Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giải thưởng Công dân trẻ TPHCM năm 2008: Tôn vinh những tấm gương bình dị

Tạp Chí Giáo Dục

Năm nay là năm thứ ba, Thành đoàn TNCS TPHCM tổ chức xét trao giải thưởng Công dân trẻ nhằm phát hiện và nhân rộng những điển hình tiên tiến trong tuổi trẻ TP. 5 thanh niên tiêu biểu nhận giải năm nay không phải là những người nổi tiếng, đạt được nhiều giải thưởng trong các hội thi nhưng là những tấm gương bình dị và tỏa sáng giữa đời thường.


Thầy giáo Trần Tuấn Anh cùng những bức ảnh – học cụ sinh động trong giờ giảng môn Giáo dục công dân. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Đó là một cô gái bé nhỏ nhưng có nét mặt đầy nghị lực. Trần Mai Thúy Hồng nguyên là vận động viên Judo từng đoạt huy chương đồng Giải vô địch Đông Nam Á năm 1998. Giải nghệ, Thúy Hồng trở thành sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM ngành giáo dục thể chất.

Năm 2003, sau khi được Phòng Thể dục thể thao quận Tân Bình cử sang Malaysia học một khóa ngắn hạn về phương pháp giảng dạy và phân loại thương tật cho các VĐV khiếm thị, Thúy Hồng bắt đầu ấp ủ dự định dạy Judo cho người khuyết tật. Từ ý tưởng của Đoàn TNCS Sở TDTT TPHCM về việc giảng dạy Judo cho người khiếm thị, Thúy Hồng đã nhiệt tình tham gia.

Dạy võ cho người lành lặn đã khó, đằng này là dạy võ cho người khiếm thị! Nhiều khi thầy dạy một đằng, học trò lại tập một nẻo nên Thúy Hồng phải lập sẵn một giáo trình “nói”: thực hiện động tác bằng lời nói và dùng tay uốn nắn từng động tác một cho học trò. Một thầy kèm một trò đã khó, đằng này lớp học của Thúy Hồng có lúc hơn chục học viên, có em vừa khiếm thị lại vừa mắc chứng động kinh, điếc và có cả những em bị thiểu năng trí tuệ (bệnh down) cũng tìm đến học.

Hàng ngày, sau giờ làm việc hành chính ở Sở TDTT TP, Thúy Hồng lại phóng xe về Hội Người mù TPHCM mải miết tập luyện với những học trò đặc biệt của mình. Thật bất ngờ, từ lớp Judo dành cho trẻ khiếm thị, học viên Triệu Thị Nhỏi đã nhận được tấm vé dự Thế vận hội Bắc Kinh 2008 dành cho người khuyết tật.

Thúy Hồng tâm sự: “Tôi chỉ mong muốn góp một phần sức lực nhỏ nhoi của mình giúp các em hòa nhập vào cuộc sống, hòa nhập vào xã hội”. Đó không chỉ là niềm vui của những người thiếu may mắn trong lớp học mà còn là “niềm vui” của cô giáo Thúy Hồng, người đã ròng rã 4 năm trời đem niềm vui nhỏ bé đến cho những người thiếu may mắn.

Cũng là một giáo viên với nhiều năm đứng trên bục giảng, thầy giáo Trần Tuấn Anh (Trường THCS Bạch Đằng, quận 3) lại ấp ủ một dự định tưởng dễ mà khó. Đó là đưa môn giáo dục công dân, một môn học được cho là “khô khan, thiếu sinh động” trở thành một môn học gần gũi, có sức thu hút học sinh.

Từ ý tưởng đó, hàng tháng, thầy Tuấn Anh lại bỏ tiền túi chuẩn bị học cụ là những bức ảnh sinh động để minh họa bài giảng. Hôm có bài giảng về nếp sống giản dị, thầy Tuấn Anh sử dụng những tấm hình có cảnh trẻ em ăn xin, đánh giày đang sống vạ vật ngoài đường để minh họa. Hôm dạy bài học về “công cha, nghĩa mẹ”, thầy lại cặm cụi kiếm những tấm hình về các bà mẹ già nua, nhăn nheo bên gánh hàng rong, hình ảnh những ông bố đang gò lưng đạp ba gác với lưng áo ướt đẫm mồ hôi…

Chính những hình ảnh sinh động cộng với một giáo trình không nặng về hình thức mà bài giảng môn giáo dục công dân của thầy Trần Tuấn Anh có sức thu hút lạ thường. Nhiều em học sinh đã bật khóc khi nhìn thấy những tấm ảnh, khi nghe những lời giảng tình cảm của người thầy trẻ tuổi.

Không chỉ dừng lại ở đó, thầy Tuấn Anh còn ấp ủ một dự định mới. Anh tâm sự: “Sắp tới, tôi sẽ mời những nhân vật “người thật việc thật”, những tấm gương có sức lan tỏa trong xã hội để đến trò chuyện cùng các em trong giờ học. Chắc chắn, cách dạy học mới này sẽ thu hút các em hơn…”. Đưa những bài giảng môn giáo dục công dân vốn sơ cứng trở thành những câu chuyện từ cuộc sống là cách mà thầy giáo Trần Tuấn Anh đang thực hiện.

Với Thượng úy công an Lê Thanh Tâm, người góp phần vào việc khám phá nhiều chuyên án về ma túy trên địa bàn quận Bình Thạnh hay chị Nguyễn Thị Hoài Nam, cô gái duy nhất cùng với đoàn leo núi Việt Nam chinh phục đỉnh Everest, anh Nguyễn Ngọc Minh Thảo, người có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật tại Điện lực Tân Phú thì những việc đã làm của họ quá đỗi bình dị. Nhưng chính sự dũng cảm, không ngại khó vươn lên đã giúp họ tỏa sáng.

Ngày 23-12, Hội đồng bình chọn danh hiệu Công dân trẻ TPHCM năm 2008 đã bỏ phiếu bình chọn trao danh hiệu “Công dân trẻ TPHCM năm 2008” cho 5 điển hình tiêu biểu nhất. Đó là: Anh Trần Tuấn Anh (SN 1979), giáo viên trường THCS Bạch Đằng, quận 3; chị Nguyễn Thị Hoài Nam (SN 1980), biên tập viên Báo Tuổi Trẻ; anh Nguyễn Ngọc Minh Thảo (SN 1981), nhân viên Điện lực Tân Phú; chị Trần Mai Thúy Hồng (SN 1980), công tác tại Sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch TPHCM; Thượng úy Lê Thanh Tâm (SN 1979), Công an quận Bình Thạnh.

Chương trình lãnh đạo TPHCM gặp gỡ Công dân trẻ 2008 và lễ tuyên dương Công dân trẻ năm 2008 được tổ chức lúc 9 giờ ngày 1-1-2009 tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM.

THẠCH THẢO (Theo SGGP)

Bình luận (0)