Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những người “trị bụi”

Tạp Chí Giáo Dục

Công nhân đang thu gom bụi, bùn đất trên đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, TP.HCM

Những công nhân khoác trên mình bộ quần áo màu vàng cam, cầm chổi đứng lọt thỏm giữa hai làn xe phóng bạt mạng, có lúc màu áo vàng chỉ còn thấy lờ mờ trong cơn bão bụi. Tôi đã nhiều lần đồng hành với họ trên những nẻo đường…
Môi trường làm việc nguy hiểm
Chiếc xe ben lao với vận tốc cao rồi thắng gấp sau lưng một công nhân đang lúi húi gom bụi đường. Bác tài xế hạ cửa kiếng xuống, thò đầu ra ngoài quát như tát nước vào mặt anh công nhân: “Đ.M, mày muốn chết hả” rồi nhấn ga chạy tiếp. Thấy tôi trờ xe tới, anh công nhân bảo: “Chuyện thường ngày ấy mà, ngày nào không nghe tài xế chửi kể như ngày đó khó nuốt cơm”.
Anh công nhân nói trên tên Thành, làm việc ở Công ty Công trình giao thông Sài Gòn gần chục năm nay. Anh Thành cùng nhiều công nhân khác được công ty phân công đảm trách công việc quét dọn và thu gom bùn, đất ở tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè). Địa bàn này từ lâu là tâm điểm của bụi, trung bình mỗi ngày một công nhân phải quét và gom bụi khoảng 2 km đường. Anh Thành tâm sự: “Hơn một năm nay, xe ben từ các nơi kéo về khu vực này đổ bùn, đất ngày càng nhiều (đổ trộm) nên anh phải cực hơn. Ngày làm việc bắt đầu sớm hơn, nghỉ cũng trễ hơn, nhiều lúc chỉ nghỉ một tiếng để ăn trưa may ra mới xong việc”.
Phía bên kia đường, nhóm ba công nhân đang tất bật quét, gom bụi và đẩy xe cút kít đi đổ. Đống bụi vừa gom lại, chưa kịp hốt đi thì một chiếc xe ben phóng vù qua cuốn bụi bay mù trời, coi như công sức các anh nãy giờ thành công cốc. Anh Xuân vừa đẩy xe cút kít vừa lắc đầu, nói như mách: “Anh thấy đó, cứ như vậy thì làm sao chịu nổi, có khi vừa thu gom xong quay lại thì thấy nguyên một đống bùn hoặc đất vương vãi”.
Dưới cái nắng như đổ lửa, tiếng còi xe inh ỏi, tiếng động cơ xe ùn ùn nghe chát chúa càng làm không khí thêm ngột ngạt, khó thở. Anh Thành í ới gọi anh em nghỉ tay để lấy lại sức. Vào vỉa hè, anh Thành lệnh cho Dũng (sau này mới biết là con trai của anh) đến chỗ người đang chặt lá dừa nước xin vài tàu lá để che nắng. Dăm phút sau, Dũng trở lại kéo theo mấy tàu lá dừa tươi rói, như bắt được vàng, anh em mỗi người cầm một tàu vội vàng với đủ kiểu trốn nắng.
Cái nắng nóng rát da không làm các công nhân ngán ngại, những “hung thần xa lộ” mới là đáng ngại nhất, kế đến là nỗi lo bị đá dăm bắn vào người.
“Hạt bụi” trong mắt người
Qua khe lá, từng ánh nắng vàng vọt chiếu xuống chỗ các anh ngồi, những tiếng nói cười đon đả như để xua tan bao mệt nhọc, tôi cũng vui lây. Chưa đầy 10 phút, các anh lại phải tất tả vào việc, tôi nhận thấy ở các anh có một ý thức trách nhiệm cao với công việc nhưng dường như cái mà các anh nhận được còn ít ỏi lắm.
Sở dĩ tôi nói cái các anh nhận được ít ỏi là vì các anh làm việc không ngại nắng mưa, thậm chí quên cả bản thân mình nhưng những chuyện mà các anh gặp phải (tuy là chuyện vặt do người đi đường thiếu ý thức) cũng đủ làm con người ta bỏ việc. Nhưng với các anh, không có lý nào các anh phải cam chịu những lời lẽ xúc phạm, chửi mắng vô cớ của người đi đường nhưng có thể nói đó là tố chất của người làm công việc này. Anh Thành chia sẻ: “Không ít lần mải mê công việc, vô tình xoay cán chổi hướng ra đường hay lùi một bước ra ngoài thì bị người đi đường (đi xe máy, xe tải…) chửi mắng. Không phải vì mình có lỗi mà im lặng nhưng một điều nhịn chín điều lành, ở đời gieo gì thì gặt nấy, mình cứ làm tốt công việc của mình hơi sức đâu mà đôi co với người ta”.
Vốn nóng nảy, cộng với áp lực công việc mà mới đây anh Xuân đã đụng độ với người đi đường cũng chỉ vì va quẹt nhẹ khi đang đẩy xe cút kít đi đổ đất. Anh Xuân kể lại: “Tôi muốn “dạy” nó (tức người va quẹt với anh – PV) một bài học đừng có ức hiếp người khác nhưng bữa ấy mệt vì đói, nắng gắt khiến mình nóng nảy hơn không kiềm chế được nên tôi dùng chiếc xe cút kít húc mạnh vào chân nó. Công ty biết chuyện nhưng chỉ xử lý nhẹ vì hiểu được công việc làm của anh em khó khăn như thế nào”. Dũng thì có vẻ hung hăng hơn, phán: “Chú chứ gặp con là nó khỏi về nhà luôn, cho nó vô viện nằm mấy ngày cho chừa cái thói bắt nạt người khác, có bị mất việc cũng vui”. Mà cũng phải, chỉ hơn một tiếng đồng hồ theo chân các anh nhưng tôi đã bắt gặp hình ảnh người đi đường nhìn trợn mắt người quét và gom bụi, đất trên đường, nhất là những lúc đang quét gặp gió thổi mạnh làm bụi tung mù mịt.
Màu áo vàng cam của công nhân cầu đường là hình ảnh quen thuộc, làm sạch môi trường nhưng người đi đường, không phải ai cũng biết quý mến họ, tôn trọng công việc mà họ đang làm. Anh Xuân không giấu được nỗi ưu tư đang chất chứa trong lòng, anh thổ lộ: “Thời gian trước con gái tôi ngày nào đi học về cũng khóc vì bạn bè dè bỉu, xa lánh cũng chỉ vì “Bố nó làm nghề quét đường”. Mặc dù đó là những câu nói thiếu suy nghĩ của trẻ con nhưng nghe vậy mình cũng chạnh lòng. Tôi ra sức khuyên bảo cháu cố gắng học hành thì bạn bè sẽ gần gũi con mà thôi. Lần tôi ứa nước mắt khi cháu mang về khoe bài văn đạt điểm 9, bài văn nói về công việc quét đường của tôi, một người cha quét đường nuôi mẹ già và ba con nhỏ đến trường”.
Trần Trọng Tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)