Bài 4: Người thầy gieo ánh sáng cho học trò
Lần đầu gặp tôi, anh nói: “Khi gặp người mù, đừng nên hỏi người ta có thấy hay không mà chỉ nên hỏi họ còn thấy bao nhiêu”… Rồi chưa kịp để tôi thắc mắc gì thêm, anh tiếp: “Bởi vì còn thấy dẫu chỉ một chút vẫn là thấy”. Người thầy giáo khiếm thị có cái tên là lạ Lê Dân Bạch Việt ngót hai mươi năm qua đã mang lại ánh sáng tâm hồn cho vạn đầu em nhỏ tại ngôi trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.
Thắp ước mơ nơi xứ người
Anh bảo, sinh ra anh đã… như vậy rồi. Tuổi thơ của anh vì thế đã trôi qua không ngọt ngào như bao bè bạn. 12 tuổi, anh được gia đình đưa vào học tại Nhạc viện TP.HCM. Việc theo đuổi một môn nghệ thuật với người bình thường đã khó, với anh là cả một quá trình khổ luyện. Hồi ấy chưa có sách vở dạy nhạc chuyên dành cho người mù, cũng chưa có phần mềm scan (Kurzweil Education System) hỗ trợ đọc sách nên tất cả mọi chương trình học anh đều chỉ có cách duy nhất là… học thuộc. Điều này gây không ít trở ngại và chiếm nhiều thời gian. Những lúc việc tập luyện cực nhọc quá khiến cậu học trò nhỏ không khỏi nản lòng. Nhưng nhờ được bạn bè, người thân động viên, khích lệ … nên cậu cũng vững lòng. Niềm đam mê âm nhạc cũng ngày một lớn lên trong anh. Suốt 14 năm học tập tại nhạc viện, chiếc đàn măng-đô-lin đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời chàng trai này.
Rời Nhạc viện, năm 1987, anh trở thành thầy giáo dạy nhạc cho học trò Trường Nguyễn Đình Chiểu. Mỗi ngày gặp gỡ, dạy dỗ và sẻ chia niềm vui với học trò bé thơ đem lại cho anh nhiều niềm vui ở một cương vị mới. Đó cũng là những tháng ngày anh ấp ủ, trăn trở nhiều điều về những dự định lớn hơn.
Năm 2006, sau khi đạt được một suất học bổng của chương trình học bổng quốc tế IFB, anh trở thành người khiếm thị đầu tiên của Việt Nam sang Mỹ theo đuổi chuyên ngành “Liệu pháp và định hướng di chuyển dành cho người mù”. Anh tâm sự: “Lúc ấy tôi chọn học lĩnh vực này vì thấy nó rất cần thiết, mà ở nước ta thì người ta chưa biết đến nhiều. Nếu không giúp người mù định hướng, họ khó lòng có thể độc lập được. Giả dụ, người mù muốn đi làm mà không thể tự đến được chỗ làm thì cũng coi như không”…
Hai năm rưỡi nỗ lực vượt khó, học tập miệt mài tại xứ người. Anh trở về Việt Nam với tấm bằng thạc sĩ.
Hết lòng vì người mù
Lớp học của thầy giáo Việt khá đặc biệt. Anh nhận thấy rằng, mỗi học sinh mù ở một mức độ khác nhau. Cũng như khả năng và tính cách của mỗi em là riêng biệt. Chính vì vậy, anh chia nhỏ lớp học ra để trong một khoảng thời gian nhất định của buổi học, anh chỉ tập trung hướng dẫn cho một em. Với mỗi học sinh, anh chọn một phương pháp giảng dạy phù hợp và đảm bảo hiệu quả. Những bài học của người thầy giáo này bao giờ cũng hướng đến mục đích lớn lao nhất là kích thích khả năng “nhìn thấy” của người mù dù chỉ là những tia sáng nhỏ nhoi nhất. Anh quan niệm: “Cũng như trong cuộc sống, khi ta còn một đồng thì cứ xài một đồng. Đôi mắt còn nhìn thấy được phần nào thì cứ dành cho việc tiếp cận hình ảnh. Bỏ phí, uổng lắm”.
Đến nay, học trò của anh không chỉ giới hạn trong trường mà còn ở các tỉnh xa như Huế, anh vẫn không ngần ngại đến và đã hỗ trợ phục hồi một phần khả năng nhìn thấy cho một nữ sinh mà chẳng vì điều kiện vật chất nào cả. Anh cũng đã có dịp đến Tiền Giang, phối hợp với Hội Người mù huyện Châu Thành để hướng dẫn, luyện tập khả năng phản xạ cho người mù giúp họ tự cứu mình trong nhiều trường hợp bất trắc… Thời gian này, anh tiếp tục bận rộn với nhiều chuyến đi xa để đến với nhiều người mù hơn.
Những điều mà anh cho là “không to tát” ấy đã góp phần trả lại ánh sáng tâm hồn cho bao trẻ thơ, để các em tiếp tục sống mà không bị màn đêm vây lấy nụ cười… |
Ngoài những điều trực tiếp làm cho người mù, thầy giáo Việt còn tham gia nhiều hoạt động khác mà hiệu quả của nó cũng nhằm hướng tới lợi ích của người mù. “Thư viện sách nói cho người mù” cũng xuất phát từ ý tưởng ban đầu của anh, sau này được chị Hướng Dương (thuộc Chi hội phụ nữ từ thiện) triển khai thành một thư viện đặc biệt dành phục vụ riêng cho người mù. Thư viện này hoạt động đến nay đã được 10 năm, hiện đặt tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1), là nơi lui tới của không ít độc giả khiếm thị. Phần mềm hỗ trợ người mù nghe trang web (Ánh Dương) đoạt giải “Ngày sáng tạo” do Ngân hàng thế giới tổ chức tại Việt Nam năm 2003 cũng có sự chung góp ý tưởng từ anh với những đồng nghiệp trực tiếp thực hiện dự án. Hiện, anh cũng đang cùng viết giáo trình cho sinh viên khoa Giáo dục đặc biệt, chuyên ngành khiếm thị của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội…
Thầy giáo Việt đang rất bận rộn với nhiều công việc và kế hoạch cho những người mù. Vậy mà anh cứ bẽn lẽn cười: “Những việc tôi làm có gì to tát lắm đâu! Chỉ biết giúp được người mù chừng nào hay chừng đó”…
Mê Tâm
Bình luận (0)