Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những ngôi trường trăm năm tuổi: Bài 2: Trường Nữ sinh Áo Tím

Tạp Chí Giáo Dục

Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay. Ảnh: T.A

Năm 1908, một số trí thức người Việt đề nghị chính quyền thực dân Pháp thành lập một ngôi trường đa cấp dành cho nữ giới. Đề nghị này đã được chính quyền thực dân lúc bấy giờ đồng ý nhưng mãi 5 năm sau, tức năm 1913, ngôi trường mới được khởi công.
Trường của những thiếu nữ bản xứ
Trường nằm trên đường Legrand de la Liraye – nay là đường Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM và được khai giảng khóa đầu tiên vào năm 1915 với 42 nữ sinh. Sở dĩ trường lấy tên Trường Nữ sinh Áo Tím là vì đồng phục của học sinh là áo dài tím, tượng trưng cho sự tinh khiết của phụ nữ Việt Nam.
Ban đầu, học sinh của trường đều là con em của người Sài Gòn. Đến năm 1918, số lượng học sinh ngày càng đông, trường xây dựng thêm một ngôi nhà thứ hai, có khu cư xá cho học sinh ở các vùng khác đến. Ngoài ra, trường còn có bệnh xá, nhà bếp… Hiệu trưởng đầu tiên của trường là bà Lagrange, người Pháp. Lớp đầu tiên của bậc trung học đệ nhất cấp được khai giảng vào tháng 9-1922. Tiếng Pháp được giảng dạy từ các lớp căn bản, ngôn ngữ chính dạy các lớp bậc trung học đệ nhất cấp. Điều đặc biệt, học sinh của trường chỉ được giao tiếp với nhau bằng tiếng Pháp. Riêng tiếng Việt sẽ được học 120 phút/ tuần trong giờ Việt văn. Lúc bấy giờ, toàn quyền Albert Sarraut cho dựng một phiến đá bằng cẩm thạch có khắc dòng chữ Collège de Jeunes Filles Indigèges (Trường của những thiếu nữ bản xứ).
Học sinh của trường âm thầm đấu tranh chống thực dân. Đã có nhiều lần học sinh xuống đường biểu tình. Đó là lần một giáo viên người Pháp yêu cầu học sinh người Việt ngồi hàng đầu nhường ghế cho học sinh người Pháp (1920). Lần thứ hai vào năm 1924, thời điểm để tang Phan Bội Châu và lần thứ ba vào năm 1926, khi liệt sĩ Phan Chu Trinh, thuộc phong trào Duy Tân qua đời. Nữ sinh Trường Áo Tím cùng học sinh từ Bắc chí Nam đã nghỉ học để ủng hộ ông. Nhiều nữ sinh bị tù đày và cấm trở lại trường vĩnh viễn cũng vì sự kiện này.
Nữ sinh Áo Tím – những người con ưu tú
Trường được đổi tên thành Collège Gia Long, rồi Lycée Gia Long trong những năm 1940. Trước đó, trường bị quân đội Nhật, sau đó đến quân đội Anh chiếm đóng nên phải tạm dời trường về Trường Tiểu học Đồ Chiểu, Tân Định. Trường có nhiều học sinh trực tiếp tham gia vào các hoạt động ủng hộ Việt Minh cứu tế nạn đói miền Bắc Đông Dương, truyền bá Quốc ngữ… và không ít học sinh đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng trong chính quyền mới sau Cách mạng Tháng 8.
Quân đội Anh trao trả trường vào năm 1947. Lúc này trường bị hư hỏng nặng phải vận động quyên góp để sửa chữa. Nhân đó, trường được mở rộng, xây mới tòa nhà hai tầng ở đường Bà Huyện Thanh Quan. Năm 1949, nhà cầm quyền ra lệnh đóng cửa ngôi trường vì học sinh của trường cùng học sinh Trường Trương Vĩnh Ký tổ chức bãi khóa kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa. Trường được mở cửa lại vào năm 1950, cựu nữ sinh của trường và là người Việt đầu tiên – cô Nguyễn Thị Châu làm Hiệu trưởng. Nữ sinh học song song hai ngoại ngữ Anh và Pháp vào năm 1952, thời gian này chương trình giáo dục Việt cũng dần thay thế chương trình giáo dục Pháp. Đồng phục áo dài tím được đổi thành áo dài trắng vào năm 1953, phù hiệu của trường là đóa mai vàng. Tên trường cũng đổi thành Trường Nữ Trung học Gia Long. Năm 1971, một cuộc tuyển sinh lớn thu hút 8.000 học sinh khắp nơi như Sài Gòn, Gia Định, Biên Hòa, Tân An đăng ký nhưng chỉ có 819 học sinh thi đậu.
Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Anh hùng lao động, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ Nguyễn Thị Ngọc Phượng… cũng đã học tại ngôi trường này. Mẹ Mè cho biết: “Thế hệ chúng tôi rất vinh dự khi được học ở ngôi trường Nữ sinh Áo Tím. Niềm tự hào lớn nhất là từ ngôi trường này, chúng tôi có những người bạn, người đồng chí rất tích cực, đoàn kết trong phong trào lật đổ ách thống trị của thực dân phong kiến, sau này là đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm”.
Trước khi thực hiện loạt bài này, chúng tôi cũng đã có dịp về ấp 3, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP.HCM để tìm tư liệu. Vùng đất này từ hơn 10 năm nay đã mọc lên một ngôi làng tên là làng “Giáo viên hưu”. Làng “Giáo viên hưu” là một khu nhà được xây dựng trong một khuôn viên rộng lớn, trong đó có nhiều ngôi nhà nhỏ, nằm cách lộ khá xa. Khu nhà được xây dựng theo kiến trúc nhà vườn kiểu mới, không gian thoáng đãng, rất yên tĩnh. Chủ nhân của những ngôi nhà này là thầy – trò của Trường Nữ sinh Áo Tím – Gia Long. Đây được xem là “mái nhà xưa”, nơi thầy và trò có thể chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống lúc tuổi già.
Trần Tuy An (tổng hợp)

Trường Nữ Trung học Gia Long được đổi tên thành Trường Phổ thông cấp 2-3 Nguyễn Thị Minh Khai vào năm 1975 và là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (sau khi giải thể cấp 2) vào niên học 1978-1979. Năm 2003, trường là một trong 55 công trình đề nghị xác lập di tích kiến trúc cổ của Sài Gòn – TP.HCM.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)