Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Nghệ sĩ” miệt vườn

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Năm (Cần Đước) đang đàn và anh Thanh Nhàn (Cần Giuộc) ca tại một đám giỗ nhà hàng xóm

Nghệ sĩ miệt vườn-họ là những nông dân chân lấm tay bùn quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Giọng ca trời phú, ngón đàn điệu nghệ không qua bất kỳ một trường lớp nào đã làm mê hoặc lòng người. Vui nhiều mà buồn cũng lắm, nghệ sĩ miệt vườn cũng chịu không ít điều tiếng.
Giữ lửa nghề
Một ngày mưa tầm tã, bữa tiệc rượu chỉ có vài đệ tử “lưu linh” sau những ngày vất vả xây xong căn nhà cấp 4 ở ấp Kế Mỹ xã Trường Bình huyện Cần Giuộc tỉnh Long An. Là khách mời, anh bạn già có máu văn nghệ bắt tôi hát cho bằng được. Nhưng chết thật, tôi có biết chút gì về cải lương đâu, anh cứ giục: “Ca đi, đàn nó theo”. Men rượu càng ngấm, lòng say mê nghệ thuật cải lương như càng hưng phấn trong mỗi đệ tử lưu linh hôm ấy. Anh bạn già mà tôi nói ở trên là anh Sáu Nhàn, ngụ tại ấp Kế Mỹ. Suốt gần 20 năm anh vào “nghề” phục vụ đàn, ca ở nhiều tiệc cưới, đám giỗ trong và ngoài làng, thậm chí đi đến các tỉnh bằng cả niềm say mê với nó. Ngày đó, trong làng chỉ có mình anh biết đàn cải lương, mỗi lần cô bác trong xóm lên cơn “ghiền” là sang “cầu cứu” ngón nghề của anh. Riết rồi thành lệ, đám tiệc gì ở đâu bà con ái mộ cũng cho người đến rước anh về phục vụ. Anh kể: “Có lần tôi đàn tại một đám giỗ ở chợ Trạm, huyện Cần Đước, bà con của gia chủ từ Mỹ về nghe “lọt tai”, khoái chí nên bỏ phong bì cho tôi gần triệu bạc, tôi góp thêm mua một cây đàn mới”. Anh chỉ tay vào cây đàn anh đang ôm rồi nói: “Đấy, cây đàn này đây, tôi quý nó lắm vì cây đàn cũ cũng sắp hỏng rồi. Nhờ vậy mà bà nhà không cằn nhằn vì không phải bỏ tiền túi ra để mua”.
Bao câu chuyện buồn vui cũng nhờ vào cây đàn, lời ca mà họ trút niềm tâm sự cùng bạn bè, chiến hữu. Anh Sáu Nhàn buồn bã kể tôi nghe về lũ trẻ trong xóm “Mới có mấy tuổi đầu mà đã nghe thứ nhạc yêu đương, trách mắng, thù hận nhau, ca từ rẻ rúng chửi bới nhau chẳng ra hồn. Nghe mấy ông già ca cải lương là nó lắc đầu ngao ngán chê là cổ lỗ sĩ, thế kỷ 21 rồi mà còn ở đó hát cải lương”.
“Về miền Tây, người biết đờn ca tài tử thì quả là không hiếm nhưng người vừa biết đàn bài bản đủ các thể loại và hát hay thì chỉ đếm trên đầu ngón tay”, anh Chí quê ở xã Vĩnh Hựu huyện Gò Công Đông khẳng định như thế. Anh Chí sinh ra trong một gia đình có 3 đời theo nghề đờn ca tài tử. Thuở lên mười tuổi, ngày đầu tập tành từ chiếc đàn của cha, anh Chí mê đàn còn hơn cả chuyện ăn học. Lập gia đình, cũng không khác gì anh Nhàn, tiếng đàn và giọng ca của anh Chí cũng chỉ “để dành” phục vụ các bữa tiệc gia đình như giỗ chạp, nhậu nhẹt, ma chay, cưới hỏi. Anh Chí tâm sự: “Thật tình không phải vì có chỗ ăn nhậu là tôi vui mà vui vì tôi được đem lại lời ca tiếng đàn cho mọi người thưởng thức”.
Tai nạn nghề nghiệp
Cứ mỗi lần nhà anh Nhàn có chuyện xào xáo là mọi người nghĩ ngay đến việc anh chỉ tối ngày lo đi “phục vụ” mà không lo chuyện nhà cửa. Anh Nhàn than thở: “Em biết đấy, anh thì đã đến tuổi hưu, nhà cũng có chút đỉnh tiền tiết kiệm ở ngân hàng, hàng tháng cứ lãnh tiền lãi ra mà tiêu xài. Trong xóm có ai biết chơi đàn đâu, bà con cần mình mà mình từ chối cũng buồn lắm. Vợ chồng tôi cãi nhau như cơm bữa cũng vì chuyện ấy, nhiều lần bà nhà cắt phăng mấy sợi dây đàn, thậm chí còn “đập vỡ cây đàn” không cho tôi đi đờn ca nữa. Còn cô con gái của tôi thì rất ủng hộ, “Mẹ cứ để ba làm những gì ba thích miễn là công việc nhà ba lo xong, ba có thú vui riêng, mẹ phải tôn trọng ba chứ”. Như hãnh diện vì có người bênh vực mình, anh Nhàn rót ly đế đưa lên miệng nuốt ừng ực. Anh kể cho tôi nghe về “tai nạn” nghề nghiệp gần đây nhất xảy ra với anh. Có cô gái nào đó mà anh chỉ biết là khách đến dự một bữa tiệc thôi nôi của cháu một người bạn, không hề biết mặt mũi, tên tuổi. Mỗi đêm, tin nhắn gửi đến chiếc điện thoại di động của anh với lời lẽ rất tình tứ, nào là em yêu anh, yêu giọng ca mượt mà, tiếng đàn dễ đi vào lòng người rồi đến những địa chỉ hẹn hò… Vô tình vợ anh đọc được tin nhắn đó, làm ầm lên và bắt đầu nghi ngờ anh. Sau đó cứ mỗi lần anh vác đàn đi chị lại cho hai đứa con đi theo “canh me” còn chị ở nhà nghe ngóng tình hình từ hàng xóm.
Đã ngán ngẩm với câu chuyện gia đình của anh Nhàn, gia đình anh Chiến thì bi kịch hơn. Đâu phải chỉ đờn ca, vốn là một “ma men” có tiếng từ thời trai trẻ, vài năm gần đây anh mắc chứng bệnh “run tay” mà bác sĩ bảo là do anh đã nghiện rượu nặng. Quả thật, cứ “chế” vài ly vào là hết hẳn, người anh khỏe ra như vừa uống thần dược. Quyết không từ bỏ, trước lúc trổ tài ngón đàn và giọng ca trời phú của mình anh phải uống vài ly để “máu huyết lưu thông”. Anh uống rượu như uống nước lã, lần nhập viện gần đây nhất bác sĩ đưa kết luận anh đã bị ung thư gan.
Tai nạn đến với anh Nam (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) mới đây khiến anh phải nằm viện hơn tháng trời chỉ vì các đệ tử lưu linh giành ca rồi đánh nhau, khi anh can ngăn thì bị vạ lây. Anh Năm than thở: “Mình bỏ thời gian đi giúp vui cho anh em nhưng khi có chuyện gì xảy ra có ai lo cho mình đâu, rồi lại làm phiền vợ con. Bây giờ có đám tiệc đàng hoàng, vui chơi lành mạnh thì tui đến chứ không dám đụng đâu bạ đó nữa”.
Trần Tuy An

Bình luận (0)