Hội nghị lần thứ 2 BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa X diễn ra ngày 30-12 tại Hà Nội vào thời điểm cuối năm, lại trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn nên đã xới lên nhiều vấn đề liên quan đến lao động việc làm, tiền lương.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, năm 2008, do tác động của lạm phát, nhiều doanh nghiệp (DN) làm ăn thua lỗ, phải thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, phá sản nên vấn đề bảo đảm việc làm cho người lao động (NLĐ) ở nhiều ngành, địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong thời điểm những tháng cuối năm 2008.
Vì vậy, năm 2008 tuy có khoảng 50.000 DN được thành lập mới, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động, cũng đã có trên 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài và các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất thu hút thêm hàng chục vạn lao động, nhưng tình hình lao động mất việc làm đang đặt ra hết sức cấp bách.
Theo Bộ LĐTB-XH, hiện thời đã có trên 22.000 lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế. Tình hình này dự kiến còn kéo dài trong năm 2009.
Cũng do khó khăn nên năm 2008, thu nhập tiền lương bình quân của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính sự nghiệp tương đối ổn định nhưng vẫn ở mức thấp, với khoảng 1,8 – 2 triệu đồng/người/tháng.
Vấn đề nhà ở cho công nhân viên chức lao động tiếp tục là nỗi bức xúc lớn. Cả nước hiện có tới 185 KCN-KCX với khoảng gần 1,1 triệu lao động đang làm việc, trong đó 70% – 80% lao động có nhu cầu thuê nhà ở. Nhưng các khu nhà ở tập trung được xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước và DN mới chỉ đáp ứng 7% – 10%.
Vì thực tế cuộc sống như vậy, chủ DN lại vi phạm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của NLĐ, NLĐ không tìm được các giải pháp hỗ trợ thiết thực nên đã tìm cách đình công, ngừng việc tập thể để đòi quyền lợi.
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, chỉ tính hết tháng 11-2008, cả nước đã xảy ra 755 cuộc đình công tự phát của công nhân lao động. TPHCM là nơi có nhiều đình công nhất với 181 cuộc. Hầu hết các cuộc đình công xảy ra ở DN có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 78%).
Để giải quyết điều này, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ từ Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế này cũng đang đặt ra yêu cầu đối với hệ thống công đoàn, vì rõ ràng nhiều nơi công đoàn chưa làm tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích cho NLĐ.
Trao đổi với PV Báo SGGP, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho biết, trước mắt, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ yêu cầu công đoàn các cấp kịp thời và thường xuyên nắm vững tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động ở những địa bàn trọng điểm và DN có đông công nhân lao động, nhất là thời gian trước và sau Tết Nguyên đán.
“Chúng tôi sẽ chủ động đề xuất, kiến nghị với người sử dụng lao động và các cơ quan chức năng nhằm hạn chế và giải quyết kịp thời tranh chấp lao động, đình công tự phát làm ảnh hướng tới việc làm, đời sống NLĐ. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, vấn đề phải hướng tới là bảo đảm hài hòa lợi ích của công nhân lao động, người sử dụng lao động và nhà nước”, ông Tùng nói.
QUANG PHƯƠNG (Theo SGGP)
Bình luận (0)