Giờ ăn trưa của các HV |
Đêm. Học viên (HV) không được ra ngoài khi chưa có giấy phép do quản sinh cấp. Không ít HV gốc “giang hồ” sau một thời gian sống trong môi trường “quân đội” đã trở thành những con người trọng kỷ luật, biết đoàn kết.
Bắc-Trung-Nam một nhà
Trung tâm Dạy nghề Người tàn tật và Trẻ mồ côi TP.HCM (thuộc Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi TP.HCM) đi vào hoạt động từ tháng 4-2006. Lúc bấy giờ chỉ đào tạo 3 nghề: may, thêu tay và tin học văn phòng, đến nay đã đào tạo 15 nghề. HV của trung tâm đông nhất là người TP.HCM, Đồng Nai, Bình Phước, Đăk Nông, Long An… Có không ít người quê tận Thái Bình, Nghệ An. HV khuyết tật vận động, khiếm thính, khiếm thị của trung tâm ở độ tuổi từ 15 đến 35. Riêng trẻ mồ côi chỉ nhận dạy nghề ở độ tuổi từ 15 đến 24. Đa số các em ở các nhà mở, mái ấm, lý lịch rất rõ ràng do địa phương xác nhận và đặc biệt phải có giấy khám sức khỏe về tình trạng khuyết tật.
Nhà giáo ưu tú Đinh Thị Hỏi, Phó giám đốc phụ trách đào tạo của trung tâm cho biết, trong các ngành nghề đào tạo, may công nghiệp là ngành nghề thành công nhất của trung tâm. Đến nay, trung tâm đã đào tạo 22 khóa, mỗi khóa từ 15 đến 20 HV. Tỉ lệ HV có việc làm sau khóa học đạt đến 80%. Trung tâm cũng đã liên kết với các công ty may lớn như Poucheng, Công ty May xuất nhập khẩu Bình Hòa, Việt Hưng… nhằm giải quyết việc làm cho HV sau khi kết thúc khóa học. Các công ty này phải cam kết có chế độ ưu đãi đặc biệt cho HV như chỗ ở, ăn uống và hưởng lương như một công nhân bình thường. Từ năm 2006 đến nay, trung tâm đã đào tạo 80 lớp với 773 HV tốt nghiệp. Trong đó, số HV được giải quyết việc làm là 525 người, đạt tỉ lệ 67,91%.
Trung tâm sắp xếp ngành nghề học tùy theo dạng tật, trình độ văn hóa, năng khiếu và sở thích của HV. Cái khó là ban đầu HV thích nghề này nhưng học một thời gian các em không tiếp thu nổi hoặc không có năng khiếu phải chuyển sang nghề khác. Nhiều HV ao ước được học ngành trung cấp kế toán nhưng không được vì theo quy định, học ngành này phải có bằng tốt nghiệp THPT. Nhiều HV vì quá yêu thích nên trung tâm tạo điều kiện, coi như đó là động lực để các em ôn tập, thi để lấy bằng tốt nghiệp. Không ít HV nhiều năm rồi vẫn không lấy được bằng nên đành phải chuyển nghề học.
HV học nghề ở trung tâm được ăn ở hoàn toàn miễn phí. Nguồn kinh phí này do Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi TP.HCM tài trợ. Không chỉ thế, mỗi HV còn được nhận từ 100 ngàn đến 400 ngàn tiền sinh hoạt phí, học bổng/ tháng. Học bổng này do hội vận động dành cho các HV ngoan hiền, học tập tốt và khuyết tật nặng. Những vật dụng cá nhân, nhu yếu phẩm của các em cũng được mạnh thường quân tài trợ.
Mỗi công trình ở trung tâm được xây nên từ tấm lòng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Như con đường nội bộ, đường vành đai, khu ký túc xá (KTX), nhà ăn, nhà bếp… do UBND TP.HCM tài trợ hơn 10 tỷ đồng; tài trợ trang bị và lắp đặt trần nhà, giường tủ khu KTX do Hội Kiến trúc sư TP và Hội Cựu tù binh Pháp ở Đông Dương ủng hộ…
Nếp sống của “lính”
Giờ giấc học hành, nghỉ ngơi của trung tâm được quy định chặt chẽ, chẳng khác nào môi trường trong quân ngũ. 5 giờ 30 sáng, HV dậy tập thể dục, sau đó vệ sinh cá nhân. 6 giờ 30 ăn sáng, ăn trưa vào lúc 11 giờ và ăn chiều vào lúc 4 giờ. Ngoài việc học nghề, HV còn tham gia lao động như nhổ cỏ bồn hoa, trồng rau, vô phân các chậu kiểng…
Trung tâm có hai khu KTX nam, nữ riêng biệt có sức chứa khoảng 300 HV. Từ khu này sang khu kia khá xa, phải đi qua nhiều dãy nhà. Đây cũng là chủ đích trong thiết kế của kiến trúc sư người nước ngoài. Mỗi phòng có từ 8-10 HV ở giường tầng. Tùy vào số lượng cũng như tình trạng khuyết tật mà trung tâm bố trí số giường đơn, giường đôi (giường tầng). HV khiếm thính, khuyết tật nhẹ được ngủ giường trên. HV bị bại liệt nặng, khiếm thị thì được xếp ở giường dưới. Nhiều HV lâu nay ở nhà được người thân phục vụ, chăm sóc từ A-Z nhưng khi vào đây, họ có thể tự làm mọi thứ mà không cần nhờ vả ai.
Theo nội quy, HV phải tự lau dọn phòng và hành lang khu vực KTX. Các cá nhân trong phòng tự chia sẻ công việc cho nhau. Người khuyết tật nhẹ giúp người khuyết tật nặng, mỗi người một việc tùy vào khả năng. Mỗi phòng đều có một nhà vệ sinh được thiết kế đặc biệt dành cho người khuyết tật, lối ra vào rộng để thuận tiện cho xe lăn di chuyển.
Đến giờ ăn, HV tự bày bàn ghế rồi đến bếp nhận khay thức ăn đã được chuẩn bị. Ăn xong cũng tự mình thu dọn, lau bàn và xếp lại. Còn việc rửa chén đã có nhà bếp đảm trách. Thực đơn cũng được luân phiên thay đổi nhằm đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Chú trọng đến khâu an toàn vệ sinh thực phẩm, trung tâm đặt hàng ở các công ty cung ứng thực phẩm có uy tín.
Nhân viên y tế nghỉ trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật nên quản sinh cũng cực hơn. Những lúc HV đau ốm, quản sinh lại chạy “vắt giò lên cổ” để đưa các em đến viện. Theo quản sinh Nguyễn Xuân Điền, đa phần HV của trung tâm đều mới xa nhà lần đầu, mọi thứ còn bỡ ngỡ, mặc cảm với xã hội. Những người quản sinh như tôi phải gần gũi, chia sẻ với HV để dần xóa bỏ mặc cảm ấy. Trong giao tiếp giữa quản sinh và HV còn nhiều trở ngại vì HV khiếm thính… Lúc truyền đạt cũng như phổ biến các nội quy, quy định đến HV, chúng tôi phải thông qua “phiên dịch”.
Dù thực hiện nghiêm chỉnh nề nếp, nội quy ngay từ đầu song quản sinh cũng hết sức “nhức đầu” với những HV trước đây là “giang hồ” ngoài đời, vào môi trường này có chút thay đổi nhưng vẫn tính nào tật ấy, coi trời bằng vung, bất trị… Tuy nhiên, số này không nhiều.
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri
Trước mỗi công trình đều gắn bảng tên của đơn vị, cá nhân tài trợ, một phần là để tôn vinh tấm lòng của họ, mặt khác còn là để nhắc nhở HV phải học hành, tu dưỡng đạo đức, sống sao cho xứng đáng với tấm lòng các mạnh thường quân. |
Bình luận (0)