghiệp Sóng Thần kể: “Từ khi lấy vợ về, cả hai vợ chồng quyết định thuê nhà ở dưới ấp Chiêu Liêu, xã Tân Đông Hiệp, huyện Dĩ An, Bình Dương với giá 350 nghìn đồng. Từ chỗ nhà trọ lên đến đây mất khoảng 10 km, sáng nào hai vợ chồng cũng thức dậy lúc 5 giờ để chuẩn bị đi làm chứ không ngủ nướng thêm được. Vợ mình đang có bầu mà chịu khó thức khuy dậy sớm hơn chứ giờ mà thuê nhà ở gần chỗ làm mỗi tháng cũng chiếm mất 1/3 tiền lương của hai vợ chồng rồi, còn đâu chuyện tích cóp cho việc chuẩn bị sinh em bé nữa”.
Thiếu thốn đủ mọi bề
Cuộc sống vật chất thiếu thốn trăm bề là điều không thể tránh khỏi ở mỗi CN. Lương trung bình của họ chỉ khoảng 1,2 đến 1,4 triệu đồng/tháng mà chi phí để trang trải cho cuộc sống ở thị thành cũng không nhỏ. Nói đến những bữa ăn đạm bạc, đời sống tinh thần eo hẹp của CN hầu như ai cũng quen thuộc với cảnh tượng mấy miếng đậu hũ, chén đậu phộng rang muối.
Mỗi buổi chiều về, con đường số 2, phường Tân Tạo lại nhộn nhịp tiếng nói cười khi CN tan ca. Và dọc theo những con đường này cũng là nơi tập trung của nhiều địa điểm mua bán. Nhìn hai nữ CN lựa thực phẩm cho bữa ăn tối của mình, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Miếng thịt được hai cô cân đi đếm lại cuối cùng cũng thả xuống, chọn mấy con cá nhỏ và bó rau.
Những bữa cơm 4 đến 5 người ăn nhưng mất khoảng vài chục nghìn là điều thường thấy trong cuộc sống của họ. Chị Thu ở Thái Bình kể trong ngậm ngùi: “Tui có đứa con gái đầu lòng vào Nam làm CN được 3, 4 năm rồi. Lúc mới vô Sài Gòn, mặc dù nhà làm nông ăn uống kham khổ nhưng da dẻ nó vẫn hồng hào, trắng trẻo. Còn bây giờ nhìn thấy con mà tôi xót hết cả ruột”.
Đến khu chợ Thái Bình ở Khu công nghiệp Sóng Thần, mọi người sẽ được thưởng thức chợ đêm với đầy đủ mọi thứ hàng hóa và chủ yếu vẫn là quần áo. CN cũng thường xuyên mua sắm trang phục cho mình và gửi về quê cho người thân nhưng giá cả chỉ bằng 1/10 quần áo ở các cửa hiệu. Lời rao bán đầu tiên của những người bán hàng là “áo đẹp đây, áo mới đây, hàng thanh lý mỗi cái 10 nghìn”. Thế là chị em CN xúm lại, lựa chọn hết cái này đến cái khác nhưng cuối cùng cũng chỉ mua một đến vài cái chứ “tiền đâu mà mua nhiều” Thanh Tâm, CN Công ty Pungkook Sài Gòn nói.
Nếu coi đời sống vật chất cực khổ trăm bề thì đời sống tinh thần của họ cũng không khá hơn được bao nhiêu mặc dù hiện nay đời sống CN cũng được quan tâm rất nhiều từ các ban ngành. Chuyện một CN mua báo để đọc hàng ngày là rất hiếm. Họ hầu như không biết đến các thông tin trên báo chí hay truyền hình. Còn chuyện thưởng thức âm nhạc, thì dường như họ đều thích nhạc trẻ, nhạc thị trường. Đã gần 30 tuổi nhưng khi hỏi chị Thủy (CN làm việc tại nhà cho một doanh nghiệp nhỏ ở quận Gò Vấp) thích nghe dòng nhạc nào, chị trả lời ngay: “nhạc trẻ, nhạc hip hop…”. Còn khi chúng tôi kể về nhạc Trịnh, nhạc Phú Quang… thì chị có vẻ như không am hiểu mấy.
Các chương trình ca nhạc thường xuyên được tổ chức ở các khu công nghiệp, CN đến xem phải gom góp tiền sau một tuần làm việc. Tuy nhiên, chuyện tự sắm cho mình một cái máy nghe nhạc hay ti vi là điều rất hiếm. “Mua mấy cái đó lên đến tiền triệu rồi, làm gì chúng tôi có mà mua. Mà nếu có tiền mua cũng tốn điện, với lại phòng đông người nên hầu hết khi đi làm về mọi người thường lăn ra ngủ cũng không còn thời gian đâu mà xem ti vi”. Chị Hà, CN Công ty Bút bi Thiên Long tâm sự.
Dương Bình

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)