Gia đình cố nhà giáo Nguyễn Thị Phước |
Lần đầu tiên trong đời tôi cầm bút viết về một người mình chưa từng được diện kiến. Bởi tôi chưa kịp gặp thì cát bụi đã mang bà về một chân trời xa xôi lắm rồi. Dẫu vậy, trên thế gian này, ngày ngày bà vẫn đi về trong nỗi nhớ của biết bao người ở lại, nhất là những lứa học trò…
Quả vậy, khi đến khu vực Gò Vấp, nhắc tên cô giáo Nguyễn Thị Phước (Trường Tiểu học Hanh Thông 5 hiện là Trường Tiểu học Trần Quốc Toản) ít ai mà không biết. Người dân ở đây còn quen gọi gia đình bà là “nhà bà giáo Chương” (Chương là tên của chồng cô Phước). Điều đặc biệt, cái tổ ấm nho nhỏ ấy lại có đến 5 thành viên gắn bó với nghề gõ đầu trò.
“Mẹ cũng là cô giáo”!
Tôi hình dung về cái “tập thể nhà giáo” ấy qua lời tâm tình của cô giáo Tôn Nữ Mai Anh (Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân – Gò Vấp). Trước kia, đó là một “lớp học tại gia” và 5 học trò nhỏ gọi cô là… mẹ! Có lẽ với 5 chị em “học trò” ấy, mẹ là cô giáo đặc biệt nhất trong cuộc đời.
Tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm (hiện là ĐH Sư phạm TP.HCM), cô giáo trẻ Nguyễn Thị Phước rời Sài thành mang con chữ về với các em thơ Trường Tiểu học Vũng Tàu. Học trò nơi đâu cũng đáng yêu và luôn cần bàn tay người dìu dắt. Vậy nên dù rất nhớ Sài Gòn, cô giáo Phước vẫn dành trọn tình thương cho các em và làm tròn trách nhiệm mỗi ngày đứng lớp. Thời gian sau, để gần gia đình, cô chuyển về giảng dạy tại Trường Tiểu học Xóm Củi (Q.8), rồi Trường Tiểu học Tân Định cũ (nay là Tiểu học Nguyễn Thái Sơn – Q.3) và dừng chân tại Trường Tiểu học Hanh Thông 5 (Tiểu học Trần Quốc Toản – Gò Vấp bây giờ). Thời gian theo đi cùng biết bao thăng trầm cuộc sống. Năm 1975, ông Vĩnh Chương, người chồng cô hết mực yêu thương qua đời khi cậu con trai út cũng mới chỉ lên ba. Chưa kịp nguôi ngoai nỗi mất mát vô ngần về tinh thần, cô giáo Phước biết mình phải đưa vai gánh vác gia đình, thay chồng làm chỗ dựa cho 5 mái đầu thơ bé. Cuộc sống kinh tế cũng bớt phần nào khó khăn khi gia đình được Nhà nước bao cấp gạo, vải… Nhưng, ngoài cô con gái đầu không may bị câm điếc, một “thân cò” nuôi đến 4 đứa con ăn học là chuyện không hề đơn giản. Vậy mà mấy ai ngờ, người phụ nữ nghị lực ấy lại nhận nuôi thêm cậu học trò Phan Văn Hoàng cho đến khi Hoàng tốt nghiệp đại học. Thêm một đứa con nghĩa là thêm tình thương và trách nhiệm. Nhưng người mẹ ấy đã không để thành viên nào trong gia đình phải thiệt thòi. Có những khi, cuộc sống khó khăn quá, cô Phước phải một buổi đi dạy, một buổi chạy xe đi bỏ hàng cho người ta để kiếm thêm thu nhập. Chị Mai Anh xúc động kể: “Dù công việc cực nhọc, tết nào mẹ tôi cũng không quên dành thời gian tự tay may áo cho mấy chị em. Có năm bận quá, đến tận đêm 30 mẹ vẫn miệt mài với từng đường chỉ. Mẹ muốn con cái mình luôn được vui trong thời khắc đầu năm mới…”. Cậu bé Phan Văn Hoàng ngày nào giờ đã trở thành kỹ sư điện, công tác tại Công ty Thiết bị điện 4 (TP. Biên Hòa). Không nói nhưng hẳn người mẹ nuôi ấy đã hạnh phúc đến nhường nào trước sự thành đạt của đứa con bà coi như khúc ruột này.
Tre già măng mọc…
Cố nhà giáo Nguyễn Thị Phước |
Ngày nay, học trò và đồng nghiệp vẫn hay nhắc đến cô giáo Phước với dáng người dịu dàng trong bộ bà ba và những bài giảng đầy lôi cuốn. Bà ra đi sau 7 năm chiến đấu không ngừng với căn bệnh xơ gan. Và “nghề giáo” là tài sản quý giá nhất bà đã “di chúc” lại cho con cái.
5 người con ruột, có đến 4 người nối nghiệp nhà giáo. Chị Tôn Nữ Thùy Anh dạy Trường Tiểu học Hanh Thông, từng đoạt giải Ngọn nến sáng tạo do Báo Giáo Dục tổ chức. Người con gái kế tiếp Trâm Anh cũng giảng dạy tại Hóc Môn cho đến thời điểm lập gia đình. Cô giáo Mai Anh hiện đang ngày ngày miệt mài cùng học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (Gò Vấp). Cậu em trai út Bảo Danh cũng “xuất thân” từ Trường ĐH Sư phạm. Chị Mai Anh chia sẻ: “Ban đầu tôi không thích nghề sư phạm. Tốt nghiệp trung học phổ thông, để đỡ đần một phần kinh tế gia đình, tôi tham gia xí nghiệp may tổ hợp tại quận 3. Công việc hơi cực, những thời điểm tăng ca, phải liên tục đạp xe đi sớm về khuya, mẹ khuyên tôi thôi làm, hướng sang học sư phạm”. Chị bắt đầu nghiệp giáo từ đó. Thật ra, bước đi của chị cũng chỉ là sự tiếp nối truyền thống dạy học của gia đình. Ông ngoại chị có thâm niên trong lĩnh vực giáo dục, dạy cấp 2 nhưng rành cả tiếng Hoa và tiếng Pháp. Hai trong 6 người con ông là liệt sĩ. 4 thành viên còn lại có 2 người nối nghiệp nghề giáo. Cô Phước là con gái nên được ông rèn cho không chỉ học thức mà cả nữ công gia chánh. Ông hướng con gái theo nghề giáo chỉ bởi một lẽ đơn giản sau này có “vốn” dạy lại cho con. Mẹ chị từng lớn lên bằng những buổi tối được cha “khảo bài” trước khi đi ngủ. Chị và các thành viên khác cũng được thụ hưởng cách giáo dục độc đáo đó từ người mẹ hiền.
Giờ, khoảng thời gian đứng lớp tuy chưa phải quá dài nhưng đủ để chị Mai Anh gắn bó với phấn bảng và từng gương mặt học trò. Học trò của chị có em đậu đến 3 trường đại học. Với những người làm nghề “đưa đò”, điều đó còn hạnh phúc nào hơn… Chị tâm niệm đem hết nhiệt tình và thương yêu cho các em, bởi đó không chỉ là niềm vui mà còn vì tin tưởng là thầy cô khác cũng sẽ dành món quà tri thức tốt đẹp như vậy cho hai con chị. Bé Quang Huy (con trai đầu chị) mấy năm qua đều đạt học sinh giỏi. Hàng xóm thân thuộc mỗi lần nhìn Huy lại nhớ đến cô giáo Phước bởi Huy sở hữu khuôn mặt và bàn tay giống hệt ngoại.
Hẳn nhiều thời gian sau, người ta vẫn còn nhắc nhớ một “nhà bà giáo Chương” đặc biệt như vậy…
MÊ TÂM
Bình luận (0)