Bài 1: Những năm tháng không quên
Nhà giáo Nguyễn Minh Mẫn đang kể lại phong trào đấu tranh của sinh viên Sài Gòn trước 1975 |
Dù lịch sử đã lùi xa hơn nửa thế kỷ nhưng khi nhắc đến không khí đấu tranh của phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ trong trí nhớ của ông vẫn không phai mờ những câu chuyện một thời xuống đường đấu tranh theo tiếng gọi của Tổ quốc. Ông là Nguyễn Minh Mẫn – cựu giáo viên quận Phú Nhuận.
Đám tang anh Trần Văn Ơn
Năm 1944 đang theo học Trường TH Tân Định, Q.3 cậu bé Mẫn phải theo gia đình về quê nội làng Cái Thia, Cái Bè, Tiền Giang sơ tán. Hai năm sau Pháp tái chiếm Tiền Giang, Mẫn lại chạy ngược về Sài Gòn học tiếp Trường tư thục La-phông-ten. Từng chứng kiến cảnh bom đạn của phát xít Nhật và thực dân Pháp tàn phá xóm làng, trường học, Mẫn càng hiểu thế nào là nỗi đau của người dân mất nước, nỗi khổ vì loạn lạc chiến tranh. Cứ như thế ngọn lửa yêu Tổ quốc, yêu đồng bào cứ nhen nhóm dần trong lồng ngực chàng trai xóm nghèo chợ Tân Định. Và rồi khi bước chân vào học Trường Việt Nam Học đường (đường Trần Quang Khải – Q.1) Nguyễn Minh Mẫn bắt đầu tình nguyện tham gia vào một số hoạt động xã hội. Những đợt đi cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt càng giúp anh biết thêm nỗi khổ của người dân lao động và hiểu hơn phong trào đấu tranh của người dân đô thị. Đây cũng là dịp anh cùng bạn bè đến nhiều nơi để giải thích cho nhân dân hiểu hơn về nội dung Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái trong đồng bào. Tuy hơi vất vả và có phần nguy hiểm nhưng Mẫn coi đó là niềm vui và trách nhiệm của người thanh niên thời đại. Khi trở thành anh sinh viên Trường Đại học Khoa học Sài Gòn Mẫn không chỉ lớn khôn về tri thức mà còn trưởng thành hơn về nhận thức chính trị để sau đó tham gia vào tổ chức bảo vệ hòa bình của nhà trường. Ông Mẫn nhớ lại, những năm 1959 – 1960 là thời kỳ khó khăn nhất của phong trào cách mạng miền Nam nhất là sau khi Luật 10/59 của chế độ Mỹ Diệm ra đời thế nhưng đây cũng là thời kỳ chuẩn bị thành lập tổ chức Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nên tại các trường học phong trào đấu tranh của nhiều nhóm sinh viên cũng dần được nhen nhóm lại.
Suốt quãng đời đi học ông Nguyễn Minh Mẫn không còn nhớ mình đã tham gia bao nhiêu cuộc biểu tình, bao nhiêu lần xuống đường nhưng có một đôi lần thì không thể phải mờ trong tâm trí ông cho dù đã tuổi cao sức yếu. Cuộc biểu tình đầu tiên trong cuộc đời ông là đi đám tang anh Trần Văn Ơn sau ngày 9-1-1950. Ông kể lại rất rành mạch: “Năm đó tôi chỉ mới 12 tuổi đang học lớp cuối của Trường TH Tân Định (Trường TH Nguyễn Thái Sơn bây giờ). Nghe lời thầy hướng dẫn 5 giờ sáng học sinh các lớp đã có mặt đầy đủ tại sân trường, ai cũng mặc đồ trắng đeo phù hiệu chỉnh tề. Tất cả đi bộ xuống trung tâm Sài Gòn, đoàn biểu tình càng đi càng dài thêm và càng dài càng đông mãi. Hôm đó không chỉ trường học bãi khóa mà nhiều nơi khác cũng đình công, bãi thị. Trên đường không thấy xe xích lô, thổ mộ chạy như trước, chợ không họp vắng kẻ bán người mua. Đến trước chợ Bến Thành tôi thấy đoàn người từ các nơi khác như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh và cả Long An kéo về rất đông”. Theo lời kể của ông, đám tang anh Trần Văn Ơn năm đó đã làm cho địch một lần khiếp vía và tinh thần đấu tranh chính trị của nhân dân đặc biệt là học sinh sinh viên như lửa được đổ thêm dầu cứ thế mà dâng cao.
Những câu chuyện xuống đường
Cũng trong những năm tháng còn đi học, cậu học trò Trường TH Tân Định đã tham gia các hoạt động văn nghệ của nhà trường mà dấu ấn sâu đậm nhất là Mẫn đứng hát trong dân đồng ca hoạt cảnh Hội nghị Diên Hồng. Ông thích thú kể cho tôi nghe một câu chuyện trong những lần tập dượt văn nghệ. Trong lời bài hát Hội nghị Diên Hồng có đoạn: “Trông quân Nguyên dày xéo nước non nhà…” thế mà có lần đang tập dượt ông buột miệng sửa thành: “Trông quân Tây dày xéo nước non nhà…” liền bị thầy giáo dạy nhạc xách tai lên nhưng Mẫn biết trong thâm tâm thầy cũng khoái lắm. Từ những bài ca như thế mà hào khí dân tộc và lòng yêu nước khơi dậy trong từng học sinh lúc nào không hay.
Một câu chuyện khác đã giúp cho tôi hình dung rõ hơn về không khí đấu tranh thời trai trẻ của ông trong những cuộc xuống đường: “Một lần đang giảng bài cho sinh viên bỗng nghe tiếng bom nổ ở phía Củ Chi, TS. Trần Kim Thạch bực bội ném cục phấn xuống đất thở dài: “Chiến tranh bom đạn như thế thì làm sao mà học được” thế là như giọt nước làm tràn ly anh em sinh viên đứng dậy hưởng ứng và hô hào. Cả lớp rủ nhau xuống đường, viết vẽ các biểu ngữ: “Yêu cầu trả quyền tự quyết cho dân tộc Việt Nam”, “Bọn đế quốc hãy rút quân về nước”, “Đả đảo chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm”… Như ngọn sóng trào lớp sau dội vào lớp trước, các sinh viên khoa khác cũng chờ dịp xuống biểu tình. Khi Ban giám hiệu nhà trường ra và 7 chiếc xe của Tổng nha cảnh sát kéo đến nhiều anh em đứng lên kiến nghị một số yêu cầu như bãi bỏ kỳ thi dự bị y khoa, những ai tốt nghiệp tú tài có quyền vào học các lớp đó; yêu cầu Mỹ rút quân về nước. Một số người ném tập vở, xé bài thi than vãn hoàn cảnh chiến tranh như thế này sinh viên không thể an tâm học tập được, tương lai phía trước vô cùng mờ mịt…”. Theo ông Mẫn những cuộc bãi khóa như vậy tuy manh động nhưng “tức nước thì vỡ bờ” do dồn nén từ lâu trong sinh viên và cả một số giáo sư, giảng sư tiến bộ khi có cơ hội là bột phát ra ngoài. Những lần biểu tình đó do sinh viên chỉ có tay không nên bọn địch ít khi xả súng vào đám đông nhưng cũng có lúc bọn chúng phải sử dụng đến lựu đạn cay, thuốc ngứa, vôi bột ném vào người để tìm cách giải tán. Chính một vài lần đứng lên yêu cầu trước cuộc bãi khóa mà ông Mẫn ba lần bị địch theo dõi và tìm cách bắt nhưng lần nào ông cũng nhanh chân trốn thoát. Không những thế có lần ông đã dùng sức khỏe của một vận động viên điền kinh của Trường Đại học Khoa học (ông đã từng đoạt giải nhất điền kinh học sinh Nam bộ) để làm cho mấy tay mật thám tay sai phải “nốc-ao”. Ông kể hào hứng: “Khi hay tin chúng tôi bí mật ra mắt BCH Hội Sinh viên tại Trường Đại học Dược (đường Tôn Đức Thắng) thì một tổ chức khác phía địch đến giật micro đưa ra văn bản chính thức do Nguyễn Cao Kỳ ký, thế là nổ ra cuộc xô xát trong hội trường. Do yếu thế nên bọn chúng thua và tìm cách thoát ra ngoài gọi điện báo cảnh sát. Đúng như dự đoán khi ra cổng Đại học Dược, tôi và anh Lê Tuấn Kiệt (huyền đai đệ nhị) thấy phía bên kia đường có tên Tô Lai Chánh mới đi ra. Vừa gặp chúng tôi tên Chánh rất to khỏe đã “chơi”liền một cú đá song phi thế nhưng do chuẩn bị trước nên tôi nhanh tay ôm lấy chân vặn ngược lại làm nó ngã quỵ. Thừa dịp anh Kiệt chớp nhoáng ôm lấy đầu của nó cứ thế hai người xốc Chánh sang vào cổng trường cho anh em sinh viên đánh “hội đồng” tiếp. Hai đứa chúng tôi phải ném mắt kiếng, áo khoác bên ngoài và tìm cách bỏ chạy để tránh bị trả thù và sự truy lùng của cảnh sát”.
Phan Ngọc Quang
Bình luận (0)