Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vui buồn nghề rút hầm cầu

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Đỏ đang đục bồn cầu để thông nghẹt.

Người làm nghề rút hầm cầu không nhiều, công việc không ổn định, ngày công chẳng bao nhiêu nhưng phải tiếp xúc thường xuyên với vi khuẩn. Để có cái ăn, họ phải chấp nhận công việc chịu không ít điều tiếng, rẻ khinh vì “quanh năm sống bám vào hầm cầu”.
“Khám bệnh” bồn cầu
Anh Đỏ (quận 4) theo nghề rút hầm cầu đã hơn 20 năm nay, con cái đi học hay người mẹ ốm đau quanh năm đều do một tay anh lo. Anh Đỏ nói: “Nghề này do cha tôi để lại, nhà có 3 anh em ai nấy cũng nối nghiệp cha. Nghề này cực lắm, tối ngày cứ chui ra chui vào nhà vệ sinh. Gặp chủ nhà biết điều thì không nói gì, chứ không ít người cũng khinh khi ra mặt”.
Theo anh Đỏ đến một căn nhà cấp 4 nằm sâu trong con hẻm trên đường Hoàng Diệu (quận 4). Chiếc xe bồn mini phải dừng ở đầu hẻm vì chiều rộng hẻm quá “khiêm tốn”. Căn nhà mà anh Đỏ phải làm nằm cách nơi đậu xe hơn 100 mét. Phụ việc cho anh Đỏ là hai thanh niên tên Hải và Phụng với vóc dáng to, khỏe. Hải nhảy phốc lên thành xe quẳng xuống một cuộn ống, Phụng ở dưới xốc cuộn dây lên và lăn vào nhà. Hàng chục người đang ngồi tụm năm tụm ba ngay lập tức phải “sơ tán”, người thì đóng sầm cửa lại để tránh cái mùi hôi nồng nặc sắp sửa phả ra. Nhìn hai người phụ nữ dùng tay che kín miệng, mũi đứng trước hiên nhà bên cạnh, Hải bỏ nhỏ vào tai tôi: “Không chỉ họ sợ mùi hôi mà còn “ớn” cả tụi tui nữa. Ban đầu thấy họ vậy mình xấu hổ lắm nhưng riết rồi cũng quen”.
Hầm cầu mà nhóm anh Đỏ phải làm đã bị đầy, mất hơn 15 phút cả nhóm mới phá được nắp đậy bằng bê tông và đưa ống xuống hút. Sau khi hút đầy một xe nhưng hầm cầu vẫn chưa thông, không ai bảo ai, với kinh nghiệm của mình, Hải liền vào trong nhà vệ sinh để “khám” bồn cầu. Mở nắp bồn cầu ra, phân đầy kín lên đến nửa bồn cầu, mùi phân sộc thẳng vào mũi. Hải lắc đầu báo với chủ nhà: “Bị nghẹt rồi, phải thông mới được. Đến mức này thì phải đục lấy bồn cầu ra.
Hải ra hiệu cho Phụng mang túi đồ nghề nào là đục, búa, dây kẽm… để đục phần bồn cầu tiếp giáp với nền. “Làm cái này phải nhẹ nhàng, thà bị mùi thối “tra tấn” chứ không thể nôn nóng được. Còn nếu đục mạnh làm bể bồn cầu mấy triệu bạc thì khổ”. 40 phút sau, Phụng khóa van nước, Hải nhích nhẹ bồn cầu lên còn anh Đỏ đang trong tư thế sẵn sàng để thông đường ống. “Phải làm nhanh vậy chứ không là phân trào ra”. Anh Hải vừa trét lại xi măng vừa giải thích.
Thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với nước thải, phân nhưng không một ai mang đồ bảo hộ lao động. Phụng nói: “Bệnh thì cũng đã bệnh rồi, giờ mang thì có khỏi đâu. Tới đâu thì tới, lo cái ăn trước đã”. Còn anh Đỏ thì: “Làm nghề này mà mang đồ bảo hộ thì không làm được, vướng víu lắm”.
Tiền công chủ nhà phải trả cho một lần như vậy là 450.000 đồng, trong đó 250.000 đồng tiền hút và 200.000 đồng tiền thông nghẹt cầu. Anh Đỏ tâm sự: “Anh thấy đấy, đâu phải đơn giản, tiền xăng, tiền phí đổ nước thải, tiền công … đâu cũng vào đó, đủ ăn là mừng rồi”.
Cơ sở rút hầm cầu của anh Sang (quận 8) hoạt động từ hơn 15 năm nay, địa bàn hoạt động tương đối rộng, anh Sang cho hay: “Hồi đó tôi có biết gì về nghề này đâu, đói quá thì tự động có cái nghề thôi”. Anh Sang kể lại: “Một lần người hàng xóm nhờ tôi “khám” giùm cái bồn cầu đang “có vấn đề”. Lần ấy thành công ngoài mong đợi thế là trong xóm nhà ai có bồn cầu bị “bệnh” là đến tìm mình, có kinh nghiệm và theo nghề luôn”. Hiện tại cơ sở của anh Sang có 6 thợ và 3 chiếc xe bồn nhỏ, mỗi tháng sau khi tính hết chi phí, trung bình anh Sang thu được khoảng từ 4 triệu đến 4,5 triệu đồng.
Tai nạn nghề nghiệp
Tai nạn xảy ra với nhóm của anh Đỏ cách đây 5 năm khi đang hút hầm cầu tại quận 1. Anh Đỏ kể: “Lúc đó xe đang hút bình thường, tự nhiên ống nhựa bị tét bắn tung tóe vào nhà dân. Hoảng quá, chưa kịp tắt máy thì ống lại tét dài hơn, nước chảy tràn lan trong hẻm. Sự cố xảy ra khiến hàng chục thanh niên trong hẻm ùa ra đánh hội đồng. Đợt đó thằng lính tôi bị vỡ đầu còn tôi cũng bê bết máu. Chúng tôi nằm vùi trong nước cầu, chỉ còn cái mặt đưa lên trên van xin, kêu cứu nhưng không được. Lỗi của mình thì mình chịu, hai thầy trò tôi nằm viện gần nửa tháng trời, nghĩ nhiều đến chuyện bỏ nghề nhưng khổ nỗi bỏ rồi biết làm gì mà sống”.
Cường (25 tuổi, quê Bình Thuận) mồ côi cha mẹ từ nhỏ sống chung với gia đình người cậu ở Đồng Nai, không được học hành gì. Năm 2000 Cường theo bạn bè vào Sài Gòn tìm việc làm và theo nghề rút hầm cầu ở cơ sở Dũng (quận 6). “Mới vào nghề, hễ mình thấy phân hoặc mùi hôi sộc vào mũi là nôn ói. Ông chủ mình hồi đó ác lắm, mình không dám đưa tay vào trong bồn cầu đầy phân là ông đạp mình chúi nhủi. Nhiều lần như vậy nên mình quyết định không làm ở đó nữa và chuyển sang cơ sở Bảy (Bình Chánh). Bây giờ công việc ổn định rồi, giận thì giận nhưng cũng cảm ơn ông chủ cũ đã cho mình cái nghề cũng như kinh nghiệm sống”, Cường nói.
Khi nhắc đến chuyện vợ con, Bình (28 tuổi, quận Tân Bình) đang làm công ở cơ sở của anh Sang tâm sự: “Mình quen cô công nhân may ở khu chế xuất Tân Thuận gần hai năm. Đùng một cái người yêu “biến” khỏi thành phố vì biết mình làm nghề rút hầm cầu chứ không phải công nhân vệ sinh như mình đã nói. Lúc đó mình ngại không dám nói sự thật, bây giờ thì đã muộn”. Bình ngửa mặt lên trời nhả khói thuốc lá rồi nhìn về phía trước, nói tiếp: “Mình cũng không buồn nhiều, lúc đó mình có nói thiệt thì cũng không đến được với nhau, nếu cô ấy không nghĩ ngợi gì thì phải thương yêu mình hơn chứ. Thôi, nhờ vậy mà mình hiểu thêm lòng dạ của người khác anh à”.
Trần Tuy An

Bình luận (0)