Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mưu sinh từ bãi biển

Tạp Chí Giáo Dục

Đội quân “mót” nghêu này đã có mặt ở bãi biển từ lúc 5 giờ sáng

Xưa nay, khi nhắc đến huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau người ta nghĩ ngay đến sự giàu có của một vùng biển nhiều “cá bạc tôm vàng”. Nhưng mấy ai biết rằng, nơi mảnh đất tận cùng của tổ quốc này vẫn còn nhiều gia đình nghèo khó và những đứa trẻ luôn khát khao được đến trường. Những con người sống ven biển vẫn phải ngày đêm lay lắt bám biển để mưu sinh.
Sống nhờ biển
Trời chưa sáng hẳn, nhưng dọc bờ biển, từng đoàn người thuộc hai xã Tam Giang và Tam Giang Đông đã tụm năm, tụm ba đứng ngồi chờ nước rút. Biển nơi đây là vậy, cứ xế chiều nước lên và lại rút dần vào buổi sáng hôm sau. Nước lên, mang theo nguồn sống của biển, mang theo cả những miếng cơm manh áo thường ngày của những người dân nghèo vốn hiền lành như đất ở nơi này. Một ngày của họ thường bắt đầu từ 6, 7 giờ sáng hay còn sớm hơn thế. Cư dân quanh vùng chủ yếu sống bằng nghề “mót” nghêu, nghĩa là đi mò những con nghêu do sóng biển đánh dạt ra từ một vài trại nuôi nghêu của hợp tác xã gần đó. “Nghêu mẻ đầu thường nhiều và to nhất nhưng cũng là mẻ nguy hiểm nhất. Mọi người phải ra biển từ lúc 4 -5 giờ sáng, khi nước chưa xuống hẳn nhưng lại lên rất bất ngờ. Năm nào ở đây cũng có vài ba người chết đuối vì nước lên, đuối sức không vào bờ kịp”, chị Hà – một người dân nơi đây kể lại. “Nghề “mót” nghêu có từ mấy năm nay rồi. Hồi trước nghêu nhiều lắm, mỗi ngày tôi kiếm được mấy trăm ngàn đồng là chuyện bình thường. Nhưng từ ngày có nạn “nghêu tặc”, người tứ xứ đổ về đây khai thác cạn kiệt quá nên chẳng còn được bao nhiêu. Có người bỏ nghề đánh cá đi mò nghêu, rồi lại bỏ nghêu để quay lại nghề đánh cá. Cố gắng lắm cũng kiếm được chừng hơn 50 ngàn đồng một ngày thôi”, anh Sang, một người dân nơi đây kể. Mỗi ký nghêu mò được, họ bán cho thương lái với giá từ 7-9 ngàn đồng tùy theo nghêu to hay nhỏ. Nếu chịu khó đều đặn hai buổi, mỗi ngày một người cũng kiếm được chừng 50-70 ngàn đồng.
Trong số những người mò nghêu, tôi thấy có những người phụ nữ địu con sau lưng lẫn những người già. Có bà cụ lưng đã còng hẳn xuống, bàn tay run rẩy mò dưới lớp bùn móc lên từng con nghêu. “Mỗi ngày, mình tôi kiếm được khoảng 3 ký nghêu, cũng đủ mấy bà cháu đắp đổi qua bữa”. Hỏi ra mới biết, cụ có người con trai bị chết trong vụ sập cầu Cần Thơ năm 2007. “Mẹ sắp nhỏ lên thành phố làm thuê, tằn tiện mỗi tháng gửi tiền về nuôi tụi nó. Tui cùng đứa lớn ra đây kiếm tiền cơm hàng ngày”, vừa nói bà vừa chỉ cậu con trai chừng khoảng tám tuổi đen nhẻm vì nắng gió vùng biển.
Bỏ chữ đi “mót” nghêu
Lẫn trong đội quân “săn mót” đó, không thể không kể đến đội quân nhí vẫn đều đặn theo chân người lớn ra biển kiếm sống mỗi ngày. Làm quen với một cô bé tên Xim, tôi hỏi em theo thói quen nghề nghiệp “tên của Xim là S hay X”. Em nhìn tôi và trả lời rất hồn nhiên “Em cũng không biết nữa chị à, em quên chữ lâu rồi”. Năm nay, dù chỉ mới 11 tuổi, đã từng học đến lớp hai nhưng bỏ học từ bao giờ thì ngay cả bản thân Xim cũng không còn nhớ nữa. Trên em còn có hai người anh, ba anh em đều không được đến trường vì gia đình quá nghèo. Ba em đi đánh cá ngoài biển, mẹ đang mang bầu em bé thứ tư. Hàng ngày, số nghêu mà ba anh em kiếm được còn nhiều hơn số chữ có ở trong đầu. Qua Xim tôi cũng được biết, với những đứa trẻ ven biển này, ước mơ đi học là điều quá xa vời. Không phải tất cả những đứa trẻ không được đến lớp vì gia đình nghèo mà đằng sau sự nghèo nàn đó, không ít đứa trẻ xa trường, xa lớp chỉ vì… chán học. Cái chữ trên lớp mỗi ngày không hấp dẫn bằng những đồng tiền kiếm được từ bãi biển. “Con nít làng này ít ai được học tử tế lắm. Con chị hai đứa thì một đứa bỏ học, đứa còn lại cũng đang chừng muốn nghỉ nốt. Ngay cả chị cũng không biết chữ, vậy mà vẫn sống được đấy thôi” chị Hà bộc bạch. Để kiếm kế sinh nhai, “đồng nghiệp” cùng tuổi với Xim làm đủ thứ nghề. “Ngoài mò nghêu ra, nhiều đứa còn đi bắt ốc, bắt cua con bán cho các trại nuôi cá, cua giống trong vùng”. Không thuộc mặt chữ, đó là đặc trưng của hầu hết những đứa trẻ ở vùng biển này. Thế nhưng, nếu nói về tiền nong thì lại quá thành thạo, đứa trẻ nào cũng có thể phân biệt một cách dễ dàng mệnh giá của các tờ tiền mà không cần phải đắn đo suy nghĩ. Nhìn những đứa trẻ đứng co ro vì ngâm nước, vì gió biển, nước da đứa nào cũng sạm đen, tôi thấy lòng mình dâng lên một nỗi buồn khó tả. Tạm biệt Năm Căn – tạm biệt vùng quê “Cá bạc, tôm vàng” tôi vẫn nghe tiếng các em í ới gọi nhau lẫn trong tiếng gió và cái nắng của bãi biển lúc chiều tà…
Tường Vy
Các em đã quên tiếng trống của mỗi mùa khai trường, quên cả những bài học ê a vẫn vang lên từng ngày trong lớp học mà thay vào đó là ước mơ làm sao kiếm được thật nhiều tiền mỗi ngày.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)