Bài 2: Làm lại cuộc đời
Các bệnh nhân đang uống methadone |
Sau khi thâm nhập “thế giới” người nghiện, tôi hiểu rằng có nhiều lý do để khiến người ta sa vào nghiện ngập. Dù vậy, họ lại có chung một khát khao là được thoát ra khỏi cái vòng “kim cô” heroin. Họ đã đi cai, không chỉ là 3 lần, mà là 10 lần, 15 lần nhưng… nghiện vẫn cứ nghiện. Hết “thuốc chữa”, họ đành chấp nhận “nghiện” một thứ ma túy khác, đó là methadone. Nếu heroin hủy hoại cuộc đời họ thì methadone giúp họ làm lại cuộc đời…
Tâm sự của một người mẹ
Bác sĩ Cao Kim Vân – Trưởng Cơ sở điều trị thay thế ma túy bằng methadone – Q.4 cho biết: “Phần lớn các bệnh nhân được đưa đến đây, nhiều ông bố, bà mẹ tâm sự với chúng tôi rằng đã từ lâu họ nghĩ rằng đứa con của mình đã là “đồ bỏ đi”, mãi mãi phải sống chung với heroin. Và họ kể lại những tháng ngày cơ cực mà cả gia đình đã phải chịu đựng. Ấn tượng nhất là gia đình bệnh nhân Trần Mạnh Tường (SN 1979)…”.
Bác sĩ Vân đã tạo điều kiện cho tôi được gặp mẹ của bệnh nhân Tường. Đó là một phụ nữ khoảng 60 tuổi, nhìn bà là thấy chữ “khổ” in trên mặt…
Vợ chồng bà Năm có hai đứa con, Tường là con trai út. Cả hai vợ chồng bà đều không có nghề nghiệp ổn định, chồng chạy xe ôm, vợ bán đồ ăn sáng. Mặc dù vậy, vợ chồng bà Năm cũng lo cho hai đứa con được tới trường như những đứa trẻ khác. Thật may mắn cho vợ chồng bà, khi chị em Tường học hành cũng thuộc dạng khá. Bấy nhiêu thôi cũng đủ để gia đình bà Năm là tấm gương cho bà con ở cái hẻm nghèo (P.Cô Giang, Q.1) này noi theo. Song, hạnh phúc đã không mãi mỉm cười với gia đình bà…
Năm Tường 17 tuổi, lúc đó “nó” đang học tại một trường THPT trên địa bàn Q.1 thì cha qua đời do tai nạn giao thông. Cú sốc đó đã khiến Tường thay đổi, “nó” thường xuyên gây lộn với các bạn trong lớp, hoặc bỏ học la cà quán xá. Lâu lâu bà Năm lại được nhà trường “mời” lên nói chuyện. Cho đến một ngày, Tường nói với bà: “Con chán học rồi, má đừng bắt con tới trường nữa”. Thế là “nó” bỏ học luôn. Không chỉ bỏ học, thỉnh thoảng Tường còn bỏ nhà đi đâu đó cả nửa tháng mới về. Cho đến khi Tường bị bắt đưa đi trung tâm cai nghiện, bà Năm mới té ngửa.
Sau 6 tháng cai nghiện ở trung tâm, Tường cũng học được một cái nghề – sửa xe gắn máy. Trở về nhà, Tường hứa với bà sẽ làm lại cuộc đời. Song, chưa đầy ba tháng sau, Tường tái nghiện. Rồi Tường đi cai nghiện lần 2, lần 3 nhưng lần nào cũng chỉ 2 -hay 3 tháng sau là tái nghiện. Đến lần cai nghiện thứ 5, Tường quen Hân, sau đó cả hai làm đám cưới. Có vợ, Tường chững chạc hơn, lúc đó Tường 24 tuổi. Bà Năm bán nhà, ra ngoại thành sinh sống…
Ba năm sau, Tường nghiện lại. “Lần này thì khỏi trường trại, có cai cũng nghiện lại thôi”, Tường tuyên bố một câu xanh rờn. Số tiền vợ chồng gom góp bấy lâu nay, giờ Tường “ném” hết vào heroin. Đồ đạc trong nhà cũng lần lượt “đội nón” ra đi… Càng ngày nhu cầu chích của Tường càng lớn, trước đây chỉ có 2-3 lần/ngày nay tăng lên gấp đôi.
“Mỗi khi nó lên cơn, nó mất hết tính người, nó cầm dao gí vào cổ vợ, cổ mẹ đòi tiền. Những lúc như vậy, hoặc là tôi, hoặc là vợ nó lại phải chạy đi vay nóng cho nó mấy trăm ngàn. Thế nhưng khi tỉnh táo, nó hiền lắm. Nó hỏi tôi: “Má, tiền ở đâu cho con mua “hàng” vậy?”. Tôi kể lại cho nó nghe, thế là nó vừa khóc vừa xin lỗi. Có nhiều lúc nó còn nói: “Con là thằng tồi. Sống mà làm khổ má, chi bằng chết đi”. Rồi nó lấy dao tự đâm vào người mình, trên người nó bây giờ có cả chục vết đâm. Đã có vài lần nó rủ vợ tự sát, vợ nó nói: “Anh chết thì chết một mình đi, mắc mớ gì kêu em chết chung”…”, bà Năm kể lại.
Sau 6 tháng uống methadone, đến nay Tường đã có thể nói “không” với heroin. Đặc biệt, Tường đã có việc làm ổn định…
Trở lại giảng đường
Khoảng 7 giờ sáng, khi cơ sở vừa mở cửa là ông Long và con trai xuất hiện. Ngày nào, Hưng cũng là bệnh nhân uống thuốc đầu tiền. “Uống xong, em còn phải đi học”, Hưng cho biết. Hiện Hưng (SN 1982) đang học ngành Công nghệ Thông tin tại một trường Cao đẳng.
Ba là giảng viên đại học, mẹ là nhân viên bưu điện nên Hưng được sống trong môi trường gia đình rất tốt. Từ lớp 1 đến lớp 9, năm nào cũng là học sinh giỏi, cháu ngoan Bác Hồ. Cho đến khi Hưng vào cấp 3 – một trường THPT có tiếng tại Q.3, theo lời rủ rê của bạn bè, em bắt đầu tập tành chơi “hàng trắng”. Việc học hành của Hưng có phần sa sút nhưng do quá tin con nên vợ chồng ông Long không hay biết gì. Tốt nghiệp phổ thông, Hưng thi vào Trường ĐH Bách khoa nhưng rớt. Mãi đến lúc này, vợ chồng ông Long mới hay đứa con chăm ngoan học giỏi của mình bị nghiện. Vì sĩ diện, sợ hàng xóm, bạn bè biết nên vợ chồng ông Long không dám đưa con đi cai nghiện tại các trung tâm nhà nước mà chỉ đưa đi cắt cơn ở những phòng khám tư. Kết quả đã tốn rất nhiều tiền mà Hưng vẫn không cắt được cơn.
“Thôi thì đành phải sống chung với heroin vậy”, nghĩ vậy nên vợ chồng ông Long không đưa Hưng đi cai nữa. Giữa ông bà và cậu quý tử ký một bản cam kết: ông bà chu cấp tiền cho Hưng mua thuốc, ngược lại Hưng phải đi học. Và Hưng trở thành học viên của một trường Cao đẳng từ đó. Học được một năm thì Hưng bỏ ngang vì thời gian dành cho tiêm chích đã chiếm hết thời gian học hành. Trung bình mỗi ngày Hưng chích 6 lần với chi phí khoảng 400 – 500 ngàn đồng.
Đến nước này, vợ chồng ông Long chấp nhận “vứt bỏ” cái “danh dự” để đưa con đi cai nghiện tại một trung tâm của Sở Lao động – Thương binh & Xã hội Thành phố. 6 tháng sau Hưng ra trại và chưa đầy 2 tháng sau là tái nghiện. Với quyết tâm phải cai bằng được, Hưng lại đi trại. Nhưng đến lần thứ 10 thì không chỉ Hưng mà cả vợ chồng ông Long cũng chấp nhận… “bó tay”.
Cuối tháng 5-2008, khi Cơ sở điều trị thay thế ma túy bằng methadone đi vào hoạt động, ông Long đưa Hưng tới đăng ký tham gia chương trình. Phải mất gần hai tháng, các bác sĩ mới rò được liều lượng methadone/lần uống cho Hưng. Và từ đó đến nay, Hưng không còn thèm “hàng trắng” nữa. Không chỉ bỏ được heroin, Hưng còn quay lại trường học. “Em sẽ học liên thông lên đại học. Trước đây vì nghiện ngập mà em bỏ lỡ cơ hội học hành, nay em phải cố gắng để thực hiện ước mơ trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin”, Hưng tâm sự.
Tốt nghiệp THPT, không thi đậu đại học, Đỗ Tuấn Sơn (SN 1979) tỏ ra buồn chán. Trong thời gian đó, Sơn đã đến với ma túy và nhanh chóng trở thành “dân nghiện chuyên nghiệp”. Cũng như Hưng, Sơn đi cai tới 10 lần… “Có thời gian em bỏ thuốc được cả năm nhưng chỉ một lần tình cờ đi qua chỗ ngày xưa hay tụ tập hút chích là cơn thèm thuốc trong em trỗi dậy, không sao kiềm chế được. Thế là chích và tái nghiện. Dính vào ma túy, em không học hành hay làm được bất cứ việc gì. Gia đình em lúc nào cũng như có đám tang, ba mẹ bỏ bê công việc làm ăn. Nhiều lúc em thấy hối hận nhưng mỗi khi lên cơn thì mất hết lý trí”, Sơn tâm sự.
Cách đây gần 5 tháng, Sơn được ba mẹ đưa tới cơ sở này. “Không phải vì chúng tôi tin Sơn sẽ bỏ được heroin mà vì tiền chúng tôi làm ra không đủ cho con chích. Đưa nó tới đây, nó được uống thuốc miễn phí. Thật bất ngờ là nó đã bỏ được ma túy…”, bà Loan – mẹ của Sơn cho biết. Từ tháng 9 đến nay, Sơn bắt đầu đi học Trung cấp Dược.
*Ghi chú: Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Hòa Triều
Bác sĩ Kim Sóc Hương cho biết: “Sau khi tham gia chương trình điều trị thay thế ma túy bằng methadone, phần lớn các bệnh nhân đã thay đổi. Họ ăn mặc nghiêm chỉnh hơn, nói năng lịch sự hơn, sức khỏe cũng được cải thiện rõ rệt – có bệnh nhân tăng tới 6-7 kg. Nhiều bệnh nhân đi học lại, một số tìm được việc làm…” |
Bình luận (0)