Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Thiếu sân chơi lành mạnh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các bạn sinh viên tìm đến công viên Gia Định để đá bóng

Chuyện thiếu sân chơi thể thao dành cho sinh viên (SV) là chuyện được nhắc đến từ rất lâu và tưởng chừng như đã cũ. Thế nhưng chuyện vẫn còn nóng hổi bởi cho đến nay vấn đề ấy vẫn không được cải thiện, điều kiện sân bãi vốn dĩ eo hẹp nay lại càng thiếu thốn trầm trọng hơn.
Không có sân chơi
Dạo quanh các trường ĐH trên địa bàn thành phố, hầu hết đều không có nhà thi đấu, sân tập thể dục thể thao dành cho SV. Những tiết học thể dục các trường đều phải thuê sân ở các nhà thi đấu, các công viên… “Học thể dục chính khóa còn phải đi thuê, mướn sân thì lấy đâu ra sân chơi dành cho SV chứ?”. Bạn Lê Quốc Anh, SV ĐH Mở TP.HCM nói.
“Ngày trước ở quê, chiều nào cũng cùng bạn bè thư hùng, tranh tài đá bóng, thế mà khi vào trong này học thì chỉ biết “chôn chân” chứ không biết đá bóng ở đâu cả vì không có sân”, Văn Hùng, ĐH KHTN trò chuyện.
Tương tự, Đình Khánh, SV ĐH Bách khoa thì than thở: “Năm ngoái học tại cơ sở ở Thủ Đức, chiều chiều ra sân Ký túc xá ĐH Quốc gia đá bóng, đánh bóng chuyền, dù có những hôm phải tranh giành sân. SV thì nhiều mà sân ít nhưng cũng đỡ vì còn có sân để mà tranh, chứ bây giờ năm 2 phải chuyển lên cơ sở ở quận 10, chiều lại chỉ biết… ngồi tán dóc”.
Nhóm bạn Thanh Tuấn, Công Vương, ĐH Kinh tế TP.HCM vì niềm đam mê, hằng tuần đều rủ nhau dành dụm tiền góp vào để thuê sân đá bóng. Cứ một lần thuê khoảng 150.000 đến 200.000. Những sân bãi ở nhà thi đấu Phú Thọ, những sân cho thuê trước Trung tâm viễn thông Mobiphone, những sân đường Sư Vạn Hạnh (quận 10)… luôn là điểm đến của các bạn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vì tình trạng thiếu sân bãi không chỉ đối với một đối tượng riêng biệt nào nên thanh niên, trung niên, công nhân viên… đều đổ đến thuê sân. Vì thế, tình trạng thiếu sân “căng” hơn bao giờ hết. “Bây giờ có khi có tiền mà cũng chẳng thể thuê sân được, nhiều lúc mới 5 giờ sáng đã đến thuê nhưng cũng không còn sân trống vì người ta đã đặt cọc từ nhiều ngày trước”.
Khu vực công viên Gia Định (Gò Vấp) là nơi có sân bãi “chùa”, sân miễn phí. Chính vì thế mà SV, thanh niên từ nhiều nơi trong thành phố đổ về rất đông để giành sân nên luôn trong tình trạng “quá tải”, nhất là những ngày cuối tuần, từ tờ mờ sáng đến tối mịt đều đông đúc. Dù có gần chục khoản trống là sân bóng ở khu vực này, thế nhưng mỗi ngày với gần ba, bốn trăm thanh niên nên cũng không thể đáp ứng nổi. Cũng chính vì thế mà không ít cuộc cãi vã và ẩu đả đã diễn ra.
Đánh bài, nhậu để “giết” thời gian
“Vì không có sân để đá bóng, chơi thể thao nên tụi tớ chẳng biết làm gì cả, chỉ biết lập sòng chơi bài ăn tiền thôi”, Văn Hùng cho biết.
Không riêng gì Khánh, mà với nhiều SV khác cũng tìm đến bài bạc, xóc dĩa đỏ đen để “giết” thời gian rỗi buổi chiều mà vốn dĩ ngày trước các bạn đang quần tụ trên sân bóng.
Với các bạn Văn Hiệp, Đăng Khoa, Tấn Trường, ĐH Bách khoa TP.HCM thì lại tập trung ở các quán cóc ven đường cạnh Ký túc xá ĐH Bách khoa (quận 10) để nâng ly, cạn chén. “Thú thật tụi tớ chẳng biết làm gì khi rỗi rãi cả, muốn chơi bóng đá, thể thao mà không có sân thì biết làm gì bây giờ nên đành thay bằng nhậu, còn mấy đứa trong phòng đang “cày” game online”.
Đấy có thể chỉ là những lời ngụy biện cho thói xấu cờ bạc, nhậu nhẹt của một bộ phận SV, nhưng cũng cần nhìn nhận lại rằng, SV luôn khao khát chơi thể thao, thế nhưng chuyện thiếu sân bãi đã cản trở nhu cầu lành mạnh của các bạn, đã làm cho nhiều SV tìm đến những thói quen xấu có hại cho học tập.
Nguyễn Thanh Nam

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)