Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Gặp gỡ con trai liệt sĩ Nguyễn Thị Diệu

Tạp Chí Giáo Dục

Trước mặt tôi là một Phạm Văn Nghiệp (ảnh) nhân hậu, điềm tĩnh, ăn mặc giản dị và cũng rất… thanh niên so với cái tuổi 55 của ông. Dáng người nhỏ nhắn, gương mặt sáng, đôi mắt trong trẻo và nụ cười dễ mến luôn hiện hữu trên môi.
Ông bụt của học sinh nghèo
Ông Phạm Văn Nghiệp là con trai duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Thị Diệu. Hiện ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty cố vấn tài chính xây dựng tại Mỹ. Xa quê hương từ năm 1975 mãi đến năm 2001 ông mới về nước. Ông Nghiệp cho biết: “Ngày trở về tôi thấy đất nước Việt Nam còn nhiều khó khăn, bao cảnh đời cơ cực, nhiều trẻ em không được đến trường. Tôi muốn làm một điều gì đó có ích cho xã hội. Những việc tôi đã và đang làm là để trả ơn cho quê hương, cho những người đã dày công nuôi nấng, dạy dỗ tôi nên người”.
Bắt đầu công việc từ thiện tại Việt Nam, học bổng mang tên mẹ ông dành cho học sinh nghèo hiếu học tại Trường THPT Nguyễn Thị Diệu. Ra đời từ năm 2001 đến nay, học bổng Nguyễn Thị Diệu đã trao 155 suất (trị giá 750.000 đồng/ suất). Chuyến về thăm quê mẹ lần này, ông Nghiệp cũng cho biết, năm học tới chương trình học bổng Nguyễn Thị Diệu sẽ đến với HS nghèo vượt khó học giỏi của huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, quê hương của mẹ ông.  Nhờ vào tấm lòng hảo tâm của ông Nghiệp mà những em có hoàn cảnh khó khăn tưởng như không thể đến trường được đã không những tiếp tục học mà còn đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Từ đó đến nay, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 ông lại thu xếp về nước để trao học bổng, thắp hương cho cha mẹ. Sau đó, ông trở về Mỹ đúng vào ngày lễ tạ ơn.
Hiện nay, ông đang gấp rút triển khai chương trình Nha khoa học đường phục vụ khám và điều trị miễn phí cho HS. Trước mắt sẽ có 4 phòng nha đặt tại 2 địa điểm, trường mang tên mẹ ông và trường nơi mẹ ông đã từng dạy học. Ngoài chương trình học bổng Nguyễn Thị Diệu, ông còn dành nhiều thời gian, tiền bạc để giúp đỡ trẻ mồ côi tại nhà tình thương Diệu Giác (quận 2). Thời gian tới, ông sẽ về quê mẹ Quảng Ngãi thành lập nhà từ đường họ Nguyễn.
“Vì tôi là người Việt”
Ông Nghiệp có hai con trai. Con đầu, TS. Phạm Anh Tuấn, 28 tuổi đang theo học chương trình tiến sĩ ở trường University of California – San Francisco (trường đào tạo từ bậc cao học trở lên và là một trường chuyên nghiên cứu về lĩnh vực y khoa và có liên quan đến những ngành khoa học tiên tiến. Đây là chương trình chỉ nhận từ 7-10 người/ năm và được Chính phủ Mỹ tài trợ tất cả chi phí nghiên cứu trong thời gian học). Con út Phạm Tuấn Lee hiện cũng đang theo học năm cuối chuyên ngành kế toán tại Trường ĐH Stanford, Mỹ, đây cũng là ngành mà ông Nghiệp đã từng học sau năm 1975.
Những câu chuyện cảm động về những mảnh đời nghèo khó ở Việt Nam ngày càng nhiều lên trong “bộ sưu tập những mảnh đời” của ông Nghiệp. “Tôi thường xuyên nắm bắt, theo dõi thông tin và làm những gì mình có thể để giúp đỡ người nghèo khó, đặc biệt là HS nghèo hiếu học. Người Việt vốn yêu thương, đùm bọc, biết sẻ chia trong cơn hoạn nạn, tôi tự hào mình là người Việt Nam”, ông Nghiệp tâm sự.
“Tôi rất tự hào với các con vì được học hai ngôi trường nổi tiếng ở Sài Gòn, trong đó có một trường ngày xưa mẹ tôi học đó là Trường Marie Curie. Lần đầu đưa hai con về thăm quê hương, hai con tôi thất vọng vì những ngôi trường mà cha từng kể nay đã xuống cấp, từng mảng tường rào bao quanh bị rêu phong, cảnh quan nhếch nhác… Tôi cũng có cảm giác thất vọng vì cảnh ngôi trường ngược lại hoàn toàn với những kỷ niệm đẹp thời cắp sách đến trường của tôi”. Ngồi lặng hồi lâu, giọng ông buồn, chậm rãi: “Tôi rất tiếc vì khoảng thời gian tôi xa quê quá dài nên mất liên lạc với thầy cô, bạn bè. Bây giờ mỗi người một phương, cũng có thể nhiều người ra đi xuống trước đó mà mình không hay”.
Trần Trọng Tri
Sau khi Hiệp định Genève được ký kết (1954), bà Nguyễn Thị Diệu tham gia hoạt động vừa bí mật vừa bán công khai. Bà được phân công tham gia hoạt động trong tổ chức Hội Phụ nữ Việt Nam. Về mặt công khai, bà là giáo viên dạy học ở Trường Tư thục Nữ trung học Đức Trí, quận 1, Sài Gòn. Ngày 6-7-1955, trên đường đi đến trường dạy học, bà đã bị tay sai của chính quyền Ngô Đình Diệm lén lút bắt. Chúng tra tấn bà rất dã man hòng khai thác cơ sở cách mạng nhưng bà vẫn giữ được khí tiết của một người cán bộ trung kiên đến giây phút cuối cùng. Không khai thác được gì ở bà, chúng đã hèn hạ thủ tiêu, khi ấy bà đang mang thai 3 tháng. Bà hy sinh năm 30 tuổi, để lại cho chồng 3 người con (hai gái, một trai), hiện nay đang sống ở nước ngoài.

Bình luận (0)