Một sinh viên đang nói chuyện với du khách nước ngoài tại công viên trên đường Phạm Ngũ Lão |
Năm giờ chiều tôi và một anh bạn có mặt ở công viên trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM. Khoảng thời gian này có rất nhiều người đi tập thể dục. Dạo quanh công viên một vòng ta dễ dàng bắt gặp những tốp bạn trẻ đang đứng nói chuyện với những người nước ngoài.
“Tìm Tây” để học…
Quang, anh bạn đi cùng tôi cho biết: “Họ chính là những học sinh, sinh viên người Việt đến đây “săn Tây” để thực hành vốn ngoại ngữ của mình”. Tuấn, sinh viên năm 1 Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM cho biết, bạn ở KTX Trần Hưng Đạo, gần khu vực “Phố Tây” này nên rất siêng ra đây để thực hành vốn tiếng Anh của mình. Ngoài thời gian đi học thêm ở trung tâm, Tuấn thường dành ra ba buổi chiều để ra đây nói chuyện với người nước ngoài.
Tuấn chia sẻ: “Ban đầu ra đây mình mắc cỡ lắm và không cảm thấy tự tin khi trò chuyện với họ, nhưng dần dần mình cũng quen à! Đến bây giờ khả năng nghe và nói tiếng Anh của mình cũng tạm ổn”.
Không chỉ có Tuấn mà rất nhiều sinh viên khác cũng đến đây để tranh thủ luyện khả năng ngoại ngữ của mình. Tuấn kể lại: “Tuần trước có một nhóm sinh viên nữ Trường Cao đẳng Nghiệp vụ Du lịch Sài Gòn ra đây “săn” mấy anh chàng người Mỹ. Mấy cô “săn” hàng tuần mà không gặp được mấy anh chàng, nhưng cũng không chịu bỏ cuộc. Tối đến thường kéo vào khu Bùi Viện, Đề Thám để kiếm cho kỳ được. Cũng nhiều khi khách nước ngoài mới sang không khỏi hoảng sợ bởi sự đeo bám của mấy cô cậu học trò chỉ vì muốn được nói chuyện với người nước ngoài để nâng cao vốn ngoại ngữ cho mình”.
Không chỉ sinh viên, học sinh tìm đến đây học ngoại ngữ mà cánh tài xế taxi cũng tranh thủ những lúc vắng khách luyện thêm vài chiêu cho mình. Bởi vậy, ở khu “Phố Tây” này, chuyện những người bán hàng rong, những bác xe ôm hay những đứa trẻ bán vé số nói “tiếng Anh bồi” như gió không còn là điều lạ.
Buổi tối ở khu “Phố Tây”, có rất nhiều bạn trẻ cũng tìm đến đây để trau dồi thêm ngoại ngữ cho mình. Họ thường ngồi những quán cóc, uống vài chai bia và làm quen, trò chuyện qua lại với những vị khách nước ngoài một cách rôm rả.
Minh Hải, sinh viên năm 3 Khoa Nhân học, Trường Đại học KHXH-NV TP.HCM, Hải được bạn bè đặt cho biệt danh “thổ địa” ở khu “Phố Tây” này. Ngoài thời gian học thêm và đi làm, Hải thường đến đây tán gẫu với các bạn nước ngoài mà mình quen được. Cũng nhờ chịu khó tán gẫu mà khả năng ngoại ngữ của Hải tiến bộ một cách “khủng”. Cho đến nay Hải thông thạo bốn ngoại ngữ: Anh, Trung, Nhật, Hàn nhưng chàng trai này vẫn chưa hài lòng với mình. Hiện tại Hải đang theo học lớp tiếng Pháp ở Viện Trao đổi văn hóa Pháp – Việt Idécaf.
Làm thêm để học…
Theo chị Vân, chủ quán bia trên đường Bùi Viện cho biết: “Sinh viên đến đây học ngoại ngữ thì nhiều chứ còn làm thêm cũng ít”. Lân la làm quen với một chàng trai tiếp tân cho một nhà hàng ở đầu đường Bùi Viện, đó là Nguyễn Đức Quý, sinh viên năm 3, Khoa Quản lý Địa chất Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Quý kể lại, Quý làm ở đây được hai năm rồi, Quý vào đây làm là do có một người bạn giới thiệu. Cũng nhờ làm ở bộ phận đón và tư vấn cho khách nên kỹ năng giao tiếp tiếng Anh của Quý cũng khá thành thạo. Quý chia sẻ: “Trước đây mình học Anh văn rất dở, nhưng sau khi làm ở đây một thời gian khả năng giao tiếp của mình khá lên rất nhiều. Mình cũng đăng ký theo học ngữ pháp ở một trung tâm Anh ngữ. Vừa học, vừa thực hành nên vốn ngoại ngữ của mình tiến bộ rất nhanh. Tuy công việc có vất vả nhưng nó đã rèn luyện cho mình rất nhiều”.
Quý cũng đã được một công ty nước ngoài mời về làm việc với mức lương 300 USD/tháng nhưng anh chàng sinh viên này vẫn chưa cảm thấy hài lòng. Còn Hải – chàng “thổ địa” lại thường dẫn khách nước ngoài đi tour ngắn ngày. Với vai trò là hướng dẫn viên du lịch, chàng sinh viên này ngay từ năm 1 đã có thể tự trang trải chi phí đi học mà không cần nhờ đến sự viện trợ của gia đình. Cũng nhờ đi tour, kiến thức văn hóa nhân học của Hải có dịp được áp dụng rất nhiều.
Hiện nay Hải đang làm phó nhóm quản lý nhân viên phục vụ cho một nhà hàng khá “sành điệu” trên đường Hai Bà Trưng, Q.3. Công việc này đã tạo cho Hải có điều kiện thể hiện hết khả năng của mình.
Ở Sài Gòn có hai khu “Phố Tây”: một khu ở phường Bến Nghé và một khu ở phường Phạm Ngũ Lão. Nếu như khu “Phố Tây” phường Bến Nghé vốn chỉ dành cho những doanh nhân giàu có người nước ngoài thì khu “Phố Tây” phường Phạm Ngũ Lão là nơi tập trung rất nhiều thành phần: thương gia, người du lịch và đặc biệt người thất nghiệp tới đây “tị nạn” cũng không phải là ít. “Phố Tây” phường Phạm Ngũ Lão tập trung trên ba con phố chính: Phạm Ngũ Lão, Đề Thám và Bùi Viện. Ở đây có rất nhiều khách nước ngoài, họ đến từ đủ mọi nước trên thế giới, bởi vậy ngôn ngữ giao tiếp cũng rất đa dạng: từ tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Đức hay tiếng Nhật, tiếng Hàn… Chuyện người Tây học tiếng Việt, chuyện người Việt học tiếng Tây cũng là nét văn hóa rất đặc trưng của khu phố này.
|
Văn Tiệp
Bình luận (0)