> Không dạy nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp đứng lớp
Tại hợp đồng kinh tế số 01 ngày 2/11/2005 giữa Trường THPT Chương Mỹ A (do ông Nghiên đại diện cho bên A) với Công ty TNHH Tân Trường An, công ty này cung cấp cho trường Chương Mỹ A một dây chuyền cung cấp nước sạch với giá trị hợp đồng là 12.500 USD (khoảng 200 triệu đồng), hợp đồng có hiệu lực 10 năm. Phương thức thanh toán là thu phí 3.000 đồng/học sinh/tháng. Số tiền này, ông Nghiên khẳng định sẽ trả toàn bộ cho công ty, nhà trường không hề giữ lại (?).
Xem xét một cách chi tiết bản hợp đồng này thì sẽ thấy rõ sự phi lý. Số lượng học sinh của trường Chương Mỹ A trung bình khoảng 3.000 em/năm học. Với cách thu phí như trên, tổng số tiền nhà trường phải trả theo hợp đồng trong 10 năm khoảng 900 triệu đồng. Như vậy, Công ty Tân Trường An sẽ thu được một món hời lớn từ hợp đồng này. Nhưng liệu rằng Tân Trường An có được hưởng toàn bộ số tiền chênh lệch từ hợp đồng có vẻ béo bở này không?!
Một hợp đồng khác, ngày 2/11/2004, ông Nghiên ký với Công ty TNHH thương mại tin học Phúc Thành hợp đồng đào tạo tin học. Theo đó, phía Phúc Thành đầu tư kinh phí mua mới 52 máy tính và tài liệu, trang thiết bị cho chương trình tin học tự chọn và chương trình học nghề giảng dạy cho học sinh phổ thông… Kinh phí cho hợp đồng này cũng dựa vào nguồn thu từ học phí và trả theo hình thức trả góp.
"Tiền thu của học sinh, chúng tôi trả hết cho công ty Tân Trường An" |
Theo tìm hiểu, khả năng tài chính của trường trong năm học 2004-2005 với 3.500 học sinh, mức thu học phí 108.000 đồng/em (đã thu ngay từ đầu năm học) thừa khả năng trang bị ngay 2 phòng máy! Không hiểu vì động cơ gì mà ông Nghiên vẫn thích… trả góp.
Cụ thể theo điều 3 (phần 1 khoản 1 và 2) thì hợp đồng sẽ được kéo dài trong 4 năm – tương ứng với tổng giá trị khoảng hơn 1 tỷ đồng (mức học phí 12.000 đồng/tháng/học sinh đóng trong 4 năm). Ông Nghiên khẳng định số tiền thu học phí kia sẽ được trả toàn bộ cho Công ty Phúc Thành để công ty chi cho các giáo viên giảng dạy, sửa chữa và khấu hao máy?!
Không hiểu vô tình hay hữu ý, ông Nghiên đã biến những học sinh thân yêu của mình thành những “con bò sữa”. Vấn đề là liệu các công ty trên có được hưởng lợi hoàn toàn từ “những con bò sữa” ấy không?!.
Kết luận thanh tra số 754/BCKQTTr ngày 20/05/2007 của Sở GD-ĐT Hà Tây (cũ) lại có phần “đỡ” cho ông Nghiên. Theo đó, hầu hết những vấn đề mập mờ về tài chính đều được kết luận một câu: “chưa phát hiện được ông Nghiên móc ngoặc…” hay “chưa phát hiện được ông Nghiên có biểu hiện lấy kinh phí…”.
Bên cạnh những hợp đồng trên, ông Nghiên còn có biểu hiện lách luật, tách một hợp đồng lớn thành nhiều hợp đồng nhỏ để tự quyết định giá, bỏ qua các cơ quan chức năng thẩm định giá. Đơn cử như hợp đồng kinh tế số 03 và số 06 ký cùng ngày 18/2/2006, cùng đặt hàng một sản phẩm bàn học sinh của cùng một đơn vị kinh doanh, tại sao không ký làm một mà phải tách ra làm hai hợp đồng? Mỗi hợp đồng có trị giá dưới 20 triệu đồng nên “không thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản hướng dẫn số 2248/HDTC-BG” (trích Kết luận thanh tra số 754) do Sở Tài chính Hà Tây (cũ) ban hành.
Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ những khuất tất trong các hợp đồng kinh tế của trường THPT Chương Mỹ A do ông Nghiên ký, để những học sinh của trường không trở thành “những con bò sữa”.
Phạm Nguyễn (Theo Dantri)
Bình luận (0)