Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Việc làm cho người khuyết tật: Bài toán khó với xã hội hiện nay!

Tạp Chí Giáo Dục

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các nhà nghiên cứu, hiện nước ta có khoảng 5,3 triệu người khuyết tật (chiếm 6,4% dân số). Hơn 80% người khuyết tật sống ở nông thôn với mức sống thấp và rất khó khăn. Vấn đề việc làm cho người khuyết tật là một bài toán khó đối với xã hội hiện nay. Khó là bởi nhiều người có cái nhìn khác về khả năng của người khuyết tật và ngay bản thân người khuyết tật cũng có những nhược điểm khiến họ khó hoà nhập với mọi người xung quanh.

Chỉ có 15% số người khuyết tật trong độ tuổi lao động có việc làm

69% trong tổng số 5,3 triệu người khuyết tật ở nước ta nằm trong độ tuổi lao động. Tất cả họ đều mong muốn có việc làm phù hợp để nuôi sống bản thân và hỗ trợ gia đình, ông Nghiêm Xuân Tuệ, GĐ văn phòng điều phối các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam (NCCD) cho biết. Tuy nhiên, cơ hội việc làm cho họ rất hạn chế nên số người khuyết tật có việc làm hiện nay không nhiều. Theo thống kê của Hiệp hội sản xuất kinh doanh của người khuyết tật, chỉ khoảng 15% số người khuyết tật trong tuổi lao động có việc làm ổn định. Số còn lại chủ yếu sống dựa vào gia đình nên phần lớn hộ gia đình có người khuyết tật có mức sống thấp, 32% sống nghèo và 58% có mức sống trung bình. Hộ càng có nhiều người khuyết tật thì mức sống càng giảm. Con số 65-70% số người khuyết tật đang sống dựa vào gia đình, người thân và trợ cấp xã hội chứng tỏ vấn đề việc làm và sinh kế cho người khuyết tật đang là dấu hỏi lớn hiện nay.

Trước những nhu cầu bức thiết về việc làm, sự bình đẳng về những quyền cơ bản, ngày 3/5/2008, Công ước về quyền của người khuyết tật chính thức có hiệu lực trên toàn thế giới. Đã có 136 quốc gia, trong đó có Việt Nam ký tham gia công ước. Công ước ra đời nhằm thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm cho người khuyết tật được hưởng đầy đủ và bình đẳng tất cả quyền con người, quyền tự do cơ bản và thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá vốn có của họ… Tuy nhiên, trên thực tế ở đâu đó vẫn có sự phân biệt, kỳ thị với người khuyết tật. Anh Nguyễn Mạnh Tuân, GĐ doanh nghiệp tư nhân 18/4 tâm sự: Bản thân là người khuyết tật, không chỉ lo được cho bản thân mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động nhưng khi đi giao tiếp làm ăn, biết mình là người khuyết tật, nhiều đối tác vẫn e dè và tỏ ra không tin tưởng. Cụ thể nhất là với sản phẩm may mặc dành cho bà bầu do Cty anh sản xuất. Mặc dù mất công sức, tiền của để thiết kế nhãn mác cho sản phẩm nhưng khi mang ra thị trường, các đối tác đã yêu cầu đổi vì nhãn mác có hình người tật khó tiêu thụ trên thị trường. Vậy là hàng lô nhãn mác do Cty thiết kế đành để trong kho còn nhãn mác đính trên sản phẩm phải mua ở phố Hàng Bồ (HN).

Với chị Nguyễn Thị Hoa, CLB người khuyết tật HN thì mặc dù tìm được việc làm nhưng chị vẫn phải bỏ vì ngày đầu tiên đến Cty, dù không ai nói gì nhưng cứ nghe lời xì xầm bàn tán sau lưng là chị cảm thấy ức chế, không thể tiếp tục làm việc được…

Để khuyết tật chứ không phải tàn tật

Cũng theo ông Tuệ, năm 2007, tại Hà Nội trong lễ mít tinh Ngày quốc tế người khuyết tật, 30 doanh nghiệp đã tham gia tuyển dụng lao động. 441 người khuyết tật đã trúng tuyển ở các vị trí khác nhau nhưng chỉ sau một năm, số người trụ lại được với công việc chỉ còn 91 người. Còn tại Tp. HCM số người đi làm cho đến thời điểm này là 43/225 người trúng tuyển. Năm nay, sàn giao dịch việc làm tiếp tục được tổ chức nhân Ngày quốc tế người khuyết tật (3/12) nhưng theo đánh giá của ban tổ chức, người đến xem thì nhiều chứ người đăng ký tham gia tuyển dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay. HTX Thiện Giao (Đồ Sơn – Hải Phòng), nơi chuyên nhận nuôi dưỡng, dạy nghề và tìm việc làm cho con em thương, bệnh binh, bộ đội trong ngày này cũng chỉ có 20 người đến đăng ký tham gia tuyển dụng. Còn doanh nghiệp 18/4 của anh Tuân cũng chỉ nhận được 3 đăng ký của người khuyết tật… Đăng ký là vậy nhưng khi tuyển dụng thì không biết có mấy người đến, anh Tuân tâm sự.

Theo lý giải của ông Tuệ, sở dĩ người khuyết tật chưa mặn mà với công việc bởi từ nhỏ đến lớn họ chỉ quanh quẩn ở trong nhà, hầu như không tham gia các hoạt động xã hội nên rất nhút nhát. Khi trúng tuyển, mặc dù có nhu cầu kiếm việc làm nhưng chỉ đi làm vài hôm lại bỏ bởi họ chưa bao giờ làm việc trong môi trường đông người, theo kỷ luật. Bên cạnh đó, việc đi lại khó khăn, chưa tiếp cận với trang thiết bị nơi làm việc cũng là rào cản khiến họ nản lòng. Đại diện Cty Heartlink cũng chia sẻ sự thất bại trong việc sử dụng lao động là người khuyết tật: Khi mới vào làm, đa phần người khuyết tật chưa được đào tạo nên việc vừa học vừa làm khiến cho Cty không thể giao hàng đúng hẹn. Đến khi đào tạo quen với công việc thì họ lại xin chuyển đi chỗ khác. Như vậy, từ 15 người khuyết tật nay Cty chỉ còn 4 người bám trụ cho dù Cty luôn mong muốn tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật hơn.

Để khắc phục nhược điểm của người khuyết tật, trung tuần tháng 11, NCCD tổ chức buổi tập huấn cho 100 người ở Hà Nội để chuẩn bị về tâm lý, làm quen với cách trả lời phỏng vấn cho buổi xin việc làm. Theo ông Tuệ thì tuy số người tham gia chưa nhiều nhưng đây là những người có nhu cầu tìm việc làm nên hy vọng sẽ giúp ích cho họ. Chương trình tư vấn mới chỉ được tổ chức ở các thành phố lớn vì chỉ ở đây mới có sàn giao dịch việc làm. Còn ở nông thôn, giải pháp để hỗ trợ người khuyết tật giảm bớt khó khăn là lồng ghép với các chương trình khác như xoá đói giảm nghèo. Một chương trình lồng ghép có hiệu quả là “Ngân hàng bò” cho hộ nghèo có người khuyết tật. Những hộ này sẽ được vay một con bê cái, nuôi cho đến khi trưởng thành và đẻ bê con. Khi bê con được 10 tháng tuổi thì giao lại cho Ngân hàng bò cho người khác vay còn hộ gia đình đó sẽ được sở hữu con bò mẹ. Đây là mô hình đem lại hiệu quả ở nhiều địa phương nên trong thời gian tới có thể nhân rộng, giúp người khuyết tật có thu nhập trang trải cuộc sống, ông Tuệ khẳng định.

Minh Ngọc

Theo Giáo dục & Thời đại

Bình luận (0)