Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Long thành cầm giả ca

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh trong phim Long thành cầm giả ca. Ảnh: Đ.B.S

Đây là bộ phim lịch sử mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội (đạo diễn Đào Bá Sơn, Hãng phim Giải phóng sản xuất với kinh phí 7 tỷ đồng) được xem là thành công nhất, để lại ấn tượng đẹp cho người xem bởi rất phong vị “thuần Việt”: từ tông màu nâu chủ đạo của ký ức nông thôn xa xưa đến trang phục của nhân vật đẹp nhưng không cầu kỳ tạo ra không khí thực sự của thời Chúa Trịnh Sâm khi bọn kiêu binh làm loạn, bối cảnh được chú ý dàn dựng công phu; lời thoại trong phim được chăm chút kỹ lưỡng, từ việc khéo léo trích dẫn khá phù hợp các bài thơ chữ Hán như Đói tửu, Tự thán, Mạn hứngVăn tế thập loại chúng sinh (chữ Nôm) của đại thi hào Nguyễn Du, Tỳ Bà Hành của thi hào Trung Quốc: Bạch Cư Dị… thông qua thoại nhân vật; phần âm nhạc do nhạc sĩ Quốc Trung thực hiện, sử dụng toàn bộ nhạc cụ dân tộc góp phần không nhỏ vào việc tạo dựng hồn Việt cho phim. Tác phẩm Long thành cầm giả ca của tác giả Văn Lê đã đoạt giải nhất trong cuộc thi sáng tác kịch bản chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội”. Kịch bản được lấy ý tưởng từ bài thơ cùng tên của Nguyễn Du khắc họa mối tình giữa nhà thơ Tố Như (Ngọc Ngoan) và người ca nữ nổi danh Cầm (Nhật Kim Anh) đất Thăng Long qua bao biến động thời cuộc. Đạo diễn Đào Bá Sơn đã cương quyết không đưa đoàn phim sang Trung Quốc để quay một số cảnh về quân Mãn Thanh mà muốn tạo ra cho phim một không khí cổ kính rất riêng của đất Bắc Hà xa xưa. Đặc biệt, bộ phimkhông có những màn chiến trận ngút trời, không có nhiều cảnh gươm đao nhưng vẫn làm lay động lòng người bởi bộ phim đã tạo ra một hồn cốt Thăng Long chân thực. Phim cũng không sa đà vào việc đi sâu mô tả lịch sử của một Thăng Long cổ kính trong giai đoạn cực kỳ biến động của loạn lạc, li tán nhiễu nhương dưới vương triều phong kiến Vua Lê – Chúa Trịnh mục nát mà chỉ dùng những sự kiện lịch sử này làm nền, tạo nên “cái cớ” để tập trung vào một mảng trong cuộc đời truân chuyên và tâm hồn đầy trắc ẩn trong mối tình giữa thi hào Tố Như cùng người ca nữ đất Thăng Long.
Bộ phim này được chọn chiếu buổi khai mạc những ngày phim Việt Nam kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội vào tối 1-10 tại Hà Nội và TP.HCM, sau đó sẽ đồng hành cùng bộ phim Trung úy tranh cử trong hạng mục “Phim truyện nhựa xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim quốc tế VNIFF lần thứ nhất vào tháng 10 tới.
L.Đắc Long

Bình luận (0)