Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những “đứa con” của gia đình K33

Tạp Chí Giáo Dục

Đoàn K33 kỷ niệm 45 năm vượt Trường Sơn (năm 2009)

Cách đây đúng 45 năm, ở miền Bắc có một đoàn cán bộ Đảng – dân – chính được gấp rút thành lập theo chỉ thị của TW Đảng. Đoàn cán bộ ấy đã bí mật lên vùng trung du Phú Thọ tham gia lớp huấn luyện để chuẩn bị hành quân vào Nam tăng thêm sức người sức của cho chiến trường.
Vượt Trường Sơn gieo chữ
Sau ngày ra đời, lớp học mang mật hiệu K33 và điểm tập kết là Trường BTCN Phú Thọ nằm trên một ngọn đồi dốc thoai thoải, có bóng cọ che mát những lối đi. Ngoài các buổi học chính trị, kỷ niệm đáng nhớ nhất của các tân binh K33 là những buổi tập luyện ngoài trời. Mang trên vai chiếc ba lô nặng đúng 30 kg, bên trong đựng đầy… gạch bất kể nam nữ ai cũng phải “nếm mùi” thử thách trước khi vượt Trường Sơn. Những đêm không trăng không sao nhưng cả đoàn quân cứ rầm rập hành quân làm náo nhiệt cả một khu đồi. Vài hôm sau, nhà thơ Tố Hữu đến thăm và đọc những câu thơ có sức động viên thật to lớn: “Đi đi non nước chờ anh đó/ Tiền tuyến cần thêm có hậu phương” (Tiễn bạn). Tổng bí thư BCH TW Đảng Lê Duẩn và phu nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch cũng đến tiễn đoàn với nhiều lời chúc tốt đẹp. Đúng Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12-1964, hơn 300 học viên chỉnh tề trong trang phục Quân giải phóng hát vang bài hát Giải phóng miền Nam nghiêm trang làm lễ xuất quân. Đứng trong hàng ngũ, những thầy cô giáo hôm qua còn trên bục giảng nhưng hôm nay nghe theo tiếng gọi của đất nước của quê hương miền Nam họ sẵn sàng hiến cả tuổi xuân cho Tổ quốc. Ông Đỗ Tấn Huỳnh nhớ lại: “Ngoài các lực lượng y tế, thể dục thể thao, nông nghiệp Bộ Giáo dục cũng huy động lực lượng giáo viên vào chiến trường. Cho nên đây là đoàn đi B đông nhất từ trước cho đến thời điểm đó”. Bên cạnh các thầy còn có nhiều cô giáo trẻ cũng hăm hở lên đường như cô Nguyễn Thị Ngọc Anh, Lê Bạch Cát, Hà Thị Hiệp, Phạm Thị Nắng… Nhiều cô vừa mới ra trường, có cô đã có gia đình, con nhỏ nhưng đối với họ khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến” luôn nung nấu trong người. Đặc biệt trong đoàn có thầy Nguyễn Văn Quang và Nguyễn Văn Túc (nhà báo Đinh Phong) là hai anh em ruột.
 Ông Huỳnh tính nhẩm, trừ những ngày nghỉ đoàn đã mất 64 ngày đi bộ liên tục mới đến được trạm cuối cùng ở Tây Ninh. Vượt hàng trăm ngọn núi cao và lội hàng trăm dòng suối sâu với biết bao gian khổ nhưng tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” của thầy cô thì không gì khuất phục được. Nhiều hôm hết gạo phải đào củ mì ăn thay cơm. Nhiều người bị sốt rét rừng quật ngã nhưng rồi khi bình phục họ lại xốc ba lô lên vai, chân đạp đá tai mèo mà đi như chưa có gì xảy ra.
Viết tiếp bản anh hùng ca
Xuất thân từ giáo viên nhưng khi vào đến chiến trường không phải ai cũng được đứng trên bục giảng. Đảng phân công gì họ làm nấy. Đa số làm cán bộ tuyên huấn, xây dựng phong trào giáo dục ở vùng giải phóng và vùng giáp ranh “cài răng lược” như thầy Lê Đăng Bảng, Phạm Văn Ba, Nguyễn Đức Ánh, Nguyễn Văn Chiến. Trong đêm tối của chiến tranh, họ trở thành ánh đuốc soi đường chỉ lối cho nhân dân đến với Đảng, sáng ngời niềm tin với cách mạng. Những bài học tuyên truyền dưới rặng tràm hay dọc bờ kinh đã trở thành “sợi chỉ đỏ” thấm sâu vào tư tưởng của từng chị du kích, anh giao liên. Nhiều thầy cô đã dám nhận lấy khó khăn nguy hiểm về mình, chấp nhận hi sinh như liệt sĩ Lê Bạch Cát, Phạm Nguyên Phương, Lê Đăng Bảng… Những ai ở lại Tiểu ban giáo dục thì bắt tay vào việc đắp lũy dựng lán “xây” trường học. Có lớp rồi thầy cô lại tìm cách “chiêu mộ” con em nhân dân đến trường học. Giáo án là những cuốn sách giáo khoa cũ đem từ miền Bắc vào. Nhiều người không chỉ dạy văn mà còn kiêm luôn cả toán, lý, hóa, đứng lớp cấp 1 rồi “choàng” sang cấp 2, cấp 3. Nhờ vậy mà giúp con em nhân dân thoát nạn mù chữ, nhiều cán bộ xã dần dần biết đọc công văn thư từ, biết làm phép tính cộng trừ nhân chia. Từ chỗ người biết nhiều dạy người biết ít, anh chị “mớm” chữ cho em nên lớp học ngày một thêm đông. Ánh sáng văn hóa cứ lan rộng khắp vùng chiến khu. Một hôm nào đó gặp trận càn họ lại rời tay bút, cầm chắc tay súng trở thành những chiến sĩ bắn xe tăng, máy bay lao ra trận địa quyết sống mái với quân thù. Mất mát lớn nhất của họ là khi hay tin bạn bè, đồng đội hy sinh. Mới hôm qua đây vừa nghe thầy giáo Lê Anh Xuân đọc thơ bên cánh võng mà hôm nay tác giả bài Dáng đứng Việt Nam đã hi sinh anh dũng dưới một căn hầm bí mật. Người dân quận 1 vẫn không quên hình ảnh cô giáo Lê Bạch Cát dù bị thương nặng nhưng vẫn nhất quyết ở lại nhận cái chết về mình để cho đồng đội rút lui an toàn trong con hẻm nhỏ trên đường Đề Thám.
Năm 1975 trong niềm vui đoàn tụ của dân tộc, những chiến sĩ đoàn K33 mới có dịp gặp lại đồng đội. Họ ôm nhau trong nỗi xúc động trào dâng khi trên cơ thể vẫn còn vài mảnh đạn và những vết thương chưa lành sẹo. Những năm hòa bình đầu tiên phải đối mặt với bao khó khăn chồng chất, các chiến sĩ đoàn K33 chưa một phút nghỉ ngơi lại lao vào trận địa mới. Họ đến khắp mọi miền quê của đất nước đặt “những viên gạch đầu tiên” để xây dựng phong trào dạy học, làm nên bệ phóng vững chắc cho nền giáo dục mới của cách mạng. Từ chiếc nôi của đoàn K33, các hạt giống đỏ đã trở thành cán bộ lãnh đạo đầu ngành, đầu cấp từ TW đến các địa phương như ông Nguyễn Khoa Điềm – nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa TW, Ủy viên Bộ Chính trị BCH TW Đảng khóa 9, ông Trương Song Đức – nguyên Giám đốc Sở GD TP.HCM, ông Trịnh Hồng Sơn – nguyên Phó văn phòng Học viện Chính trị quốc gia TP.HCM, ông Đinh Phong – nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà – nguyên Trưởng phòng GD-ĐT Tân Bình… và nhiều “đứa con” trung dũng kiên cường khác nữa.
Ngọc Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)