Bài cuối: Hai lần bị địch bắt
Ông Huỳnh đang kể về những trận đòn của kẻ thù 35 năm về trước |
Tuy không đi B một lượt với nhà giáo Phạm Bá Lữ nhưng ông Đỗ Tấn Huỳnh cũng bị giặc bắt và đưa ra đày tận Phú Quốc vì “tội” làm cách mạng. Sau 9 năm đợi chờ mòn mỏi, người vợ và những đứa con thơ mới gặp lại được người chồng và người cha yêu quý của mình trong niềm vui chung của dân tộc.
Lần đầu trốn thoát
Năm 1945, đang học ở trường tỉnh thì cậu bé Huỳnh phải nghỉ giữa chừng vì giặc Pháp quay trở lại đánh chiếm. Xếp chuyện bút nghiên, Huỳnh bắt đầu đi theo cách mạng. Giữ chân thư ký công an làng, công việc chính của anh là ghi chép, viết biên bản hỏi cung bọn Việt gian, quản lý tài liệu cho cơ quan. Thế nhưng tình hình chiến sự ngày càng căng thẳng, đầu năm 1947 trong một trận càn của thực dân Pháp anh đã bị địch bắt. Trên đường chúng giải đi, Huỳnh vội tìm cách trốn thoát. Bắt đầu từ đó anh thanh niên quê Gò Công Tây thoát ly gia đình vào công tác tại Ty Công an Gò Công. Bây giờ anh không phải ngồi ghi chép bằng giấy bút nữa mà đã trở thành nhân viên đánh máy chữ trong cơ quan. Tuy chưa thực sự giác ngộ cách mạng nhưng với lòng căm thù giặc sâu sắc, Huỳnh đã bắt đầu ý thức con đường phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước trong cảnh nước mất nhà tan. Về khu 9 làm thư ký cho Khu trưởng khu 9 Trương Văn Giàu một thời gian, Huỳnh được ông Giàu giới thiệu sang công tác ở Đài Phát thanh tiếng nói Nam bộ tại kênh 9 vùng U Minh. Đây là thời kỳ gian khổ nhất do bọn địch luôn tìm cách phá hoại nên đài phát thanh phải di chuyển liên tục. Ngay đến giờ phát thanh, bọn chúng cũng tìm cách làm cho sóng bị nhiễu để đồng bào không theo dõi được tin tức phát ra từ đài. Có hôm cứ khi sóng phát lên là địch tìm cách phá cả chục lần, thế là anh em nhíp lại sóng cho lệch đi để địch không phát hiện được.
Ông Huỳnh nhớ lại: “Thời gian di chuyển về Đầm Dơi anh em có sáng kiến đưa máy phát điện xuống ghe rồi sau đó truyền lên bờ để phát sóng trong nhà dân. Những ngày ở vùng giải phóng tuy rất an toàn, chiến sự ít khi căng thẳng nhưng cuộc sống của anh em thật gian khổ. Nhiều hôm gạo hết phải ăn khoai mì thay cơm, rau thì tự trồng tự hái, muốn cải thiện lại đi câu cá bắt ba khía, đến mùa cả cơ quan phải đi làm ruộng để có lúa ăn”.
Sau khi ra Bắc tập kết, Đỗ Tấn Huỳnh cùng với vợ về công tác tại Thông tấn xã Việt Nam với công việc nhận các bản tin từ tín hiệu vô tuyến của các hãng thông tấn nước ngoài. Có cơ hội ông theo học Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Đến năm 1964 ông theo đoàn K33 vượt Trường Sơn đi B. Sau gần 3 tháng trời hành quân bộ, ông về căn cứ TW Cục Tây Ninh rồi về Ban Giáo dục Mỹ Tho. Thời gian công tác lâu nhất là khi ông về Ban Tuyên huấn Khu ủy khu 8. Những bài giảng triết học, kinh tế, chính trị của ông đã trở thành “sợi chỉ đỏ” giúp các đảng viên cốt cán tại các địa phương thấu hiểu và quán triệt hơn về đường lối cách mạng.
Lần sau bị đày ra Phú Quốc
Năm 1970, trên đường đi công tác ở Campuchia chẳng may ông sa vào tay địch, sau đó bị chúng đưa về trại giam Cần Thơ tra tấn tàn bạo. Do không khai thác được gì nên chúng xếp ông vào loại binh nhì và ngày 1-6-1970 chúng đưa ông ra trại tù binh Phú Quốc lưu đày. Dù bị đánh đập giam cầm ở chuồng cọp, nhưng ông và các anh em tù chính trị vẫn đoàn kết một lòng bảo vệ uy tín của Đảng, không bao giờ khuất phục trước âm mưu thâm độc của kẻ thù. Một lần do đứng ra tổ chức giết một tên chiêu hồi mà ông đã bị địch lôi ra để tra tấn. Ông kể cho tôi nghe một trong nhiều tội ác dã man của bọn cướp nước: “Tôi còn nhớ thằng trung úy Phát bắt tôi nhốt riêng ra chuồng cọp rồi cho bọn tay sai đổ nước xà bông vào miệng tôi cho đến lúc bụng chướng ra. Lại có bữa chúng lấy búa đóng đinh vào đầu gối cho đến lúc chảy máu mới thôi. Hai tuần ở chuồng cọp ra, tôi không đứng dậy đi được nữa, mỗi lần đi vệ sinh anh em phải cõng”. Kẻ địch vô cùng tức tối vì không khai thác được gì ở người cộng sản kiên trung này. Vì ông là người lớn tuổi nhất nên các bạn tù thương yêu không cho ông làm gì cả. Có người còn lấy mùng lưới giăng thành võng để cho ông nằm được êm. Trong hoàn cảnh tù đày nghĩa tình của anh em thật cao quý không bao giờ ông quên được. Lại có lần anh em đấu tranh tuyệt thực, bọn chúng nghi ông chủ mưu nên lôi đi biệt giam trong căn phòng tối tăm, nghẹt thở không có ánh sáng mặt trời, bắt ăn cơm thiu muối trắng.
Niềm hạnh phúc của vợ chồng ông hôm nay là cả bốn người con đều thành đạt, là những giáo viên, bác sĩ, chuyên viên có nhiều đóng góp cho nhân dân và xã hội. |
Ông kể: “Vì cay cú, bọn chúng còn rải chất độc vào trong nước xe bồn nên nhiều ngày không có nước uống, tôi đành hứng nước tiểu để uống nhưng rồi mỗi ngày nước tiểu càng cô đặc lại uống không nổi. Sau 7 ngày anh em đấu tranh, bọn chúng mới chịu thua. Nhìn thấy những vết sẹo chi chít sau lưng và cả hai chân ông đến hôm nay vẫn còn để lại di chứng, tôi thầm cảm phục sức chịu đựng của những người cộng sản kiên trung, bất khuất. Ông chỉ cho tôi biết đâu là sẹo do bọn chúng quay điện, đâu là sẹo do búa gõ. Thế nhưng roi điện xà lim không thể khóa hồn người, đến tháng 3-1973 ông được phía địch trao trả tại sân bay Thiện Ngôn và về nghỉ dưỡng tại Lò Gò (gần căn cứ TW cục).
Nói sao hết nỗi vui mừng của người vợ và ba đứa con đang ngóng tin từng ngày ở Hà Nội về người chồng, người cha biệt vô âm tín gần 10 năm trời. Khi nhận được lá thư ông gửi ra theo đường liên lạc vô tuyến chỉ có vài dòng nhưng cả nhà mừng đến rơi nước mắt. Biết ra đi là một sống hai chết nhưng bà vẫn cầu mong ông được vẹn toàn, đợi ngày thống nhất cả gia đình cùng sum họp. Sau 1975 vợ con ông lần lượt vào Nam và cả nhà càng vui mừng hơn khi gặp lại cô con gái đầu lòng Đỗ Thị Lai Châu mà năm 1954 phải gửi lại người thân để ra Bắc tập kết. Sau giải phóng ông giữ các chức vụ Phó ban Tuyên huấn quận 2, Thường vụ Quận ủy quận 1, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Bí thư Đảng ủy Công ty Dịch vụ Sài Gòn cho đến năm 1990 mới nghỉ hưu.
Hương Thủy
Bình luận (0)