Trong năm 2009, TPHCM sẽ sử dụng 36.000 tỷ đồng từ ngân sách và các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông; trong đó có hàng loạt công trình quy mô lớn được khởi công.
Trong số 37 công trình khởi công trong năm 2009 thì lớn nhất là dự án xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám sau nhiều năm gián đoạn vì các thủ tục, quy chuẩn cũng sẽ được khởi công trong năm nay.
Ngoài ra, trong năm 2009 cũng khởi công xây dựng nhiều cây cầu lớn như cầu Sài Gòn 2, 2 cây cầu Rạch Chiếc, mở rộng quốc lộ 13, mở rộng Xa lộ Hà Nội, khởi công xây dựng lại đường liên cảng A5…
Tại Hội nghị Tổng kết khối giao thông bộ tổ chức ngày 30/12, ông Bùi Xuân Cường- Trưởng phòng Quản lý giao thông Sở Giao thông Vận tải, cho rằng: “Hiện nay, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật vẫn là nguyên nhân chính làm chậm tiến độ các công trình giao thông”.
Đơn cử các dự án kéo dài tiến độ, nhiều lần bị nhân dân phản ảnh trong năm qua như nút giao thông Gò Dưa, hầm vượt Trường Sơn, mở rộng đường Lê Trọng Tấn, Phạm Văn Bạch, Tỉnh lộ 15… đều do chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng. Thậm chí, nhiều công trình phải ngưng thi công chờ mặt bằng, nhiều công trình có nguy cơ không thể khởi công đúng tiến độ do chưa giải phóng được mặt bằng.
Ngoài ra, năng lực tài chính và quản lý yếu kém của nhiều chủ đầu tư cũng là một trong những nguyên nhân lớn gây nên sự chậm trễ. Trong năm qua, nhiều nhà thầu thi công gặp phải khó khăn về tài chính; các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát thì năng lực hạn chế cũng làm chậm tin độ thực hiện các dự án. Lực lượng cán bộ làm công tác quản lý đầu tư trình độ cũng chưa theo kịp yêu cầu điều hành, quản lý.
Việc giá cả vật tư nguyên liệu biến động nhiều lần cũng khiến công tác thi công chậm trễ do phải duyệt lại dự toán, điều chỉnh dự toán, bù giá chênh lệch…; nhiều công trình phải điều chỉnh giá gói thầu, phải tổ chức đấu thầu nhiều lần, có khi không chọn được nhà thầu.
Cũng tại hội nghị này, ông Bùi Xuân Cường cho biết: “Trong năm qua, Chính phủ có chính sách bù giá chênh lệch do giá vật liệu tăng cao. Nay giá vật liệu đã có xu hướng giảm nhiều nên sắp tới Chính phủ sẽ xem xét lại chính sách bù giá để tránh thất thoát ngân sách”.
Tùng Nguyên (dantri.com.vn)
Bình luận (0)