Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lớp học của thầy Nhãn

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Nhãn đang dạy tại lớp học tình thương của mình

Đến KP.3, P.Phú Thuận, Q.7, TP.HCM hỏi nhà thầy giáo Nguyễn Văn Nhãn thì ai cũng biết. Thầy chính là người đã tập hợp, xóa mù chữ cho những đứa trẻ nghèo, không đủ điều kiện đến trường.
Lớp học của tình thương
Vào những ngày đầu năm 2006, khi ấy, thầy giáo Nguyễn Văn Nhãn (giáo viên Trường Tiểu học Tân Thuận) đã nghỉ hưu đi dạo quanh khu phố, nhìn thấy lũ trẻ nheo nhóc, đen đúa đang tập trung đá bóng ngay giữa đường, giữa dòng xe cộ đang qua lại. Bỗng một tiếng “rầm”, một người đi xe máy ngã sóng soài ra đất, bọn trẻ không đến đỡ người bị nạn đứng dậy mà còn gân cổ lên… chửi rằng đi xe sao không nhìn đường, thấy có người đá bóng thì phải… tránh ra?!? Đây là những hình ảnh thôi thúc thầy nhanh chóng mở một lớp học tình thương để dạy dỗ những đứa trẻ nghèo, không đủ điều kiện đến lớp.
Sẵn có dãy nhà trọ, thầy dành một phòng để làm lớp học, rồi thầy đến Trường Mầm non 2-9 để xin bàn ghế cũ, bỏ đi về sửa chữa lại để làm chỗ ngồi cho các em. Thầy tự bỏ tiền túi ra mua sách, vở, dụng cụ học tập và kể cả mua kẹo, bánh để… “dụ” học trò đến với lớp học của mình. Trên bục giảng, người thầy đã ở độ tuổi thất thập cổ lai hy, dưới lớp leo nheo vài đứa trẻ không cùng độ tuổi, thầy gân cổ lên dạy còn học trò thì “chóp chép” kẹo, bánh. Tuy vậy, thầy vẫn không nản chí mà tự nhủ rằng: “tụi nhỏ đi học là vui rồi, mình cần nó chứ nó chẳng cần mình, vì vậy phải cố gắng làm sao để chúng thấy thoải mái khi đến lớp học của mình”.
“Tiếng lành đồn xa” là khi đến lớp học của thầy Nhãn không những được học mà còn được vui chơi, ăn uống thoải mái nên nhiều đứa trẻ ở các phường khác cũng kéo về đây để học. Lớp học bỗng chốc đông lên (hiện có 44 em), một ông cụ 70 tuổi không thể quản lý và dạy dỗ hết được, thầy lại đi vận động tìm thầy cô khác “tiếp tay” dạy cho bọn trẻ. Vận động mãi, thầy mới tìm được hai cô giáo cũng đã nghỉ hưu về dạy các em.
Tìm thêm được thầy cô cho trò, thầy Nhãn bắt đầu đặt ra những quy tắc, nội quy, khen thưởng cho cả thầy và trò. Thầy, cô không được đánh đập, la mắng học sinh cho dù bất cứ trường hợp nào. Đó là quy tắc “lạ” nhất và duy nhất trong lớp học của thầy Nhãn. Các quy tắc ấy thể hiện được tình thương, lòng nhân ái, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục con người.
Đến cái tâm của những cựu giáo viên
Lớp học này tồn tại đã được 3 năm, bây giờ ngoài thầy Nhãn, các em học sinh ở đây cũng đã quen thuộc với dáng người nhỏ nhắn của cô Nguyễn Thị Thiền, 66 tuổi cựu giáo viên Trường Trung cấp Ngân hàng III (trước giải phóng). Hằng ngày, cô đi bộ đến lớp dạy các em sau đó đưa các em về tận nhà rồi mới đi bộ về nhà. Cô Nguyễn Thị Thiền chia sẻ: “Tôi đến với lớp học này không phải để nhận số tiền phụ cấp hằng tháng mà vì tình yêu với nghề giáo, với đám học trò nghèo, dạy ở đây tôi cũng thấy trách nhiệm của mình nặng nề hơn, vất vả hơn nhưng bù lại, tôi cảm thấy vui hơn sau mỗi khóa học lại có một số em đủ điều kiện vào những trường học chính quy”. Đó không chỉ là niềm vui của riêng cô Thiền hay thầy Nhãn mà đó cũng là niềm vui của chính các em, của toàn xã hội.
Nghe đến việc làm của thầy giáo Nhãn, nhiều người nghĩ rằng gia đình thầy cũng dư dả, có của ăn, của để; nhưng sự thật là mỗi buổi sáng, vợ chồng thầy phải dậy từ 4 giờ để bán cà phê, hủ tiếu bởi 6 người con của thầy cũng không khá giả gì. Thầy Nhãn chia sẻ: “Tôi mở lớp tình thương không phải là làm việc thiện, phước đức hay để lấy thành tích mà tôi mở lớp này với tất cả tấm lòng của người thầy giáo, của một người lớn có trách nhiệm với thế hệ măng non”.
Chúng tôi đến nhà thầy cũng là lúc UBND P.Phú Thuận vừa gửi văn bản “kê khai” thành tích của thầy Nhãn để đề nghị khen thưởng nhưng thầy đã từ chối. “Tôi làm không phải để nhận bằng khen, giấy thưởng của chính quyền mà điều tôi mong mỏi nhất là làm sao tất cả các trẻ em nghèo được học chữ, được giáo dục làm người có hiệu quả, đó mới là cái tôi hướng đến”, thầy tâm sự.
Bài, ảnh: Công Luận

Ông Mai Văn Hùng – Phó chủ tịch UBND phường Phú Thuận cho biết: “Hiệu quả của lớp học này rất rõ, từ khi có lớp học của thầy Nhãn, trật tự khu phố được cải thiện rõ rệt; không những thế, lớp học tình thương này cũng là điểm sáng văn hóa của phường, góp phần xóa mù chữ cho trẻ em nghèo, bất hạnh. Đây là một mô hình xã hóa giáo dục cần được nhân rộng ra toàn xã hội”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)