Bài 1: Bước chân… nhi đồng
Nhiều em nhỏ vì hoàn cảnh gia đình nghèo nên theo cha mẹ phụ bán vé số kiếm cơm. Phần lớn các em phải gác lại giấc mơ đến trường. Đôi chân nhỏ là thế mà đã sớm giẫm đạp, bon chen giữa bụi đời…
“Tỷ Phú” đi bán giấc mơ tỷ phú
“Mua đi chú. Vé số của Tỷ phú đây chú ơi, chú mua vài tờ sẽ trúng thành tỷ phú đấy chú”. Người đàn ông tóc bạc cười ngặt nghẽo: “Mày là tỷ phú dỏm rồi. Tỷ phú thì mày ở nhà nằm tréo chân mà hưởng chứ sao lại đi bán vé số”. Nói đoạn ông ta bỏ đôi đũa đang ăn dở tô phở rồi cầm xấp vé số lật qua lật lại. “Theo mày thì chú nên mua tờ nào để được thành tỷ phú?”. “Chú phải mua một sơ-ri mới thành tỷ phú được. Cái nào cũng được”. Ông khách rút một sê-ri vé, thằng nhỏ nhận tiền cảm ơn ríu rít rồi lẻn sang các bàn khác chào mời, đột ngột nó khựng người quay lại nói với ông khách tóc bạc: “Con tên Tỷ Phú, chứ không phải là tỷ phú”. Ông khách già lại bật cười, giơ ngón tay cái lên vẻ tán dương nó…
Một ngày Tỷ Phú phải đi hết hàng chục tuyến đường để bán cho vơi xấp vé số cả trăm tờ. Buổi sáng từ đường Lê Văn Việt quận 9 rồi đến khu siêu thị Co.op Mart, buổi chiều từ Võ Văn Ngân quận Thủ Đức đến đầu đường Kha Vạn Cân, xong lại đảo vài vòng qua khu chợ rồi mới lật đật trở về nhà. Có bữa ăn cơm xong nó lăn kềnh ra ngủ, hôm nào còn sức thì chạy theo lũ bạn đi phá phách. Bọn trẻ trong xóm thường rủ nhau đi bẻ trộm chuối, hái trộm xoài. Năm nay đã 6 tuổi nhưng nó không được đi học. Cái nghèo và nỗi lo miếng cơm đã đóng đinh vào tuổi thơ của nó. Tỷ Phú tên đầy đủ là Phạm Tỷ Phú. Ba má nó trốn nợ ở quê Vĩnh Long dắt díu lên Sài Gòn bán vé số kiếm ăn hằng ngày. Miếng ăn còn lo chưa xong chứ dám mơ tưởng gì đến việc trả nợ. Mẹ nó, chị Cao Thị Thanh Thúy, lấy ba nó từ năm 20 tuổi. Cái nghèo và bất hạnh thường đi chung với nhau như một quy luật bất thành văn. Năm 28 tuổi, chị Thúy bị tai nạn giao thông gãy xương bánh chè. Không tiền chữa trị dứt điểm, chị ra viện với chiếc nạng trên tay. Và chiếc nạng theo chị suốt 4 năm nay. “Nghèo quá nên sinh nó ra mới đặt cái tên Tỷ Phú. Mong cho nó được đổi đời. Chắc giờ nó đi bán giấc mơ tỷ phú cho người ta thôi chứ làm gì được tỷ phú”, chị Thúy hóm hỉnh cho biết. “Nói thiệt với chú chứ cũng muốn cho nó đi học lắm chứ. Nhưng nếu không có nó phụ thì hai vợ chồng tui chắc không trụ được”.
Thằng Tỷ Phú khoe mỗi ngày nó bán được gần cả trăm tờ vé số, tiền lời được 50 đến 60 nghìn, nhỉnh hơn ba nó nhiều. Ai bảo nó có cái tên Tỷ Phú. Nó nói có một bà hàng xóm từ hai năm nay cứ vào 30 tết là đến nhà trọ cho ba má nó mấy trăm nghìn, dặn dò nó sớm mai nhớ sang nhà bà xông đất, bà lì xì cho tiền đi chơi. Thỉnh thoảng buôn bán trúng mánh, bà ta còn may quần, mua dép cho nó nữa. Nhìn cái dáng nó chạy lon ton trong dòng người xuôi ngược, giơ xấp vé số rao “Vé số Tỷ Phú đây” thì ai cũng hiếu kỳ chặn lại hỏi thăm. Hỏi rồi mua ủng hộ cho nó vài vé. Cuộc đời nó chắc sẽ mãi bán giấc mơ tỷ phú cho người đời…
Con chữ trên tờ vé số
Bé Vy ngồi viết nắn nót. Những con chữ tròn trịa xếp dài theo những hàng ca-rô vở trắng. Đột nhiên nó dừng lại hỏi mẹ “Sáng mai mẹ lấy bao nhiêu tờ hả mẹ”. Mẹ nó chỉ biết nhìn khách cười lặng lẽ.
Nhà Vy lúc trước ở làng Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Mới 2 tuổi bố mẹ nó đã bỏ nhau. Nó theo mẹ vào Sài Gòn bán vé số. Căn phòng trọ chật chội, ẩm thấp trong con hẻm đường Đình Phong Phú quận 9 này chỉ buổi tối là rộn tiếng cười khi hai mẹ con gặp mặt. Vy học lớp 4 và nó cũng có kinh nghiệm 4 năm đi bán vé số. Học buổi chiều thì nó đi bán buổi sáng, học buổi sáng thì nó đi bán kết quả xổ số vào buổi chiều. Mới 9 tuổi đầu nhưng nó có những câu nói rất triết lý như “Bán buổi sáng hay bán buổi chiều đều lời như nhau. Buổi sáng thường thì bán hy vọng, buổi chiều thường thì bán thất vọng”. Nói như vậy vì nó rất ít thấy ai mua tờ xổ số của nó mà trúng lớn cả, nên chỉ toàn thất vọng. “Nhưng buổi chiều hay buổi sáng, hy vọng hay thất vọng thì cũng chỉ trong một ngày. Mai sẽ là một ngày khác”.
Vy thích học và học giỏi nhất là môn văn. Có bận sáng đi bán vé số, nó lấy bút viết mấy dòng lên phía sau mấy tờ vé số để học. Bán gần hết xấp vé thì nó cũng đã thuộc làu bài học. Còn những tờ vé số cuối cùng với nghuệch ngoạc những con chữ, nó mời mãi chẳng thấy ai thèm mua. Bị mẹ mắng, nó đáp lại tỉnh bơ: “Đâu có quy định là không được viết lên sau tờ vé số. Chỉ có nói là không được cạo sửa, nhàu nát và phải nguyên vẹn thôi mà”. Mẹ nó ôm nó cười. Thôi thì có để lại mấy tờ vé số bất đắc dĩ này mới biết con gái mình lớn rồi.
Có hôm xui quá bị giật vé số, nó lủi thủi về phòng khép cửa ngồi thu lu khóc. Hai mẹ con chỉ biết ôm nhau cùng khóc, rồi xin đại lý vé số cho trả góp, góp vài tháng rồi cũng xong. “Không có nó thì tui không có lý do gì để sống trên đời nữa. Làm cái kiếp con người đến bây giờ khổ vẫn hoàn khổ, nhưng hai mẹ con tui vẫn hạnh phúc với những gì đang có”, chị Trần Thị Lệ Hồng – mẹ bé Vy tâm sự.
Những ngày mưa Sài Gòn bất chợt, Vy đứng trốn mưa dưới những sảnh lớn của mấy khu nhà lầu. Nó lấy bao ni-lông bọc xấp vé số lại, cuộn tròn rồi cho vào bên trong bụng. Gương mặt đang trĩu xuống, chắc nó đang lo sợ mẹ không may bị ướt vé số, đến tối hai mẹ con lại ôm nhau khóc…
Mục Đồng
Trẻ em bán vé số được nhiều người mua ủng hộ. Nhưng do các em không thể tự vệ nên hay bị bọn xấu trấn lột, cướp giật. Có khi mất luôn cả tiền và vé số. Thường thì những người có con bán vé số chỉ giao từ mười đến hai mươi tờ. Bán xong hết sê-ri này rồi chạy đi tìm cha mẹ lấy thêm sê-ri khác. “Trừ những kẻ chăn dắt trẻ em ra thì những người làm cha làm mẹ không ai muốn trẻ con, đặc biệt là con mình đi bán vé số. Cái nghèo nó làm ra như vậy. Nhiều lúc thấy có lỗi với con mình lắm, nhưng biết làm sao được…”, anh Nguyễn Văn Tư, một người cha gần 40 tuổi có con gái 8 tuổi đi bán vé số, hiện sống tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức tâm sự. |
Bình luận (0)