“Đá” nóng xe máy, giật điện thoại… những vụ trộm cắp, cướp giật giữa ban ngày táo bạo xảy ra khá thường xuyên trong làng đại học Thủ Đức (ĐHTĐ). Lì lợm hơn, bọn cướp không ngần ngại xả “hàng” vào người truy đuổi!!!
Nóng bỏng chuyện trộm cắp, cướp giật!
Làng ĐHTĐ – nơi giáp ranh giữa ấp Tân Lập, xã Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương và phường Linh Trung, Thủ Đức là nơi học tập, sinh hoạt của gần 20 ngàn sinh viên (SV) từ khắp mọi miền đất nước. Từ đầu năm học 2008-2009 đến nay, nạn trộm cắp, cướp giật lại bùng phát dữ dội. Cuối tháng 10-2008 tại ngã ba S09, ấp Tân Lập đã xảy ra vụ trộm xe máy. Cách đó khoảng 500m, trước quán cà phê Văn Khoa, ngày 29-10-2008 hai thanh niên đi xe máy giật điện thoại rồi rú ga chạy mất trong sự bất lực của nạn nhân. Lúc 16 giờ ngày 20-10-2008 tại tổ 7, KP.6, Linh Trung – Thủ Đức, SV Lê Quốc Khiêm dựng xe máy sát hiên nhà trọ và khóa cẩn thận nhưng xe của anh vẫn không cánh mà bay!
Lật lại “hồ sơ” trộm cắp, cướp giật tại làng ĐHTĐ, nổi cộm là những vụ trộm nóng xe máy, giật điện thoại. Theo ghi nhận, chỉ riêng 10 ngày cuối tháng 8-2008 có đến 5 vụ trộm xe máy trong làng ĐHTĐ. Đêm 18-8-2008, tại số 18/146 tổ 8, KP.6, Linh Trung, Phạm Văn Công, SV ĐH KHXH&NV mất xe Wave và hai điện thoại di động. Cũng trong phường này, lúc 12 giờ 50 ngày 21-8-2008, Nguyễn Quốc Việt – SV ĐH Công nghệ -Thông tin bị mất xe Wave RS khi dựng xe trước quán cà phê Phương Vy. Lúc 19 giờ 30 ngày 22-8, tại tiệm cắt tóc Hồng Hải, chị Trần Thị Thu bị bọn “đá” nóng xe bẻ khóa chiếc xe gắn máy phóng đi trong cái nhìn bất lực của chị. Cũng ở ấp Tân Lập, lúc 9 giờ ngày 27-8, tại quán hớt tóc Phương Uyên, Phạm Ngọc Huệ, SV khoa Võ vật, ĐH Thể dục Thể thao bị bọn trộm nóng “đua” mất xe Wave.
Gây chấn động làng ĐHTĐ là hai vụ cướp mà đến nay mỗi khi kể lại nạn nhân vẫn còn khiếp sợ và bức xúc. Anh Bi – chủ quán cơm Gánh Hàng Rong (ấp Tân Lập) kể “Cuối tháng 4-2008, quán đông nghẹt người, tôi đang bận thối tiền cho khách, một tên lẻn từ phía sau giật sợi dây chuyền rồi lao lên xe do tên khác nổ máy chờ sẵn ở bên kia đường. Tôi đuổi theo suýt tóm được, tên ngồi sau rút dao chém, tôi hoảng quá né lui, không ai dám đuổi theo. Lúc đó mà sấn tới là tụi nó chém liền”. Chị Phạm Thị Hạnh – chủ quán hớt tóc Thanh Sơn (ấp Tân Lập) vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: “Lúc 15 giờ ngày 6-7-2008 hai thanh niên vào cắt tóc, chúng đưa tờ 100.000 đồng, em đi đổi tiền lẻ thối lại. Nghe tiếng còi xe báo động, em chạy về thấy chúng mở khóa dắt xe ra nhưng xe có khóa chống trộm nên nó chưa chạy được. Em la lên, chúng kề dao vào cổ em, em sợ quá nên im lặng. Bọn chúng thấy mấy người chạy đến nên khống chế em rồi nhảy lên xe của đồng bọn chạy mất”.
Trách nhiệm của địa phương đến đâu
Văn Trường – SV ĐH Thể dục Thể thao bị mất xe Wave vào tháng 6-2008 bức xúc “SV tụi em không rành thủ tục, mất xe ra báo, công an không hướng dẫn còn quát nạt. Trình báo vậy thôi chứ có thấy vụ nào tìm lại được xe đâu. Nói chung, họ rất thờ ơ, sự hợp tác của công an địa phương chưa tốt”. Anh Hùng, chủ quán cà phê Tre (phường Linh Trung) nói “Khu vực này quá phức tạp, nhất là khi SV nhập học đến nay cướp giật bùng phát. Mất của rồi, báo công an là báo vậy thôi chứ khó tìm lại được”.
Theo thông tin từ Công an xã Đông Hòa, 6 tháng đầu năm trên địa bàn xảy ra 5 vụ cướp, 15 vụ trộm tài sản, mất 11 xe máy. Đầu năm học 2008 – 2009 đến nay xảy ra 10 vụ mất tài sản, trong đó 4 vụ trộm xe máy. Ông Nguyễn Văn Cường – Trưởng Công an xã Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương cho biết: “Việc “đá” nóng xe máy là có nhưng có giảm so với cùng kỳ năm ngoái (?!)”. Ông Tăng Huy Phát – công an viên ấp Tân Lập thừa nhận “Việc truy bắt tội phạm chưa đạt hiệu quả. Trong thời gian dài chưa phá được vụ nào, chúng tôi cũng bức xúc. Để bắt được bọn trộm xe máy thì nan giải lắm. Biện pháp tốt nhất nhằm hạn chế nạn trộm xe máy là buộc các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải tổ chức giữ xe cho khách. Tuy nhiên, hiện tại chưa thể bắt buộc họ có trách nhiệm giữ xe”. Ông Phát kiến nghị: “Để đảm bảo an ninh trật tự, cấp trên nên thành lập tổ chuyên trách làng đại học, tổ này có nhiệm vụ túc trực, tuần tra khu vực”. Trước bức xúc người dân, SV về thái độ làm việc của công an địa phương, ông Cường cho biết “Chẳng qua người ta mất của nóng ruột nên đổ thừa chính quyền”. Còn ông Phát biện minh “Khi mất xe, chúng tôi hướng dẫn họ viết đơn tường trình để làm cơ sở sau này truy tìm chứ biết sao giờ, xe lấy đi mất tiêu, biết đâu tìm”.
Phạm Ngọc Huệ – SV ĐH Thể dục Thể thao cho biết: “Hai thằng bạn em ở cùng phòng đã ba lần mất xe. Lần đầu em mất chiếc Jupiter vào cuối năm 2007 khi trọ ở KP.6 phường Linh Trung, có báo công an nhưng không thấy tăm hơi gì. Tháng 6-2008 thằng bạn cùng phòng mất xe Wave tại cổng sau Trường Thể dục Thể thao. Nay em mất chiếc Wave nữa nhưng khổ nỗi xe em mượn (mất tại ấp Tân Lập vào ngày 27-8-2008)”. Cùng chung nỗi niềm, Phạm Văn Công và Lê Quốc Khiêm – hai SV Trường ĐHKHXH&NV là bạn học cùng lớp, trọ cùng phòng mất hai xe máy trong vòng hai tháng, từ 20-8 đến 20-10-2008. |
Bài và ảnh: Công Việt
Bình luận (0)