Đại dịch cúm gia cầm vừa qua, trong núi ở bản Én Nọi, xã Phúc Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu có tới hàng nghìn con gà. Có chuyện lạ trên là do những người chăn nuôi nơi đây đã di tản gà vào trong núi để trốn dịch.
Những phụ nữ mang gà vào núi trốn dịch.
Bà Hà Thị Lã vốn nổi tiếng trong bản là một người vượt khó từ chăn nuôi gà. “Có thời thời điểm đàn gà nhà tôi có tới gần 200 con”, bà Lã nói.
Bà Lã nhớ lại cái ngày mà cả gia đình phải đưa gà vào núi trốn dịch. “Đợt dịch vừa qua, đêm về khi mà cả bản đã chìm sâu trong giấc ngủ cả gia đình gom đàn gà lại gồng gánh đi bộ ngược lên núi. Phải mất 3 đêm di chuyển mới hết được đàn gà, phải đi bộ gần 10 km vào chân dãy núi Púng Luông chọn một bãi đất rộng dựng lều làm chuồng để đưa đàn gà lên nuôi”, bà Lã nhớ lại.
Không may mắn như bà Lã, bà Lò Thị Tâm, người dân tộc Thái bản Nà Rắt, xã Phúc Than, cho biết: Trước tết năm 2009 vừa qua đàn gà nhà bà tự nhiên có một vài con lăn ra chết. Con nào to thì đem làm thịt ăn. Lúc đó bà chỉ nghe nói là có loại dịch cúm gia cầm chứ thực sự bà không biết phải báo với cán bộ xã khi có gà chết và không được ăn thịt gà chết như vậy.
Dẫn chúng tôi đến thăm cái chuồng gà trơ trọi, bà Tâm cho hay, ngày xưa có thời điểm đàn gà hơn 100 con được nuôi ở đây. Nuôi gà là nguồn thu nhập chính của gia đình nhưng đến nay thì bà đã trắng tay. Đàn gà bán vội cũng không đủ lấy lại chi phí chăn nuôi, trong khi đó tiền mua giống bà phải đi vay ngoài.
Hoàn toàn “mù” thông tin về dịch cúm
Khi chúng tôi hỏi về dịch cúm gia cầm, bà Tâm chỉ nói là có nghe đồn đó là một dịch đáng sợ, người ta phải tiêu huỷ cả đàn gà nếu trong đàn có gà chết. Do sợ bị tiêu huỷ hết nên khi trong đàn có một vài con gà chết gia đình bà phải đem ra chợ bán vội, những con gà chết vẫn được làm thịt ăn bình thường.
Bà Hà Thị Lã cho biết: “Ở bản, không có điện, không đài, không ti vi nên ngày trước dịch cúm gia cầm vẫn là điều xa lạ với người dân như chúng tôi. Nhiều hôm gà chết nhiều tôi cũng thấy lo lắm nhưng chỉ nghĩ đó là chuyện bình thường, thi thoảng đàn gà của gia đình lại có con lăn ra chết. Bác sỹ Thú y xuống tận nơi lấy con gà chết đem đi bảo là để kiểm tra nguyên nhân. Bà còn nghe người ta nói sẽ bắt cả những con gà sống đem đi tiêu huỷ nếu có thêm gà trong đàn chết. Khi đó gia đình tôi hoảng quá”, bà Lã nhớ lại.
Chị Vũ Thị Liên, Chi Cục trưởng Cho Cục Thú y Lai Châu, cho biết, năm 2004, Lai Châu phát sinh ổ dịch H5N1 đầu tiên tại huyện Than Uyên, 178 con gia cầm bị chết. Nguyên nhân được xác định là do gia cầm từ các tỉnh lân cận được đưa vào khu vực Than Uyên bán và đem theo dịch.
Từ khi phát hiện ổ dịch tại Than Uyên và nhiều gia cầm trong huyện tự nhiên chết, huyện đã tổ chức cho cán bộ thú y xuống lấy mẫu bệnh phẩm đi kiểm tra và kết luận gà chết do bệnh tụ huyết trùng chứ không phải do dịch cúm H5N1. Hiện ở Lai Châu vẫn được xem là vùng không có dịch nên công tác phòng là chính như: Tiêm phòng theo định kỳ, tuyên truyền phổ biến đến hộ chăn nuôi, kiểm soát giết mổ…
Cái khó trong công tác tuyên truyền là phần lớn người dân trong tỉnh là đồng bào dân tộc thiểu số nên có nhiều hạn chế trong nhận thức về tác hại của dịch bệnh. Hiện nay Chi Cục thú y Lai Châu đã xây dựng được mạng lưới thú y đến từng thôn bản. Mỗi thôn bản chọn ra một người phụ trách công tác thú y và qua người cán bộ này để tuyên truyền, vận động bà con trong công tác chăn thả gia cầm.
Có thể nói ý thức đối với của một bộ phận dân chúng tại huyện Than Uyên còn rất hạn chế làm cho trách nhiệm của cán bộ ngành chức năng tại đây hết sức nặng nề. Địa bàn công tác rộng, xa xôi, đi lại rất khó khăn và tâm lý, thói quen của đồng bào dân tộc thiểu số. Ý thức của người dân không quan tâm, chú ý đến dịch bệnh, bất chấp dịch bệnh để bảo vệ tài sản. Thiết nghĩ chính quyền địa phương cần sự phối hợp các ngành chức năng xử lý kiên quyết kèm theo tuyên truyền vận động để bà con tự nguyện tham gia phòng chống dịch bệnh.
Theo Công Tâm
VTCNews
Bình luận (0)