Sáng 16-4, tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, UBND tỉnh Gia Lai họp báo công bố tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm ngày thành lập tỉnh Gia Lai (24-5-1932/ 24-5-2022). Đây là sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của một tỉnh ở Tây Nguyên, được tổ chức từ ngày 19-5 đến 25-5-2022.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại cuộc họp
Tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch thông tin về tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm ngày thành lập tỉnh Gia Lai. Theo đó, để chào mừng 90 năm thành lập tỉnh, Gia Lai tổ chức một số hoạt động nổi bật như: Lễ kỉ niệm 90 năm ngày thành lập tỉnh Gia Lai, đón nhận và công bố di sản thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh; diễn đàn “Kết nối Tây Nguyên”; hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai; chương trình gặp gỡ Gia Lai – Nhật Bản năm 2022; hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên – Gia Lai và giao thương doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022…
“Thông qua các hoạt động nói trên, tỉnh Gia Lai hy vọng phát huy các thế mạnh về nguồn lực như đất đai, sản phẩm thế mạnh của Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng; đồng thời quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, từ đó thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh”, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch cho hay.
Đối với việc tăng cường sự kết nối với các tỉnh, thành và đặc biệt với TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai bày tỏ sự mong muốn kế thừa tinh thần kết nối giữa hai địa phương Gia Lai – TP.HCM từ các thế hệ đi trước. “Với tấm lòng thân thiện, cởi mở, Gia Lai mong muốn có thêm nhiều bạn bè đến tham quan, chia sẻ. Hiện tại, các sở, ngành tỉnh Gia Lai đang phối hợp tham mưu để tổng kết lại quá trình ký kết hợp tác, qua đó thúc đẩy phát triển hợp tác giữa Gia Lai và TP.HCM”.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, trong chiến lược phát triển của tỉnh Gia Lai sắp tới, tỉnh xác định bốn nhiệm vụ trọng tâm. Với thế mạnh về đất đai, cảnh quan, sinh thái và di tích lịch sử, văn hóa, tỉnh Gia Lai xác định trước tiên cần xây dựng nền nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ phát triển rừng.
Mặt khác, đối với sự thúc đẩy kết nối các tỉnh, thành, Gia Lai nhận thức các điểm nghẽn trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là tiêu thụ và chế biến sản phẩm. Do đó, rất cần đồng bộ đầu tư, kết nối hạ tầng để thúc đẩy việc này; đồng thời xác định xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực phát triển.
Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, tỉnh Gia Lai đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Trong đó, các cơ chế chính sách để nâng cao đời sống của nhân dân không ngừng được củng cố; hợp tác cấp địa phương cũng thường xuyên được tăng cường. Người Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung rất tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết sẽ từng bước phát triển du lịch bền vững, xây dựng nguồn nhân lực từ trong đội ngũ cán bộ, công chức, doanh nghiệp, người dân để có được nguồn lực trí tuệ thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.
N.Trinh
Bình luận (0)